Gần 1 triệu lao động được hưởng lợi từ chương trình Better Work

22/11/2022 17:39 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chương trình Better Work đã cải thiện mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn lao động về tiền lương, hợp đồng lao động, an toàn và sức khỏe lao động và thời giờ làm việc...

Đây là thông tin được Bộ LĐ-TB-XH chia sẻ tại Lễ ký Bản ghi nhớ và khởi động chiến lược cấp cao chương trình Better Work giai đoạn 2023 - 2027 diễn ra chiều ngày 22.11.

Bản ghi nhớ được ký giữa các đơn vị

N.Giáp

Với hình thức tổ chức trực tiếp và trực tuyến, sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu từ các lãnh đạo cấp cao của cơ quan đối tác ba bên của chương trình, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), các cơ quan hợp tác phát triển, đại sứ quán, các nhãn hàng quốc tế cùng đại diện các doanh nghiệp đang tham gia chương trình.

Theo biên bản ghi nhớ mới ký giữa Bộ LĐ-TB-XH, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ILO và IFC, ngoài địa bàn TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong giai đoạn 2023 - 2027, Better Work Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại các địa bàn mới và một số ngành khác sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về tác động tiềm năng của việc mở rộng cũng như cách thức tác động.

Trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2023 - 2027, chương trình Better Work sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề ưu tiên, bao gồm đối thoại xã hội, bình đẳng giới và phát triển bao trùm, an toàn sức khỏe nghề nghiệp, dữ liệu và thông tin. Đồng thời, chương trình sẽ thông qua đối tác để thúc đẩy các khía cạnh lao động liên quan đến vấn đề biển đối khí hậu, năng suất và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Kể từ khi bắt đầu tại Việt Nam năm 2009, hơn 800 doanh nghiệp và gần 1 triệu lao động đã hưởng lợi từ chương trình. Ngoài ra, hơn 60 khách hàng quốc tế cũng đã đăng ký tham gia chương trình này. Các báo cáo đánh giá của Better Work Việt Nam qua nhiều năm cho thấy nhiều doanh nghiệp đã cải thiện mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO và pháp luật lao động quốc gia về tiền lương, hợp đồng lao động, an toàn và sức khỏe lao động và thời giờ làm việc... Điều này không chỉ giúp cải thiện đáng kể điều kiện làm việc mà đồng thời còn nâng cao năng suất và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà nhận định: “Sau 14 năm hoạt động tại Việt Nam, các hoạt động của chương trình Better Work được các đối tác ba bên đánh giá là phù hợp với mục tiêu quản lý lao động và hỗ trợ tích cực cho quá trình thúc đẩy thực thi pháp luật lao động tại Việt Nam. Việc phối hợp giữa ba bên trong nước đã góp phần đẩy mạnh và phát huy được hiệu quả của chương trình, qua đó tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động để cùng xây dựng một môi trường lao động hài hòa, ổn định, giúp Việt Nam thành nơi cung ứng có trách nhiệm và đáp ứng các quy tắc đạo đức hàng đầu trong ngành dệt may và da giày.”

Giám đốc ILO tại Việt Nam, Bà Ingrid Christensen chia sẻ: “Hiệu quả của Chương trình Better Work Việt Nam đã chứng minh việc thúc đẩy đối thoại xã hội và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại nơi làm việc chính là yếu tố then chốt để cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập cho hàng trăm nghìn người lao động trong ngành may mặc và da giày”.

Chương trình Better Work Việt Nam nằm trong chương trình Better Work Toàn cầu, là chương trình hợp tác giữa ILO và IFC.

Mục tiêu cải thiện sự tuân thủ các tiêu chuẩn lao động dựa trên luật Lao động quốc gia và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu, mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành may mặc và da giày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.