“Chúng tôi là một nhà xuất bản nhỏ và tôi khẳng định điều đó. Tôi coi mình chỉ là một nghệ nhân”, Antoine Gallimard nói với một nụ cười khiêm tốn có phần "trình diễn" trên môi, trong căn phòng nhìn ra khu vườn xinh xắn. Tại trung tâm của thế giới xuất bản nhỏ bé của Paris, cách đại lộ Saint-Germain một quãng ngắn, thời gian dường như đã ngừng trôi. Chính tại đó, ở nhà số 5 đường Gaston-Gallimard, người kế tục thứ ba của nhà xuất bản này đã kể nhiều câu chuyện với phóng viên của tờ Republica (Ý).
Gallimard xuất bản khoảng 1.500 đầu sách hàng năm và có danh mục sách đồ sộ với hơn 20.000 tựa sách |
t.l |
Năm nay, Antoine Gallimard đã 75 tuổi. Vào tuổi 34, ông vút lên, trở thành người đứng đầu nhà Gallimard. Hồi đó và bây giờ cũng thế, nhà xuất bản Pháp danh giá này sở hữu hai tủ sách nổi tiếng: “Blanche” và “Pléiade”. Thật ra, người thừa kế đầu tiên là anh của ông, tên Christian, nhưng sau một thời gian tranh chấp trong gia đình thì con người vui vẻ, dễ chịu là ông Antoine đã được đẩy lên vị trí đứng đầu đế chế Gallimard.
“Thỉnh thoảng tôi phải đi gặp bạn đọc để kích thích họ, tôi không muốn họ ngủ quên”, ông nói đùa với phóng viên tờ báo Ý.
Đồng hành ngay từ đầu
Ngày 10.12.2022, tại Stockholm, nhà văn Annie Ernaux đã nhận giải Nobel Văn chương. Đó là giải Nobel thứ 44 của các tác giả có tác phẩm do Gallimard xuất bản - một kỷ lục mà chưa nhà xuất bản tầm cỡ nào có được. Và từ người đầu tiên, Rabindranath Tagore, vào năm 1913, cho đến Peter Handke, rồi Luigi Pirandello, Camus, Modiano, Faulkner, Hemingway, Pasternak. Cả Jean-Paul Sartre nữa. Nhưng triết gia của thuyết hiện sinh là người duy nhất đã từ chối vòng nguyệt quế của Viện hàn lâm Thụy Điển.
Antoine Gallimard phân tích: “Nếu Annie Ernaux là một nhà văn nữ mạnh mẽ như vậy thì do bà ấy đã trao tất cả con người mình cho văn chương". Phóng viên của tờ Republica bình luận: “Việc nhà văn nữ người Pháp được trao giải Nobel rõ chẳng phải bất ngờ”.
Alban Cerisier, nhà sử học và nhân viên lưu trữ của Gallimard thì nhấn mạnh: “Như thường lệ, đối với những người đoạt giải Nobel Văn chương, đó là tác giả chúng tôi đã đồng hành ngay từ lúc ban đầu”.
Vào năm 1974, Annie Ernaux được nhà Gallimard in tiểu thuyết đầu tiên của mình - Những cái tủ rỗng (Les Armoires vides), sau khi bị nhà xuất bản Grasset thẳng thừng từ chối.
“Những nhà văn như cô ấy chỉ đếm được trên đầu ngón tay”. Đó là nhận xét của nhóm đọc và thẩm định sách của Gallimard lúc bấy giờ.
Trong tất cả các ban chấm giải văn chương, ban giám khảo Thụy Điển là những người nhiều uy tín nhất, theo tờ Republica. Để so sánh, ông Antoine Gallimard chỉ ra rằng giải Goncourt của Pháp chỉ như vẻ đẹp của một ngày: “Sau ba năm, người ta sẽ lãng quên bạn. Thông thường, có một sợi dây liền lạc giải thích cho sự lựa chọn của giải Nobel", ông nói tiếp.
"Đó là lời kêu gọi hòa bình, hòa giải nhân loại, chống lại các quy ước. Lần này thì khác. Ernaux kể cho chúng ta nghe về cha, mẹ, em gái của bà ấy. Mọi thứ đều xoay quanh một nơi nhỏ bé thôi, nơi đó nữ tác giả đã xô đẩy những bức tường, mở ra một cái nhìn mang tính toàn cầu”, ông Gallimard nhận xét.
Nhà văn nữ Annie Ernaux |
t.l |
Ông chủ nhà Gallimard hiện nay cũng nhớ lại, trong nhiều năm, người ta tin rằng tác phẩm của Annie Ernaux không thể nào xuất khẩu ra khỏi nước Pháp được. Nhưng "Hôm nay, cô ấy đã xuất hiện khắp nơi”.
