Chàng trai nghỉ việc văn phòng chạy xe ôm chăm mẹ bệnh nặng vì tin vào sức mạnh tình thân
Một ngày làm việc của Nguyễn Minh Tú (29 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) thường bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Không phải vì dậy muộn, ngủ nướng mà đi làm trễ; Minh Tú dậy rất sớm nhưng phải dành thời gian để nấu cơm, tắm rửa, vệ sinh và chăm sóc mẹ chu đáo rồi mới bắt đầu đi làm được. Đó cũng là lý do mà Tú quyết định làm tài xế công nghệ.
"Cũng từng có một gia đình trọn vẹn"
Trước khi gặp trực tiếp Tú ngoài đời, chúng tôi (PV) đã có trao đổi trước qua điện thoại và ấn tượng lúc đó về Tú là một giọng nói già dặn, chững chạc nên khi thấy Tú bên ngoài với vẻ ngoài trẻ trung và nụ cười má lúm đồng tiền tươi rói, chúng tôi tưởng nhận nhầm người".
Trong căn phòng ở nhờ gia đình họ hàng rộng chừng 15 mét vuông, mẹ của Tú nằm bất động thẫn thờ trên chiếc giường nhỏ chỉ vừa 1 thân người. Cuộc sống 4 năm nay của bà chỉ quanh quẩn trên chiếc giường này: ăn, ngủ và chờ con trai đi làm về.
Nguyễn Minh Tú lớn lên trong một gia đình trọn vẹn và hạnh phúc ở Q.7 (TP.HCM), cho đến năm 2009 khi Tú 15 tuổi, vì nợ nần và mâu thuẫn không thể hóa giải, cha mẹ Tú ly hôn, phải bán nhà để trả nợ. Tú và mẹ chuyển về ở nhờ nhà họ hàng tại Q.4 (TP.HCM). Mẹ Tú làm nghề may vá và nhận thêm việc lao công, sắp xếp hàng hóa để nuôi con trai ăn học. Kể từ đó đến nay, mẹ con Tú và cha sống 2 cuộc đời gần như tách biệt.
"Một tay mẹ chăm sóc và cố gắng để em được ăn học đàng hoàng. Mẹ đơn thân bao giờ cũng rất vất vả. Học hết cấp 3, em thi vào đại học và theo đuổi ngành công nghệ thông tin (khoa mạng máy tính) mà em yêu thích. Lúc em ra trường và bắt đầu đi làm, 2 mẹ con đặt mục tiêu cùng nhau cố gắng tích cóp để đủ tiền mua một căn nhà nhỏ cho riêng mình. Thời gian đó mẹ làm đủ thứ việc, cả may đồ lẫn đi bốc xếp hàng cho spa, mẹ làm từ sáng đến khuya. Có lẽ vì vậy mà sức khỏe của mẹ không chịu đựng được nữa".
"Thời điểm năm 2019, ngày hôm đó mẹ đang đi bốc xếp ở một kho hàng thì đổ bệnh. Mẹ vốn có bệnh cao huyết áp nên khi đồng nghiệp của mẹ gọi báo là mẹ đang cấp cứu em cũng chỉ nghĩ chắc là một cơn lên huyết áp như trước đây thôi. Nhưng không, lần này nặng hơn nhiều, mẹ bị vỡ mạch máu não và nguy kịch. Vào đến viện, em hỏi "mẹ ơi, mẹ có sao không" nhưng lúc đó mẹ gần như không còn nhận thức được và không kiểm soát được hành vi nữa. Em chẳng biết làm gì khác ngoài ôm giường bệnh của mẹ và khóc. Thế giới của em lúc đó như đổ sập xuống. Có chút may mắn là sau đó ca phẫu thuật thành công, mẹ không còn nguy hiểm đến tính mạng nhưng 2 chân và tay phải đều bị liệt, nhận thức và khả năng ngôn ngữ cũng gần như mất hoàn toàn", Minh Tú kể lại với đôi mắt ngấn lệ.
Gác lại ước mơ để ở cạnh mẹ
Trước thời điểm mẹ đổ bệnh, Minh Tú đang là nhân viên ở một công ty công nghệ, được làm đúng chuyên môn, đúng công việc mà mình yêu thích. Dù vẫn phải đi ở nhờ, cuộc sống của Tú lúc đó vẫn đúng nghĩa là cuộc sống của một chàng trai được vùng vẫy với mơ ước tuổi trẻ của mình, có bạn bè, có người yêu và có người mẹ tần tảo là hậu phương vững chắc.
Biến cố ập đến quá bất ngờ khiến chàng trai trẻ hoang mang, mất định hướng. Khi đó, ở tuổi 25, Tú quyết định nghỉ việc và ở nhà hẳn để chăm sóc cho mẹ. "2 năm đầu tiên mẹ đổ bệnh, em túc trực bên cạnh mẹ để vừa lo ăn uống, vệ sinh, tắm rửa và vừa nói chuyện, động viên mẹ. Em tin vào sức mạnh của tình thân. Em là người hiểu mẹ mình nhất thì chỉ có em mới chăm sóc được cho mẹ tốt nhất. Em tự tay chăm sóc cho mẹ thì mẹ mới mau chóng hồi phục. Nhưng sau 2 năm thì nguồn tiền tiết kiệm để 2 mẹ con sống qua ngày dần cạn kiệt, đó là lúc em nghĩ đến việc phải tìm một công việc vừa có thời gian linh hoạt để chăm mẹ, mà vừa đảm bảo đủ để lo cho những nhu cầu cơ bản của mẹ như ăn uống, thuốc thang", Minh Tú chia sẻ.
