Ngang nhiên 'phát hành chui'
Trong những năm trở lại đây, thực trạng “phát hành chui” các game online tại thị trường Việt Nam vẫn là luôn là một vấn nạn đáng báo động. Những game lậu này xét về mặt kinh doanh, đều là những sản phẩm cạnh tranh không lành mạnh với những game "có giấy phép", thậm chí là thu lợi bất chính từ việc trốn thuế/lách luật. Bên cạnh đó, với phần nội dung kịch bản game chưa được các đơn vị chức năng tại Việt Nam phê duyệt, không loại trừ khả năng các trò chơi này còn được sử dụng làm công cụ khuếch tán/truyền bá các thông tin sai lệch.
Chưa bàn đến những khó khăn trong việc giám sát, quản lý từ phía cơ quan chức năng vì không có thông tin đơn vị vận hành, những tựa game này còn liên tục thoắt ẩn, thoắt hiện sau khi đã bòn rút tiền bạc và thời gian của người chơi. Không những vậy, thủ đoạn này còn được lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm mục đích móc túi người dùng bằng chính sự mập mờ về thông tin cùng những mánh khóe khác.
Họa Giang Hồ Mobile của công ty Dream Game Company Limited là một sản phẩm như thế. Đáng nói hơn, trò chơi này từng gửi “bài giới thiệu” tới khá nhiều trang tin game tại Việt Nam để đánh bóng tên tuổi vào thời điểm đầu năm nay, đồng thời mở chiến dịch quảng bá rầm rộ qua mạng xã hội Facebook, cũng như re-up lại toàn bộ phim hoạt hình Họa Giang Hồ Chi Bất Lương Nhân trên kênh Youtube (dù chưa rõ có được xác nhận bản quyền hay không) để “kéo” game thủ quan tâm đến xem với lý do Họa Giang Hồ Mobile chính là một sản phẩm game chuyển thể từ bộ phim hoạt hình khá nổi tiếng này.
Dạo qua một vòng trang chủ của Họa Giang Hồ Mobile, bất cứ ai cũng có thể nhận ra website này giống với một trang giới thiệu phim hơn là trang chủ của một sản phẩm game, khi mà đội ngũ thiết kế đã chèn hàng loạt các đường dẫn video, cũng như logo thương hiệu của các đại diện công nghệ lớn ở Trung Quốc như Sohu, Youku,… thậm chí là cả Youtube để “lấy lòng tin” của game thủ, thay vì giới thiệu các tính năng/đặc sắc hoặc thậm chí là “nguồn gốc” của trò chơi theo như quy định chung.
Theo Thanh Niên Game ghi nhận, trên fanpage chính thức của trò chơi này, các sự kiện đều lấy việc “nạp thẻ” làm tiền đề, đương nhiên, các banner trên fanpage/trang chủ trò chơi cũng nhấn mạnh việc nạp tiền này. Đồng thời, trang chủ cũng như trang nạp tiền của Họa Giang Hồ Mobile cũng không có bất cứ dòng nào giới thiệu về đơn vị phát hành – điều bắt buộc phải có đối với các sản phẩm game phát hành tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Ngay từ khi về Việt Nam, Họa Giang Hồ Mobile đã bắt đầu mở chiến dịch quảng bá cũng như phiên bản thử nghiệm, tuy nhiên sau đó, trước sức ép từ cộng đồng game thủ cũng như nghi vấn “phát hành chui” Ma Thổi Đèn 3D - cũng do Dream Game phát hành - từ những tờ báo chính thống, Họa Giang Hồ Mobile đã “lặn đi”. Đến ngày 15.3 vừa qua, sau khi “trời êm biển lặng”, game mobile này lại tiếp tục mở cửa phiên bản Closed Beta và những sự kiện kêu gọi game thủ “nạp tiền” để nhận quà.
Hiện tại, trò chơi vẫn đang hoạt động với tình trạng máy chủ giật lag và hết sức “chập chờn”, bất cứ lúc nào cũng có thể thông báo đóng cửa với lý do "máy chủ quá tải"...
Nhà phát hành 'bóng ma' nhiều tai tiếng
Chắc hẳn cộng đồng game thủ chưa thể quên số phận ngắn ngủi của trò chơi Ma Thổi Đèn 3D tại thị trường Việt Nam, khi mà số ngày hoạt động thực sự (không lỗi game, không giật lag) của game mobile này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn vị đứng sau phát hành trò chơi này tại Việt Nam cũng chính là Dream Game Company Limited
Hãng game Trung Quốc này từng có khá nhiều cái tên trong quá khứ, và trong 2 năm trở lại đây, hãng thường xuyên sử dụng 3 cái tên là Efun, Egame và Dream Game để tạo tính “đa dạng” trong hoạt động phát hành game trái phép tại Đông Nam Á, mà cụ thể ở thị trường Việt Nam chính là những sản phẩm như Bộ Lạc Tranh Bá, Ma Thổi Đèn 3D. Hầu hết sản phẩm mà Dream Game phát hành thường không “thọ” được quá 3 tháng dù ở bất cứ thị trường nào.
Các trò chơi mà Dream Game phát hành tại Việt Nam đa phần đều đặt máy chủ tại HongKong, và được vận hành theo kiểu phiên bản quốc tế có hỗ trợ Tiếng Việt để “lách” khỏi luật phát hành game tại Việt Nam. Nói một cách ngắn gọn, các trò chơi này đều được Dream Game “phát hành chui” và thu tiền người chơi một cách bất chính dựa trên việc lừa đảo/trốn thuế.
Mô-típ phát hành game quen thuộc của Dream Game chính là luôn giới thiệu hết sức rầm rộ trên mạng xã hội cũng như một vài trang tin tại nước ta, tuy nhiên luôn “quên” công bố danh tính đơn vị vận hành, vừa để tạo sự tò mò cho game thủ, mặt khác lại có thể “giấu đuôi” nếu như có sự cố gì xảy ra. Sau vài tuần đầu suôn sẻ, đơn vị này bắt đầu mở những sự kiện “nạp thẻ tích lũy” rồi sau đó nhanh chóng thông báo đóng cửa game và tiếp tục đổi tên để phát hành các sản phẩm khác.
Thanh Niên Game sẽ liên tục cập nhật các tin tức liên quan trong bài viết tiếp theo!
Bình luận (0)