'Game of Thrones' phần 6: Những đứa con hoang và vụ khủng bố ngược

02/07/2016 09:27 GMT+7

Tập cuối cùng của phần 6 Game of Thrones kết thúc với hình ảnh hùng vĩ: Một hạm đội khổng lồ vượt đại dương với sự yểm trợ của ba con rồng kinh khiếp, hứa hẹn những trận chiến rung chuyển màn ảnh nhỏ trong một năm nữa.

Nếu khi phần 5 kết thúc, nhiều khán giả đã nổi cáu tuyên bố “nghỉ xem” (đùa thôi) khi chứng kiến cái chết tức tưởi của chàng đẹp trai Jon Snow, thì ở phần 6 họ đã được đền bù bằng những cơn phấn khích và lời mời chào đầy cám dỗ hé lộ ở cuối phim. Mớ bòng bong của những âm mưu và thủ đoạn bẩn thỉu đã được gỡ từ từ để hình thành cục diện mới với chỉ ba thế lực, trong khi lũ xác sống cùng gã vua Bóng Đêm xấu trai tạm nghỉ giải lao trong suốt mùa.
Không còn quá nhiều những cảnh ái ân nóng bỏng, nhưng bạo lực có chiều hướng leo thang trong phần 6 bộ phim truyền hình ăn khách này. Hoàng thái hậu Cersei Lannister, Mẹ Rồng Daenerys Targaryen và Jon Snow là ba nhân vật nổi bật của phần 6. Cả ba đều đã thâu tóm quyền bính bằng những cách khác nhau, trong đó hành trình của cô gái mủm mỉm tóc bạch kim Daenerys là thuận lợi hơn cả. Cũng theo motif cũ: lửa, rồng và những chiến binh Dothraki khát máu. Sự khác biệt nằm ở chỗ, nay cô đã có những cố vấn chính trị giỏi giang, các liên minh với xứ Dorne và gia tộc Tyrell, cùng sự hỗ trợ của những tên cướp biển đến từ Đảo Sắt. Người xem sẽ rất lấy làm ngạc nhiên nếu binh lực hùng hậu của Mẹ Rồng - bao gồm cả hải lục không quân - không làm nên cơm cháo gì trong phần 7.
Trong khi đó, có lẽ chẳng ai muốn làm theo cách của Cersei khi bà trở thành chủ nhân Ngai Sắt, hoặc trải nghiệm như Jon trong quá trình tái chiếm Winterfell. Nói cách khác, bi kịch đã cùng đưa họ đến quyền lực và dấu ấn là hai trường đoạn ấn tượng của tập 9, 10.
Trận chiến con hoang
Đó là trận chiến mà Jon - con rơi của Ned Stark - chưa sẵn sàng trong khi Ramsay - con rơi của Bolton - muốn nhanh chóng kết thúc. Đó là một cuộc thư hùng tàn khốc, không bởi vì quy mô mà do ý nghĩa sống còn của nó.
Về mặt chiến lược, ai thắng trận sẽ thâu tóm chư hầu giành quyền kiểm soát phương bắc. Trước mắt, vị vua của vùng đất băng giá này có thể yên tâm cát cứ một phương và về lâu dài có thể tính chuyện gồm thâu thiên hạ (Thất đại đô thành). Về cá nhân, trận đánh này sẽ giải quyết ân oán của hai gia tộc Bolton và Stark hay nói cách khác, là cơ hội để Jon cùng Sansa rửa mối huyết thù sau cái chết thảm khốc của mẹ, anh trai. Về tư cách, đây là dịp để hai gã con rơi thể hiện khả năng lãnh đạo của mình với vai trò tư lệnh chiến trường.
Nghệ thuật xây dựng chân dung đối nghịch đã được khai thác triệt để làm nổi bật tính cách Jon và Ramsay. Đây là một thủ pháp thường thấy trong các câu chuyện truyền kỳ, như hai màu đen - trắng cuốn vào nhau để cả hai cùng trở nên rõ ràng trong thái cực đồ. Như Quan Vũ và Lữ Bố trong Tam quốc diễn nghĩa. Họ đều là mãnh tướng, là bậc thầy của nghệ thuật giết người nơi chiến địa. Điểm chung nữa, là họ đã thay nhau sở hữu chiến mã được cho là tốt nhất thế giới lúc đó (mã trung Xích Thố). Thế nhưng cũng chính con ngựa này đã đóng vai trò như một dấu chấm ngay giữa vòng tròn để hai nhân vật này di chuyển ở hai cánh cung đối nghịch nhau về phẩm giá: trung nghĩa và bất nghĩa. Vì ngựa tốt và đàn bà đẹp, Lữ Bố đã hạ sát hai người cha nuôi. Còn đối với Quan Vũ, con Xích Thố chỉ đơn giản là phương tiện đào thoát, là cơ hội để ông thể hiện nghĩa khí can vân của mình khi phò nhị tẩu quá ngũ quan trảm lục tướng.
