Trang điểm là biểu hiện của sự chỉn chu
Là một người rất thích trang điểm và yêu cái đẹp, Nguyễn Kiều Trang, sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội, chia sẻ: "Với mình, trang điểm trước khi ra đường giống như việc chọn một bộ đồ để mặc vậy. Trang điểm khiến cho khuôn mặt của mình trông rạng ngời, có sức sống. Chăm chút cho ngoại hình trước khi ra đường cũng khiến mình tự tin hơn hẳn. Điều quan trọng là còn tạo một cảm giác dễ chịu với người mà mình sẽ gặp. Trang điểm với mình là biểu hiện của sự chỉn chu".
Nguyễn Phương Thảo (24 tuổi), người mẫu tự do, ngụ tại Đống Đa, TP.Hà Nội, chia sẻ: "Với mình, ấn tượng ban đầu rất quan trọng. Mình muốn bản thân xuất hiện trước bất kỳ ai cũng phải xinh đẹp. Do tính chất công việc nên nhiều khi đi cà phê với bạn bè sẽ tiện chụp ảnh quảng cáo sản phẩm nên mình luôn trang điểm. Còn nếu ra đường để loanh quanh, đi chợ thì mình sẽ không trang điểm nhưng nhất định sẽ đeo khẩu trang nhằm che bớt mặt mộc".
Khi được hỏi về lý do tại sao lại quá quan trọng việc trang điểm trước khi ra đường, Tăng Võ Cẩm Tú, sinh viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), bộc bạch: "Chuyên ngành của mình về mỹ thuật. Mà đặc thù dân mỹ thuật như mình thường hay thức khuya nên muốn trang điểm mỗi khi ra đường để nhìn khuôn mặt cho tươi tắn hơn. Bình thường da mặt mình không được đều màu, nhưng khi đánh kem nền lên thấy láng mịn, nhìn sẽ đẹp hơn nên bản thân rất thích trang điểm".
"Khi mình xinh đẹp sẽ có rất nhiều cơ hội. Trong một đám đông, nếu mình xinh đẹp thì sẽ nổi bật hơn và cũng được nhiều người chú ý. Ví dụ, khi đi xin việc, các ứng viên đều giỏi như nhau nhưng nếu bạn chỉn chu, chăm chút về ngoại hình bắt mắt sẽ khiến nhà tuyển dụng ấn tượng và nhớ đến bạn nhiều hơn. Khi được nhận vào công ty, mình có nghe đồng nghiệp nhận xét, ngoài năng lực chuyên môn, họ còn nhắc về mình là con bé đó có vẻ ngoài khá xinh", Cẩm Tú kể.
Phan Thị Giang (22 tuổi), làm nghề dẫn chương trình, ở Q.5, TP.HCM, nói: "Trang điểm trước khi ra đường của sẽ giúp mình tỏa sáng và tràn đầy năng lượng hơn. Nếu không trang điểm khi ra ngoài sẽ khiến tâm lý của mình e dè và ngại ngùng để gặp người khác".
"Với mình, việc chỉn chu ngoại hình khi ra ngoài là ưu tiên hàng đầu, bởi vì điều đó sẽ mang đến cho bản thân rất nhiều cơ hội. Ngoại hình là ưu thế để người dẫn chương trình có thể kết nối, chia sẻ và lan tỏa những giá trị tích cực đến cho mọi người", Giang nói thêm.
Việc chỉn chu mỗi khi ra ngoài là yêu quý chính mình và tôn trọng mọi người
Khi nói về việc yêu bản thân thông qua chăm chút vẻ bề ngoài, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang chia sẻ: "Việc chú trọng ngoại hình, chỉn chu mỗi khi ra ngoài cũng là một trong những dấu hiệu của việc yêu quý chính mình và tôn trọng mọi người. Nhưng nếu chăm chút cho chính mình một cách thái quá thì dẫn đến những điều tiêu cực. Để yêu quý bản thân, trước tiên cần hiểu rằng bạn là duy nhất và là một bản thể không giống ai và cũng chẳng cần thiết phải "sao y" từ bất cứ ai. Bất kỳ đặc điểm nào trên cơ thể bạn đều cần được trân quý. Ngoài ra, yêu chính mình còn là việc bạn luôn "nâng cấp" bản thân bằng nhiều hình thức (tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cách trang điểm chăm sóc bản thân…). Và đặc biệt, yêu chính mình là đừng để bản thân rơi vào những tình huống căng thẳng không đáng có từ việc chạy theo số đông.
Hiện nay, có một số bạn trẻ quan tâm đến ngoại hình một cách thái quá. Kiểu như, tiêu chuẩn cái đẹp phải theo xu hướng, da phải trắng, mắt phải to rõ hai mí, sống mũi cao kiểu Hàn Quốc, môi trái tim, răng thỏ, nổi mụn khi "đến tháng" cũng không thể chấp nhận được. Nhiều bạn trẻ quá quan tâm đến đánh giá của người khác khiến bản thân luôn trong trạng thái tự ti, xấu hổ về ngoại hình.
Thạc sĩ Đào Lưu nói: "Việc chạy theo số đông cũng giống như đẽo cày giữa đường, chín người mười ý. Khi bạn không có một chính kiến, quan điểm và định hướng riêng cho mình thì rất dễ trở thành phiên bản "nhái lại" của một ai đó. Vô hình trung, bạn có thể sẽ mãi trở thành cái bóng của một hoặc rất nhiều người và lâu dần, bạn đánh mất bản sắc của chính mình. Như vậy, rõ ràng mục đích chú trọng ngoại hình ban đầu là đi tìm một nét đặc biệt cho chính mình nhưng cuối cùng mọi thứ đã ngược lại".
"Các bạn cần hiểu mỗi người sinh ra đều là một phiên bản giới hạn và duy nhất nên chúng ta không cần phải chạy theo bất cứ ai. Bên cạnh vẻ đẹp ngoại hình thì người ta cũng còn đánh giá một người qua cách giao tiếp ứng xử, sự hiểu biết và cốt cách bên trong. Mỗi người đều có những vẻ đẹp riêng. Và mỗi vết sẹo, những điều chưa hoàn chỉnh ở ngoại hình chính là nhắc nhở chúng ta phải càng trân quý chính mình. Hãy bắt đầu bằng việc nhận thức lại mức độ chăm chút ngoại hình, trau dồi thêm kiến thức kỹ năng, tránh xa những điều tiêu cực. Nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, bình tĩnh và có chính kiến riêng để không còn vướng mắc về ngoại hình một cách thái quá", thạc sĩ Đào Lưu nói thêm.
Bình luận (0)