Năm 2007 chiếc iPhone đầu tiên ra đời, ném một "quả bom nguyên tử" vào ngành công nghiệp giải trí. Kể từ đó, khái niệm smartphone được nâng lên tầm cao mới, và lũ lượt những hãng game lớn nhỏ đua nhau làm game cho smartphone, từ nền iOS cho đến Android, và sau đó là Windows Phone.
Cách đây vài năm có lẽ người ta sẽ nghĩ việc chơi game trên smartphone chỉ hạn chế ở những trò chơi nhỏ kiểu như Angry birds, Fruit ninja, v.v. Nhưng giờ đây, khi các hãng đua nhau tung ra những chiếc smartphone với cấu hình "khủng bố" như CPU 8 lõi, RAM 3 GB và hơn thế nữa thì việc những tựa game “bom tấn” có mặt trên smartphone cũng không phải lạ lẫm gì. Infinity blade, N.O.V.A, Wildblood, thậm chí cả dòng Need for speed cũng lần lượt cập bến smartphone với đồ họa bóng bẩy mượt mà không hề kém cạnh những tựa game trên PC hay console.
Thế nhưng, liệu game trên smartphone đã được đầu tư xứng tầm chưa, và nó còn thiếu những gì để có để bức phá để trở thành một cuộc cách mạng? Bài phân tích sau đây sẽ nói sơ về những vấn đề này.
Cấu hình máy không đồng bộ
Một game trên smartphone được làm trên một nền CPU nhất định, vì vậy không thể tránh khỏi chuyện thiếu tính nhất quán khi số lượng smartphone có mặt trên thị trường là hằng hà sa số và không phải lúc nào cũng tương thích với game.
Các tựa game port (chuyển) từ iOS sang Android là một ví dụ điển hình. Nếu iOS là môi trường khép kín với những chương trình vốn được thiết kế riêng cho nó, thì Android lại là môi trường mã nguồn mở. Do đó trò chơi chuyển từ iOS qua Android sẽ không tránh khỏi việc bị tràn bộ nhớ, dẫn đến game chạy kém mượt mà hơn trên iOS.
Thậm chí dùng chung hệ điều hành, cùng mức cấu hình mà chỉ vì sử dụng hai loại CPU khác nhau dẫn đến việc game chạy được nên máy này mà lại “thọt” trên máy kia là… bình thường. Điều này đôi khi cũng dẫn đến việc hệ thống Google Play Store hỗ trợ máy này nhưng không hỗ trợ máy kia.
Chơi game cảm ứng: Ý tưởng chưa toàn vẹn
Việc những chiếc smartphone ngày nay sở hữu những màn hình cảm ứng xịn như Retina (iPhone) hay Super Amoled PLUS (các máy Android) với độ nhạy cao, hiển nhiên... 101% game làm cho smartphone sẽ tận dụng cảm ứng đến mức tối đa.
Tuy nhiên, việc này sẽ dẫn đến vài vấn đề về cách mà người dùng tương tác với trò chơi. Chẳng hạn, với những trò giải trí nhẹ nhàng như Where’s My Water, Cut the Rope … hoặc những tựa game thủ thành (Tower Defense) kiểu Plants vs Zombies, Homeworld 3 Sentinel… thì việc dùng cảm ứng sẽ giúp người dùng dễ dàng tương tác hơn, cảm giác khi chơi cũng sướng hơn so với việc dùng chuột.
Thế nhưng với các thể loại game hành động, nhập vai như Zenonia, Legendary Heroes… thì việc thiếu vắng những nút bấm vật lý sẽ khiến việc điều khiển khá khó khăn. Các nút bấm ảo không mang lại cảm giác “có lực” nên một số người dùng sẽ không trở ngại trong việc thích nghi với cách điều khiển.