Jon đối mặt với các kỵ binh của Ramsay Ảnh: HBO
Jon đối mặt với các kỵ binh của Ramsay HBO
Trở lại với Jon và Ramsay, điểm chung của cả hai là con hoang của lãnh chúa, còn sự khác biệt thì tương tự trường hợp trên. Trong thế giới đầy rẫy những mưu đồ, lừa lọc, phản trắc... cứ vài phút diễn ra một lần tính theo thời gian thực của phim, Jon đích thị là một thiên thần, một thánh nhân tử vì đạo. Còn ở cực bên kia Ramsay là một con quỷ man rợ, với các hành vi mang hơi hướng của một kẻ biến thái mang nặng mặc cảm về nguồn gốc xuất thân. Jon hiểu rõ "cuộc chiến giữa sự sống và cái chết", về ngày diệt vong của loài người khi các xác chết biết đi đồng loạt phất cờ nổi dậy. Ramsay tuyệt đối ích kỷ và nuông chiều những cảm xúc bệnh hoạn của mình. Jon là một người con hiếu nghĩa, một người anh yêu thương sẵn sàng nhường ngôi thống lĩnh phương bắc cho em gái. Ramsay giết cha và biến em trai sơ sinh thành thức ăn của bầy chó dữ để trở thành lãnh chúa độc tôn. Tóm lại, Jon quá nhân hậu trong khi Ramsay thừa thãi sự bạo tàn. Chính vì thế, theo logic của kịch bản từ phần 1 cho đến trước Trận chiến con hoang - vốn ưa thích tiêu diệt những con người chính trực - Ramsay là kẻ mạnh hơn.
Không những vậy, Ramsay còn có quân đội nhiều gấp đôi Jon, vừa trải qua một trận thắng vang dội với sĩ khí ngút trời. Jon chỉ có một nhóm dân quân ô hợp chênh lệch về trình độ tác chiến và khác biệt về chủng tộc. Ramsay lạnh lùng ra trận với mục tiêu duy nhất là giết chóc, còn Jon bị nỗi căm hờn che lấp sự tỉnh táo. Jon là một kiếm khách tài ba, nhưng tài thao lược thì không thể so sánh với Ramsay.
Thế nhưng các nhà biên kịch của Game of Thrones (GOT) - đã cùng nhau đâm chết Jon vào tập cuối phần 5 - có lẽ không dám thử thách sự kiên nhẫn của khán giả hơn nữa. Gió đã xoay chiều trong trận đánh trị giá 10 triệu USD (chi phí sản xuất) này. Khi Jon và bằng hữu đã ngấp nghé quỷ môn quan, cơn gió do các kỵ sĩ lừng danh xứ Vale mang lại đã thổi tung trận thế kín kẽ của bộ binh nhà Bolton. Với sự chi viện không hề vô tư của gã đàn ông nguy hiểm bậc nhất Ngón Tay Nhỏ, Jon đã chuyển bại thành thắng. Một chiến thắng thiếu thuyết phục về binh pháp nhưng phù hợp với công đạo và rõ ràng đã làm thỏa mãn 100% khán giả.
Khi mọi người còn trong cơn phấn khích "đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo" thì thình lình câu chuyện dường như rẽ ngang một hướng khác bởi cái gọi là thuyết định mệnh và thuyết chính danh. Đó là sự hé mở về thân phận thật sự của Jon Snow, như một lời biện hộ cho sự hồi sinh đầy khiên cưỡng của anh ta trong tập đầu phần 6. Đương nhiên Người Đàn Bà Đỏ có thể sai nhưng thần linh đâu có nhầm khi đem Jon trở lại dương gian để thực hiện sứ mệnh cứu thế giới. Đương nhiên một người cao quý như Jon không thể là kết quả từ một phút ăn chơi bất cẩn của Ned Stark để phải mang trong mình một nửa dòng máu của ả gái điếm vô danh. Đương nhiên con vua thì lại làm vua, Jon sẽ như Aragorn trong Chúa Nhẫn một ngày nào đó ngồi lên Ngai Sắt hiệu triệu chư hầu, là chủ soái của loài người trong trận chiến cuối cùng với zombie...
