Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, Thanh tra Chính phủ cho biết đã và đang tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương mở 21.601 lớp cho 993.176 cán bộ, nhân dân; xuất bản 142.058 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Trong việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, qua kiểm tra tại 2.252 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 77 đơn vị vi phạm. Qua tiến hành 1.036 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 183 vụ việc vi phạm, 129 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 21 tỉ đồng.
Đối với hoạt động phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, qua kiểm tra nội bộ phát hiện 3 vụ, 3 đối tượng, trong đó có 2 vụ tại TP.HCM, 1 vụ tại Bình Thuận; qua hoạt động thanh tra phát hiện 20 vụ, 10 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 5 vụ, 4 đối tượng liên quan đến tham nhũng.
Cơ quan chức năng khởi tố 117 vụ việc, 270 đối tượng... Trong đó, các địa phương dẫn đầu là Thanh Hóa 17 vụ, 43 đối tượng; Bắc Giang 14 vụ, 22 đối tượng; Hà Giang 8 vụ, 23 đối tượng; Hà Nội 10 vụ, 11 đối tượng….
Thanh tra Chính phủ đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.
Ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực như cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp...
Thanh tra Chính phủ tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm; phối hợp với Ủy ban Kiểm tra T.Ư để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các cán bộ diện T.Ư quản lý có sai phạm nêu tại kết luận thanh tra; đồng thời, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Bình luận (0)