Gần 21.000 du học sinh nước ngoài học tại Việt Nam

06/08/2019 12:42 GMT+7

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hiện nay có gần 21.000 du học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam, bao gồm các trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập sinh.

Thống kê về du học sinh Việt Nam và nước ngoài là một trong những số liệu đáng chú ý trong Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 6.8. Đây là thông tin về hội nhập quốc tế từ tổng hợp của Cục Hợp tác quốc tế.

Theo đó, trong năm học 2018 - 2019, Bộ GD-ĐT đã ký kết 21 văn bản hợp tác với nước ngoài, trong đó 6 văn bản cấp Chính phủ, 15 văn bản cấp bộ, tăng đáng kể so với năm học 2017 - 2018 là 16 văn bản (3 cấp Chính phủ và 13 cấp Bộ).

Bộ GD-ĐT cũng cho biết đang thực hiện quản lý 6.067 du học sinh Việt Nam học tập ở nước ngoài theo các chương trình học bổng hiệp định, đề án của Chính phủ. Số lượng lưu học sinh về nước 6 tháng đầu năm chưa nhiều do lưu học sinh đi học và về nước tập trung chủ yếu vào 6 tháng cuối năm.
Ngoài ra, đang có gần 21.000 du học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam (trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập sinh). Trong số này, khoảng 4.000 người là học tập theo diện Hiệp định Chính phủ.

Số liệu lưu học sinh ở nước ngoài trong năm học 2018 - 2019

Cục Hợp tác quốc tế

Cũng theo Cục Hợp tác quốc tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học đã tạo điều kiện cho các trường ĐH có uy tín nước ngoài thành lập phân hiệu tại Việt Nam. Tổ chức các hoạt động thúc đẩy, kết nối các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục, chia sẻ cơ hội đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đẩy mạnh hoạt động hợp tác và đầu tư vào Việt Nam. Đến nay, cả nước có tổng số 455 dự án FDI thuộc lĩnh vực GD-ĐT trên tổng số 27.353 dự án đầu tư nước ngoài của 19 ngành kinh tế. Triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận với nước ngoài về hợp tác giáo dục.

Năm học 2018 - 2019, một số địa phương cũng đã mở rộng dạy chương trình song ngữ tại các trường phổ thông; hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài tiếp tục được mở rộng ở nhiều cơ sở giáo dục. Nhiều cơ sở giáo dục đại học trong nước đã tăng cường trao đổi giảng viên, chuyên gia, sinh viên quốc tế; phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc đào tạo nghề cho học sinh; chủ động thúc đẩy quá trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về dạy, học và quản lý, góp phần tích cực hội nhập với các nước trong vùng và trên thế giới.

Số lượng chương trình liên kết của các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài FDI trong năm học 2018 - 2019

Cục Hợp tác quốc tế

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cho biết việc hội nhập quốc tế trong giáo dục chưa đồng đều giữa các địa phương và cơ sở giáo dục (tập trung ở Hà Nội và TP.HCM). Vì vậy, nguồn nhân lực được đào tạo chủ yếu ở các thành phố lớn. Một số tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học thiếu trách nhiệm với lưu học sinh khi đã đi học; sự phối hợp của các sở, ngành chưa chặt chẽ, thông tin phản ánh chưa kịp thời. Một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng các quy định về liên kết đào tạo; cơ cấu ngành nghề đào tạo trong liên kết đào tạo cũng bị mất cân đối, tập trung nhiều vào các nhóm ngành kinh tế - quản lý (70%), nhóm ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ còn hạn chế (30%). Các chương trình liên kết đào tạo mới tập trung chủ yếu ở trình độ đại học, thạc sĩ và rất ít trình độ tiến sĩ.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục Hợp tác quốc tế đã tiếp nhận 287 du học sinh về nước công tác gồm 156 tiến sĩ, 53 thạc sĩ, 76 đại học, 2 thực tập sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.