Khi những tựa game có tính đối kháng cao như Avatar star, Warface… được đưa về Việt Nam, điều khiến người chơi lo lắng nhất hóa ra lại không phải NPH sẽ vận hành như thế nào, shop bán đồ ra sao,… mà chính là… khi nào sẽ có hack (?). Đây cũng có thể được xem là đặc điểm rất riêng của thị trường game online Việt.
Thực trạng nhức nhối
“Cứ vào game là gặp hack. Phòng nào cũng có hack, làm như không hack là không chơi được game vậy,” Nam Phương, sinh viên năm 4 Đại Học Bách Khoa và là game thủ Đột kích bức xúc nói. Đã có thời điểm, gần như bất kỳ phòng thi đấu nào của Đột kích cũng xuất hiện bóng dáng của hack/cheat, đặc biệt là khi các chương trình hack/cheat được rao bán công khai và dễ dàng tải về từ những diễn đàn game hoặc có liên quan đến game.
Chỉ cần bỏ một số tiền không cao khoảng hơn 100.000 đồng, game thủ đã có trong tay một bản hack sử dụng thoải mái trong thời hạn ít nhất là một tháng. Nhiều chủ phòng máy đã trở thành khách hàng thân thiết của các “nhà phân phối” hack để được cập nhật liên tục phiên bản hack mới nhằm thu hút khách hàng. Thậm chí vào thời gian trước, một vài phòng máy còn... trưng biển “Có Hack” để chào mời game thủ cũng như khẳng định “thương hiệu” cho mình.
Đột kích và cuộc chiến chống hack triền miên (Nguồn: cf.vtc.vn)
Sống chung với hack
Đa số game thủ đều biết sử dụng hack khi chơi game là không đẹp nhưng lại khó bỏ được. Với các game đòi hỏi quá trình luyện cấp lâu dài thì hack là công cụ hỗ trợ việc lên cấp dễ dàng hơn, còn ở những game đối kháng như Gunny, Đột kích hay Boom online, Audition,…, hack dường như là “vật bất ly thân” của các game thủ lười tập luyện nhưng háo thắng. Hack bất tử, hack xuyên tường, hack vật phẩm hay muôn vàn loại hack khác trong thể loại game đối kháng đã làm biến mất khoảng cách giữa một gamer có trình độ với một gamer gà mờ. Làm sao bạn có thể giành chiến thắng khi đối thủ của bạn có thể "headshot" bạn ngay trong phát súng đầu tiên, có thể nhìn thấy bạn di chuyển ngang qua bức tường dày để ném bom đón đầu bạn, hay dửng dưng đứng nhìn bạn nã hết đạn vào người mà không hề suy suyển…?
Câu trả lời là… tìm lấy một bản hack và dùng bản hack đó để chống lại hack!
“Lúc đầu còn thấy ngại ngại, nhưng cứ hack riết rồi quen. Giờ không hack không thắng nổi tụi nó. Sống chung với hack mà,” Thắng, một chàng game thủ Audition từng chia sẻ với chúng tôi như vậy. Thắng cho biết thêm: “Không hack thì biết đời nào hạ được Boss để tìm đủ Point mà mua đồ. VCoin cũng có nạp nhưng đồ VTC bán mắc quá, không chịu nổi.” Như vậy, lý do phụ mà các game thủ đưa ra khi sử dụng hack là… chịu không nổi giá bán vật phẩm của các nhà phát hành!
Nhà phát hành nghĩ gì?
Để hack hoành hành trên lãnh địa của mình, đương nhiên trách nhiệm đầu tiên chính là từ nhà phát hành. Có nhiều nguyên nhân khiến nhà phát hành chậm trễ trong việc fix hack, trong đó lý do quen thuộc nhất vẫn là công tác quản lý và khả năng liên hệ với công ty phát triển sản phẩm ở nước ngoài còn hạn chế.