Năm 2021, khi đợt dịch Covid-19 nặng nề nhất ập đến, cuộc sống của Tú và mẹ càng thêm khốn khó. Thời điểm đó, thậm chí Tú phải bán cả chiếc TV - món đồ gần như giá trị duy nhất trong nhà để có thể lo thuốc thang cho mẹ. Trong tình cảnh không còn gì để bán, Tú bắt đầu tìm hiểu để làm đối tác tài xế của Grab, công việc có thể cho Tú thời gian linh động để vừa có thu nhập, vừa đi đi về về để lo cho mẹ. Trong giai đoạn dịch bệnh, nhờ chạy Grab giao hàng tại các quận lân cận mà bà con biết đến Tú nhiều hơn. Họ cũng nhờ anh giao thực phẩm đi các nơi và trả công cao hơn một chút vì thương hoàn gia đình. Vì vậy mà dù không làm đúng sở trường và chuyên môn được đào tạo, Tú vẫn luôn thấy biết ơn công việc này và đặt niềm tin vào đó.
Mỗi sáng, sau khi chuẩn bị cơm nước và vệ sinh, tắm rửa cho mẹ xong; Tú bắt đầu bật app lên (ứng dụng Grab dành cho tài xế) để đi làm. Trước khi ra khỏi cửa, Tú luôn chào "Con đi mẹ nha, chút con về nha" để mẹ an tâm ở nhà đợi. Đến giữa trưa, Tú về nhà cho mẹ ăn rồi lại tiếp tục chạy. Tú chạy giao đồ ăn nhiều hơn vì không dám nhận cuốc chở khách xa, sợ mẹ ở nhà một mình quá lâu, có việc gì sẽ chạy về không kịp.
"Những ngày em thấy khó khăn nhất là những ngày mưa, em không giao đồ ăn được vì sợ nước mưa vào ảnh hưởng đến khách. Có nhiều lần em suy nghĩ "tại sao ông trời lại đối xử với mình như vậy", mong muốn đơn giản là mỗi ngày chạy đủ tiền ăn, tiền thuốc cho mẹ thôi nhưng thực sự là vẫn không đủ", Tú tâm sự.
Sau 3 năm gắn bó với những cuốc xe và cuộc sống mưu sinh từ sáng tới khuya, Tú gần như quên hết mọi sở thích, những niềm vui, những mối quan hệ cá nhân phải tạm gác lại, cuộc sống của Tú giờ đây đều xoay quanh mẹ.
Mẹ là động lực để tục cố gắng
Tạm gác lại tấm bằng cử nhân, tạm quên đi công việc mơ ước để "đội nắng, đội mưa" mỗi ngày, với bất kỳ ai cũng là điều không hề dễ dàng. Khi chúng tôi hỏi đâu là động lực để Tú bước tiếp trong những ngày thấy khó khăn và tuyệt vọng nhất, không mất một giây nào suy nghĩ, Tú trả lời ngay đó là mẹ.
Mẹ đã dành cả đời để chăm lo, nuôi dưỡng cho mình. Dù giờ mẹ không đi lại, không nói chuyện được nữa thì mẹ vẫn là động lực lớn nhất để em bước tiếp. Có mẹ ở phía sau, em an tâm để làm mọi việc dù có khó khăn đến đâu"
"Một điều nữa giúp em có thêm động lực để mưu sinh trên những cuốc xe chính là các khách hàng. Họ có thể là những bạn còn rất trẻ, có thể là những cụ ông, cụ bà lớn tuổi. Em lắng nghe câu chuyện của họ và họ cũng chia sẻ với hoàn cảnh của em dù là những người xa lạ. Hơi buồn cười một chút là có những khách hàng than phiền rằng họ chán nản với cuộc sống, và sau khi họ lắng nghe câu chuyện của em thì họ thấy là "à hóa ra khó khăn của mình vẫn chưa thấm vào đâu". Giúp khách hàng vui, lạc quan lên nên em cũng có thêm niềm vui nho nhỏ mỗi ngày.
Và trong khoảng một năm gần đây, động lực của em còn đến từ tương lai của em. Em nghĩ đến nó, cố gắng vì nó thì em tin rằng có một ngày những nỗ lực của em sẽ được đền đáp".
Minh Tú cũng là một trong những đối tác tài xế may mắn nhận được hỗ trợ từ chương trình "Điều ước sau tay lái" của Grab. Chương trình nhằm san sẻ với bác tài phần nào khó khăn trong cuộc sống. Anh mong muốn câu chuyện của mình có thể được lan tỏa đến các bạn trẻ để mọi người thấy rằng "Điều gì cũng có thể vượt qua nếu ta cố gắng đủ".
Bình luận (0)