Khoảng 200 doanh nghiệp may mặc được nhận thông báo với nội dung tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên.
tin liên quan
Hàng tỉ USD đổ vào thị trường bán lẻCho đến trưa nay (3.7), một số nhà cung cấp cho biết, hàng hóa được chở đi giao cho một số siêu thị BigC đã không được nhận nữa.
Bà Đỗ Thị Thùy Dung - Giám đốc Công ty cổ phần Ấn Tượng Việt, nhà cung cấp mặt hàng áo quần cho hệ thống BigC từ 13 năm qua cho biết, thông báo của nhà bán lẻ đến từ Thái Lan là quá đột ngột và thiếu thiện chí với nhà cung cấp. "Thông thường, hợp đồng cung ứng hàng hóa được tái ký hai lần vào tháng 2 và tháng 6 hằng năm. Năm nay đến 30.6 không nghe nói gì, ngày 1.7 có thông báo vậy. Chúng tôi không thể trở tay kịp. Cơ sở có gần 100 công nhân và người làm, chưa tính nhân viên đi trực tiếp đến siêu thị để xếp hàng lên quầy kệ nữa. Nhà bán lẻ làm cái “đùng” như vậy, vải vóc, kim chỉ và cả hàng may sẵn, được thiết kế riêng cho BigC không biết làm sao. Công nhân không thể giải quyết cho họ đột ngột nghỉ vậy. Rất nhiều khó khăn hệ lụy, chẳng nhẽ nhà phân phối không biết?”, bà Dung nói.
|
Theo một số nhà cung cấp tìm đến trụ sở của Central Group Việt Nam chiều nay, họ không đồng ý cách giải thích của doanh nghiệp. Ông Dũng, một trong hơn 40 nhà cung ứng hàng dệt may vào BigC có mặt tại buổi gặp chiều nay cho rằng, khi nhận chuyển giao hệ thống BigC từ nhà đầu tư Pháp, phía Central Group Việt Nam đã có những cam kết rất rõ ràng với các nhà cung ứng, về trách nhiệm, cam kết… Thế nên, việc ngưng đột ngột và giải thích không rõ ràng thế này chúng tôi thấy khó hiểu. Nói về đạo đức kinh doanh, cũng không chấp nhận được. Nguyên liệu trữ của doanh nghiệp bị tồn, có thể bị phá sản đã đành, công nhân thất nghiệp đột ngột là ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội.
“Muốn cho công nhân nghỉ việc, phải báo trước 30-45 ngày, nay bảo họ nghỉ luôn là phạm luật rồi. Chúng tôi đưa ra lộ trình phải đàm phán cho thời hạn trước 6-12 tháng để doanh nghiệp có sự chuẩn bị. Nếu không, cộng đồng các nhà cung ứng mặt hàng áo quần gần 200 doanh nghiệp sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình trước trụ sở công ty”, ông Dũng bức xúc nói.
Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh nhận xét, cách giải thích của BigC trong thông báo không thuyết phục, thiếu thiện chí. Ông nói: “Trong trường hợp đang cơm lành canh ngọt lại đột ngột thay đổi vì tái cấu trúc, chúng ta có quyền nghi ngờ có thể họ tìm nhà cung ứng tốt hơn, đến từ Thái Lan hay Trung Quốc. Giả sử nếu việc ngưng có hợp lý thì yếu tố đột xuất như vậy cũng thiếu tình với hàng Việt và lao động Việt".
Bình luận (0)