Khi một game thủ phát hiện hack, thường họ sẽ rất nhanh chóng báo lên cho nhà phát hành, tuy nhiên vì các lý do khách quan lẫn chủ quan, tin về hack này có thể mất khoảng vài ngày mới đến được người có trách nhiệm. Ngay sau đó, nhân vật có trách nhiệm này sẽ liên lạc với đối tác nước ngoài để gửi thông tin về hack và yêu cầu cách khắc phục. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bản hack mà công ty phát triển (hoặc công ty cung cấp chương trình bảo vệ - chẳng hạn Game Guard của INCA) sẽ mất từ vài ngày đến... vài tuần để nghiên cứu. Chính sự phụ thuộc quá mức vào đối tác của các nhà phát hành cũng như trình độ còn yếu của đội ngũ vận hành game đã khiến họ luôn lâm vào thế bị động trong cuộc chiến không hồi kết với "văn hóa hack".
Tuy nhiên, sẽ thật bất công nếu quy tất cả trách nhiệm về nhà phát hành. Không ai muốn game mình bị lây nhiễm hack cả. Dù khả năng có hạn nhưng hầu hết nhà phát hành đều có những động thái cứng rắn khi đối phó với hack. Thiên long bát bộ hay Cabal từng khóa hơn chục ngàn tài khoản trong đợt hack, Đột kích phát động các sự kiện cam kết không hack... Họ cũng liên tục cập nhật các bản vá cho game hoặc nâng cấp Game Guard - dù chỉ để giữ game sạch trong... vài ngày ngắn ngủi.
Không nhà phát hành nào thích điều này, nhưng cũng không nhà phát hành nào có khả năng ngăn chặn hoàn toàn hack.
Chống hack - đến bao giờ?
Với cơ chế hoạt động client-server của hầu hết các game online hiện nay, việc chống hack gần như là... không thể. Do đa phần hoạt động của game đều được xử lý tại client (trên máy của người chơi) nên hacker luôn dễ dàng tìm ra cách chỉnh sửa kết quả xử lý trước khi gửi lên server. Khi NPH cập nhật Game Guard, hacker chỉ phải tốn thêm một ít thời gian để “bypass” (vượt qua) hệ thống bảo vệ này trước khi tiếp tục tung hoành trong game. Nếu chỉ trông chờ vào NPH thì không bao giờ game có thể sạch hoàn toàn được. Chính vì vậy, cách chống hack thường thấy nhất của các NPH là… khóa tài khoản vi phạm, vốn chẳng mang lại nhiều tác dụng khi game thủ chỉ cần tốn vài phút để đăng ký một tài khoản mới.
Warface mới ra đã có hack
Thực tế, hai nhân tố ít được nhắc tới hơn là người chơi và cơ quan chức năng lại đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến chống hack.
Với cơ quan chức năng, vai trò của họ đương nhiên là cung cấp các văn bản, quy định về phòng chống hack để tiêu diệt tận gốc tệ nạn này. Có một số thông tư của Bộ Thông Tin Truyền Thông ban hành liên quan đến việc chống các hành vi sửa đổi, phá hoại dữ liệu kết nối của dịch vụ giải trí online, như vậy có nghĩa là các tool hack/cheat hiện tại đều là có thể coi là vi phạm pháp luật. Người sử dụng (game thủ và chủ phòng máy) lẫn người viết tool hack đều được coi là phạm pháp. Việc phổ biến rộng rãi các quy định này kết hợp với cuộc đấu tranh chống hack của game thủ ý thức chính là định hướng rõ ràng nhất cho việc bài trừ hack/ cheat trong thế giới game.
Dù vậy, ý thức người chơi vẫn là quan trọng nhất. Ngày nào game thủ còn xem hack là thứ gia vị không thể thiếu khi chơi game thì ngày đó vẫn còn người cung cấp tool hack, và hack sẽ vẫn tồn tại. Ý thức người chơi được nâng lên cũng sẽ mở rộng cộng đồng game thủ sạch, khiến các gamer thích sử dụng hack sẽ dần cảm thấy mình lạc lõng trong trò chơi và có xu hướng chơi game tích cực hơn.
Bình luận (0)