Cuộc tấn công bằng lửa xanh đánh sập Thần Điện Ảnh: HBO
Cuộc tấn công bằng lửa xanh đánh sập Thần Điện HBO
Những cái "đương nhiên" đó phần lớn là mơ mộng của CLB Những người phát cuồng vì Jon Snow, nhưng không phải là không có cơ sở. Song cho đến khi bộ phim đóng máy và kết thúc phần hậu kỳ, chẳng khán giả nào biết được Jon sẽ chìm nổi thế nào, anh ta có tiếp tục chết và tiếp tục sống lại hay không. Chẳng có vị thần Ánh Sáng nào ở đây mà một hội đồng bao gồm nhà sản xuất - đạo diễn - biên kịch sẽ quyết định hậu vận của Jon. Ngay lúc này, khi các fan cuồng của GOT đang ao ước một năm nữa sẽ trôi thật mau thì các thành viên của cái hội đồng quyền lực này có lẽ đang mỉm cười với kỷ lục mới 8,9 triệu người xem tập cuối phần 6… Jon Snow, anh cũng có thể cười được rồi. Bởi chúng tôi tin rằng, dù có may mắn trở thành chúa tể Thất đại đô thành hay phải bỏ mạng trong cuộc tấn công của vua Bóng Đêm, vĩnh viễn không kẻ nào còn dám thét vào mặt anh: “Ô nhục!”.
Nhân nói về ô nhục, trong phần 6 này một nhân vật khác cũng đã rũ bùn đứng dậy.
Cersei phải sống
Trong lịch sử nhân loại, thật khó xác định chính xác thời điểm nào tôn giáo bắt đầu chính trị hóa. Còn trong sê-ri GOT, thần quyền bắt đầu vùng lên từ những toan tính của thái hậu Cersei nhằm loại trừ những kẻ muốn cạnh tranh quyền lực và trớ trêu thay, bà đã trở thành nạn nhân thê thảm nhất của nó.
Là một người đàn bà mưu mô và thâm độc vào hàng top trong bộ phim, nhưng Cersei cũng không lường được điều gì sẽ xảy ra khi một tổ chức tôn giáo manh nha hình thành. Đó chỉ là những con chim sẻ hiền lành với niềm tin ngây thơ về một thế giới được thanh tẩy thôi mà… Thế nhưng khi niềm tin trở thành sự cuồng tín và những con sẻ tràn ngập Vương Đô, nó đã khiến cả quân đội hùng mạnh của hai gia tộc Lannister và Tyrell thúc thủ. Thần quyền cuối cùng đã kiểm soát vương quyền thể hiện qua tuyên bố của vua Tommen: “Tôn giáo và triều đình là hai cột trụ chống đỡ thế giới”, qua gương mặt ngạo mạn của Sẻ Đầu Đàn, qua những phiên tòa và hình phạt đầy đọa đến tận cùng nhân phẩm của kẻ bị kết án.
Cersei lên ngôi vua Ảnh: HBO
Cersei bước lên Ngai Sắt HBO
Lõa lồ và ngập trong những lời nhục mạ, hoàng thái hậu Cersei đã trải qua hành trình dài nhất cuộc đời mình. Bà bước qua sự ô nhục, cũng như đã bước qua cái chết của hai đứa con để trở lại lâu đài Đỏ, không phải để ăn năn mà nhằm mưu tính một cuộc báo thù không tiền khoáng hậu. Một cuộc tấn công quy mô lớn bằng chất nổ đã được lên kế hoạch chi tiết, không phải từ những kẻ cuồng tín nhân danh tôn giáo, mà do một thành viên cao cấp của chế độ cầm quyền. Vụ khủng bố ngược đời này đã đem lại kết quả mỹ mãn khi Thần Điện bị đánh sập, toàn bộ mục tiêu bị tiêu diệt bao gồm các lãnh đạo tôn giáo và đối thủ chính trị của Cersei. Cái giá mà Cersei phải trả là gì? Vua Tommen, đứa con cuối cùng còn lại của bà, gieo mình từ tháp cao tự sát.
Một kết thúc quá đau lòng cho một gia đình, một người mẹ. Và trong khi những khán giả đa cảm đang nghĩ rằng Cersei sẽ tự kết liễu cuộc đời mình do quá buồn khổ thì trong dáng dấp một con sư tử cái - kẻ săn mồi chính trong đàn - bà ta bước lên Ngai Sắt thay chỗ con trai.
Cersei phải sống, đương nhiên. Cuộc báo thù vĩ đại của những đứa con nhà Stark vẫn chưa kết thúc, và vị vua mới của Thất đại đô thành xứ Westeros sẽ phải đối mặt với định mệnh của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.