Gần 20 hộ dân Sóc Sơn khiếu nại khẩn cấp kết luận thanh tra

19/04/2019 11:13 GMT+7

Sau khi TP.Hà Nội ban hành Kết luận thanh tra toàn diện về quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng tại huyện Sóc Sơn , gần 20 hộ dân thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) đã gửi đơn khiếu nại khẩn cấp tập thể.

Ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, cho biết sẽ cưỡng chế đối với 68 công trình xâm phạm đất rừng trên địa bàn 9 xã. Trong khi đó, kết luận thanh tra của Thanh tra TP.Hà Nội chỉ rõ từ năm 2006 đến nay, địa bàn huyện này có gần 1.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng, xâm phạm đất rừng, riêng ở xã Minh Phú và xã Minh Trí có 659 công trình vi phạm.
Việc chỉ đưa vào danh sách xử lý 68 công trình trong tổng số gần 1.000 công trình vi phạm kể trên đã gây bức xúc cho các hộ dân.
[VIDEO] Rừng phòng hộ Sóc Sơn bị “băm nát” bởi biệt thự của giới nhà giàu - Video tư liệu
Mới đây, ngày 30.3, UBND xã Minh Phú mời gần 20 hộ dân ở thôn Lâm Trường làm việc về nội dung xử lý công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp. Những hộ dân này thuộc diện xây dựng, sửa chữa công trình trên đất trong 2 năm 2017 - 2018, được đề nghị tự tháo dỡ công trình trước 30.4, nếu không sẽ bị cưỡng chế phá dỡ. 
 
Người dân phản ánh tại thôn Lâm Trường có tình trạng cùng nguồn gốc đất nhưng có công trình xây dựng thuộc diện bị xử lý, nhưng cũng có một số công trình khác xen kẽ vẫn "bình an vô sự" Ảnh Lê Quân
Đề nghị này khiến nhiều hộ dân phản ứng, vì cho rằng trên địa bàn thôn Lâm Trường có hàng trăm công trình "khủng" vi phạm đất rừng, cũng có nhiều công trình khác xây dựng trong 2 năm 2017 - 2018, trên phần đất có nguồn gốc giống của họ, nhưng chính quyền không xử lý mà chỉ nhằm vào gần 20 công trình của họ.
Bà Vũ Thị Hải (54 tuổi, ở thôn Lâm Trường), một trong số những hộ dân đứng đơn khiếu nại kể trên, cho biết đơn khiếu nại tập thể về Kết luận thanh tra số 1085/KL-TTLN-P3 ban hành ngày 14.3.2019 gửi đến các lãnh đạo TP.Hà Nội và T.Ư của gần 20 hộ dân ở thôn Lâm Trường cho rằng kết luận thanh tra này không đầy đủ, không xem xét các yếu tố lịch sử.
Đồng thời, nhiều sai phạm của UBND huyện Sóc Sơn được chỉ ra trong kết luận thanh tra thể hiện là chậm công khai quy hoạch rừng, chưa hoàn thành cắm mốc rừng, chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, một số điểm bị mất mốc giới, không đúng chỉ giới, nên không có căn cứ xác định diện tích đất nằm trong hay ngoài chỉ giới quy hoạch rừng… là lỗi của cơ quan quản lý, không thể để người dân gánh chịu.
Ngôi nhà phía bên phải thuộc diện bị cưỡng chế, còn ngôi nhà bên trái không thuộc diện bị xử lý Ảnh Lê Quân
Các hộ dân ở thôn Lâm Trường cũng cho biết, quá trình sinh sống đều trồng rừng từ đất trống đồi trọc. Theo Quyết định 2100/QĐ-UBND ngày 29.5.2008 của UBND TP.Hà Nội về việc phê duyệt dự án “Điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội (Quy hoạch 2008)", thì khu vực thôn Lâm Trường thuộc vùng nâng cấp cải tạo, không có rừng, đất thổ cư, vườn quả. 
Ngoài ra, một số hộ dân cho rằng, kết luận thanh tra của Thanh tra TP.Hà Nội có nêu đến Quyết định 2697 của UBND TP.Hà Nội ngày 29.6.2015 (Quy hoạch 2015) về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng huyện Sóc Sơn tỷ lệ 1/10.000, nhưng không chính xác, sai lệch hoàn toàn, không coi đây là quy hoạch đất và phân khu chức năng cần được kiểm tra, xem xét, nội dung kết luận đề cập không đúng.
Thực tế, theo bản đồ 1/10.000 của quy hoạch này, các hộ dân đều nằm trong đất du lịch nghỉ dưỡng, nhưng điều này không được đưa vào kết luận thanh tra.
Một số hộ dân ở thôn Lâm Trường cho rằng khu đất của họ là đất vườn quả theo dự án JIFPRO nên không xâm phạm đất rừng như kết luận thanh tra TP nêu Ảnh Lê Quân
Bà Nguyễn Thị Tâm (69 tuổi), người dân thôn Lâm Trường, cùng đứng đơn khiến nại tập thể, cho biết nhà đất gia đình bà với một số hộ dân khác ở thôn Lâm Trường là đất thực hiện dự án vườn quả JIFPRO - xây dựng mô hình kinh tế hộ, có đầy đủ cơ sở pháp lý. Bà Tâm cũng cung cấp nhiều văn bản chứng minh đất ở thôn Lâm Trường không còn là đất rừng, được chuyển đổi trồng vườn quả theo dự án JIFPRO từ cuối thế kỷ 20...
Theo ghi nhận của Thanh Niên, tại thôn Lâm Trường có tình trạng xen kẽ với những hộ thuộc diện bị cưỡng chế, có không ít những ngôi nhà kiểu biệt thự, xây dựng kiên cố lại vẫn “bình an vô sự”, không bị đưa vào danh sách xử lý. Nhiều người dân cũng thắc mắc khi cùng ở thôn Lâm Trường, cùng nguồn gốc đất mà nhà bị cưỡng chế, có nhà không.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, xác nhận huyện đang triển khai kế hoạch xử lý sai phạm sau kết luận thanh tra theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội. Lần này sẽ làm quyết liệt.
Về trường hợp của gần 20 hộ dân có đơn khiếu nại khẩn cấp, ông Tuấn cho biết đều lắng nghe ý kiến của người dân, tuy nhiên, sai phạm ở đâu thì xử lý ở đấy.
“UBND huyện Sóc Sơn đang thực hiện theo kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố và chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội. Những trường hợp vi phạm trong năm 2017 - 2018 là phải triển khai cưỡng chế. Là lệnh cấp trên nên phải làm theo”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn từ chối trả lời về tình trạng ở thôn Lâm Trường, có nhiều hộ thuộc diện cưỡng chế lại nằm liền kề với những hộ vẫn “bình an vô sự”.
Phóng viên Thanh Niên đã liên hệ với Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhưng chưa nhận được phản hồi về đơn khiếu nại khẩn cấp kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.