Nhà xuất bản phải có khả năng xuất bản mọi thứ
Người tự nhận mình là "nghệ nhân nhỏ bé” đã ra sức bảo vệ vị trí của nhà Gallimard trong lĩnh vực xuất bản. Theo tờ Republica, ngành xuất bản của Pháp hiện đứng hàng thứ ba ở châu Âu sau Đức và Vương quốc Anh.
Ông Antoine Gallimard giải thích: “Tôi đã cố đi theo con đường mà ông nội tôi và André Gide đã vạch ra một cách xuất sắc". Vào năm 1911, cùng với nhà văn Pháp nổi tiếng André Gide, Gaston Gallimard đã xuất bản tờ Tạp chí Mới của Pháp - Nouvelle Revue française (NRF), tiền thân của nhà Gallimard.
Nhưng ông Gallimard của hôm nay đang nói về con đường nào vậy? Ông cho biết: “Có thể tóm gọn trong một câu: văn chương là trên hết và văn chương nằm trong tất cả”.
Vậy cho nên nhà xuất bản Gallimard không giới hạn mình vào một trường phái văn chương nhất định nào, cũng không tham gia lĩnh vực chính trị, theo tờ Republica. Ông Antoine Gallimard nói: “Chúng tôi xuất bản tác phẩm của các tác giả cánh hữu lẫn cánh tả. Chúng tôi không xuất bản Ernaux vì bà ấy là một nhà nữ quyền, mà vì tin vào văn chương của bà ấy…".
Ông Antoine Gallimard cho rằng không nên ràng buộc quyền tự do sáng tác. Theo ông, “nếu không, bạn sẽ phải ngừng đọc Aragon, vì ông ấy ca ngợi Staline”.
Cách đây hai năm, nhà xuất bản Gallimard đã cho thu hồi cuốn nhật ký của Gabriel Matzneff, bởi nhà văn này bị buộc tội ấu dâm. Theo tờ Republica, nên hiểu, đó là lựa chọn cuối cùng.
Thương vụ mua lại nhà xuất bản Flammarion
Ở Pháp, mỗi ngày, người ta bán được 1,2 triệu cuốn sách, trong số đó có đến một phần năm là do công ty cổ phần Madrigall xuất bản; nhà Gallimard trực thuộc công ty này. Nhà Gallimard từng mua lại nhà xuất bản Flammarion vào năm 2012. Antoine Gallimard thổ lộ: “Trong một thị trường đang trong quá trình tập trung, tôi có cảm giác như mình đang ở trong vỏ sò, với những vách ngăn khổng lồ ngày càng dịch chuyển, tiến gần lại mình hơn. Chúng tôi cần một con thuyền mạnh mẽ hơn để chịu được áp lực của các thế lực tư bản hung hãn đó”.
Hiện nay, nhà Flammarion do một trong những cô con gái của Antoine Gallimard quản lý. Và số tiền đầu tư đã được thu lại hết nhờ việc mua quyền dịch các tập truyện Harry Potter. “Đó là một công cụ tăng tốc khổng lồ làm sạch tài khoản của chúng tôi”, Antoine Gallimard cho biết.
Ông nói: “Phần thứ bảy được loạt truyện Harry Potter được in đến 3 triệu bản và chỉ trong hai tuần, chúng tôi đã bán được 2,4 triệu bản. Vâng, thật kỳ diệu”.
Nhà xuất bản Gallimard không giới hạn mình vào một trường phái văn chương nhất định nào, cũng không tham gia lĩnh vực chính trị, theo tờ Republica |
T.L |
Antoine Gallimard không coi mình là doanh nhân, nhưng thật ra ông lại sở hữu những phẩm chất kinh doanh. Antoine Gallimard cho biết mình là “người thích mơ mộng, nhưng biết phải sở hữu những phương tiện làm ăn". Ông nói: “Tôi theo dõi dòng tiền giống như người ta đo nhiệt độ vậy”. Ông cũng nhấn mạnh, cốt lõi của việc kinh doanh xuất bản là tìm kiếm các tác giả mới. Mỗi năm, nhà Gallimard nhận được 7.000 bản thảo, nhưng trong số đó, có đến 95% bị liệng vào sọt rác. Và Antoine nhớ lại, 30 năm trước đây, nhà Gallimard đọc được nhiều truyện hơn, tiểu thuyết thuần túy hơn.
Và nét mặt của Antoine Gallimard tươi tỉnh hẳn lên, khi đề cập đến những gì được cho là kỳ diệu do tài năng mang lại: “Tìm được một nhà văn mới có thể xuất bản được cũng giống như khám phá ra một khu vườn xuân, toàn là hạnh phúc mà thôi”.
Bình luận (0)