Chưa hết, những nút bấm ảo này đôi khi chiếm khá nhiều vị trí trên màn hình, làm mất đi “mỹ quan” của trò chơi. Và với kiểu chơi như vậy thì tay người dùng phải luôn đặt lên màn hình làm che đi khá nhiều tầm nhìn, hạn chế đi khả năng quan sát. Như vậy lại dẫn đến một việc, các nhà sản xuất đua nhau phát triển và sản xuất các tay cầm hỗ trợ game trên di động, hay có cả những nhà sản xuất làm ra những thiết bị chuyên dụng chạy Android có thiết kế như máy handheld (máy chơi game cầm tay), chẳng hạn như Nvidia với sản phẩm Shield.
Thế thì chúng ta lại đi lại một vòng lẩn quẩn, có gì khác biệt giữa việc chơi game trên điện thoại và máy handheld khi người dùng di động phải cần thêm tay cầm?
Bản quyền: Vấn đề muôn thuở
Nói tới việc phát hành game có lẽ ai cũng biết nguyên nhân khoảng năm năm trởlại đây số đầu game cho hệ PC ít hẳn, các hãng tập trung chủ lực vào những tựa độc quyền trên console và handheld. Lý do hiển nhiên là vì game trên PC bị “crack” dễ quá. Làm sao các nhà phát hành có thể thu lợi từ game bản quyền khi dân tình (nhất là vùng Châu Á) cứ dùng game "lậu"?
Nền tảng di động thật sự cũng chẳng khá hơn PC là bao. Chưa bao giờ cài game lậu, thậm chí “bẻ khóa” cả một chiếc điện thoại, lại dễ dàng như vậy. Nếu người dùng iOS có thể jailbreak chiếc iPhone của họ để vượt qua vấn đề game bản quyền, thì dân chơi Android lại coi chuyện root máy, thoải mái cài đặt trò chơi mà không gặp phải trở ngại gì. Thêm vào đó, hằng hà sa số những trang web chuyên cung cấp game “lậu” xuất hiện, sẵn sàng cập nhật hàng chục trò chơi nóng sốt hằng ngày.
Chưa nói đến việc rất nhiều hãng game "cò con" dở trò ăn cắp (rip-off) mã nguồn trò chơi về thay đổi chút đỉnh sau đó tung ra sản phẩm tương đồng với nhãn hiệu của họ. Chính quyền các nước cũng như các hãng viễn thông sẽ gặp khó khăn vô cùng nếu họ muốn can thiệp và ngăn chặn vấn đề này.
Các nhà phát hành cũng đã nghĩ ra vô số phương pháp chống game lậu, nhưng có vẻ như “đạo cao một thước mà ma cao một trượng”. Phương pháp thường dùng nhất là bắt kết nối Wifi để chơi game hoặc tải thêm dữ liệu thì dễ dàng bị qua mặt cái vèo. Các cracker thậm chí cung cấp hẳn một bản cài đặt và không cần biết... Wifi là cái chi hết.
Tiềm năng say ngủ đang đợi khai phá
Thực sự, nếu so với tuổi đời của những hệ máy chơi game khác, hiển nhiên game trên smartphone vẫn còn là những chú "tân binh thò lò mũi xanh". Những vấn đề trở ngại của điện thoại thông minh thì bất kỳ hệ máy chơi game nào cũng trải qua. Nếu các hãng game và công nghệ có thể tìm được giải pháp thì một cuộc cách mạng game mới sẽ ra đời, còn không thì ngành game di động vẫn cứ giậm chân mãi một chỗ và chờ đợi "hồi chuông báo tử".
Trong những phim khoa học viễn tưởng, việc trong tương lai nhân loại thao tác hoàn toàn bằng cảm ứng, thậm chí cả ảo ảnh hologram là quá bình thường, cũng như việc kết nối mạng viễn thông cấp… vũ trụ cũng là chuyện hiển nhiên. Sức sáng tạo của con người là vô hạn, chúng ta hãy cùng chờ xem tiềm năng cực lớn của smartphone có được tận dụng triệt để cho công nghiệp game có một (hay những) cuộc cách mạng bùng phát hay không nhé.
Có chuyện gì là không thể? Vào thời điểm Jules Verne viết “Hai vạn dặm dưới đáy biển” làm gì có ai tin vào sự tồn tại của tàu ngầm?
Bình luận (0)