Trong đó, có 1.820 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi, 11 trường hợp tử vong.
Đây có phải là một vấn nạn vì tết năm nào số lượng người cấp cứu do đánh nhau cũng xấp xỉ con số này.
Người trẻ cũng bức xúc
Theo Nguyễn Thị Ngọc Hiệp, hoa khôi du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản năm 2017, những con số này nói lên một thực tế đáng buồn và đáng suy ngẫm của người Việt Nam. Hành động “ đánh nhau “ tưởng chừng như chỉ có ở những đứa trẻ, nhưng thực trạng ở đây là giữa những người lớn, những người đã trưởng thành.
"Dưới góc nhìn của một đứa con xa xứ, đang học tập trên đất Nhật, tôi rất nể phục văn hoá của người Nhật, kể cả văn hoá “ khi say “. Người nhật uống rượu bia rất nhiều, cả nam lẫn nữ. Đa số nhân viên văn phòng, sau ca làm việc họ thường đi ăn uống cùng với đồng nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ gây gổ, xung đột , đánh nhau, gây tai nạn vì bia rượu ở Nhật chỉ là phần trăm rất nhỏ. Tôi đưa ra nhận định ở góc nhìn 2 thực tế khác nhau để thấy được mỗi cá nhân mỗi người cần phải có ý thức và quy tắc ứng xử nói chung và quy tắc ứng xử “ trên bàn nhậu“ nói riêng , để xã hội ngày càng phát triển và văn minh hơn" - Ngọc Hiệp nhận định.
tin liên quan
11 ca tử vong do đánh nhau trong dịp TếtDương Trọng Phúc, một bạn trẻ đang làm việc tại một trường học ở TP.HCM, cũng cho rằng thường đầu năm ai cũng muốn có sự an toàn, vui vẻ, không ai muốn có sự xung đột, nhưng tình trạng đánh nhau vẫn diễn ra, thậm chí tần suất cao hơn thì khả năng cao là do ảnh hưởng của bia rượu hoặc vì một quyền lợi nào đó bị ảnh hưởng.
"Đánh nhau, dù mình đúng hay sai, thì chắc chắn mình cũng bị ảnh hưởng. Ít thì tự mình cảm thấy ngày đầu năm không may mắn, hơn chút thì bị xây xát, nhiều hơn nữa thì thương tích, chết người, tù tội. Vì vậy, tốt nhất là nên tránh đánh nhau bằng mọi cách có thể, rượu bia càng hạn chế càng tốt. Tết là để vui, không phải để say, còn vì quyền lợi bị ảnh hưởng thì đối với những chuyện liên quan mà pháp luật giải quyết được thì nên nhờ cơ quan chức năng, những chuyện có thể "trao đổi tay đôi" với nhau thì nên nghĩ thoáng một xíu "tết mà!" để nhẹ nhàng hơn với nhau, từ lớn thành nhỏ, từ nhỏ thành một nụ cười xí xóa với nhau để cả năm ai cũng được an lành" - Phúc cho biết.
Chưa sử sách nào chép lại!
Bức xúc về chuyện này, nhà văn Trần Nhã Thụy đã viết những dòng đầu năm: "Mấy năm trước, tôi có viết một bình luận rằng: Việt Nam nên đăng ký kỷ lục Guinness ở mục quốc gia có số người "choảng" nhau đông nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Nếu đăng ký, thế nào cũng đạt! 6.000 người là con số của… 2 trung đoàn, và nhiều hơn 1 lữ đoàn. Nếu chúng ta làm một phép liên tưởng trong chiến tranh có đến 2 trung đoàn thương binh thì thấy khủng khiếp như thế nào.
Nhưng đây không phải là chiến tranh, đây là thời bình, và đây là những ngày vui tết cổ truyền dân tộc. Vậy thì hà cớ gì mà thiên hạ … choảng nhau ác liệt như vậy? Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế thì hầu hết các vụ đánh nhau đều do say rượu, va quẹt khi tham gia giao thông, cũng có khi là do thua bài bạc mà … nóng máu choảng nhau. Đặc biệt có nhiều vụ mà người nhập viện cấp cứu chính là người nhảy vào can gián những vụ đánh nhau, rồi bị vạ lây".
Nhà văn chua chát cho biết: " Có một điều rất đáng suy ngẫm đây đâu phải là lần đầu tiên chúng ta ăn tết cổ truyền? Người Việt đã ăn Tết Nguyên đán từ hàng ngàn năm nay. Người Việt từng có những cái tết nguyên đán tưng bừng rực rỡ. Người Việt từng có những cái tết nghèo nhưng ấm áp. Người Việt cũng từng có những cái tết xơ xác trong loạn lạc. Nhưng tôi chưa từng thấy sử sách nào chép lại người Việt lại có cái tết choảng nhau với số người nhập viện kỷ lục như những cái tết sau này. Không phải nói quá, đó là một nỗi hổ thẹn, nhục nhã, khi chúng ta ngoái nhìn ra nền văn minh thế giới.Và, đó cũng là một trong những lý do mà tôi ngại về quê vào mỗi dịp Tết" .
Chia sẻ thông tin trên Facebook cá nhân, GS Trần Đình Sử cũng buông lời cảm thán: "Đạo đức suy đồi, đánh nhau khắp nơi vì bất cứ lí do gì!!!".
Đánh nhau là do giáo dục!
Sigmund Freud, ông tổ của ngành phân tâm học cho rằng: Bản năng của mỗi con người luôn có bóng dáng bạo lực như các loài vật khác, hay chúng ta thường nói đó là phần "con". Nó sẽ bùng nổ nếu không có phần "người" kiểm soát, tức ý thức, tinh thần tôn trọng pháp luật và đạo đức. Khi con người mất đi lý trí hoặc phần "người" yếu ớt, họ sẽ là một con thú dễ nổi cơn điên. Tết là đỉnh điểm của biểu đồ tiêu thụ rượu bia. Người trẻ thường hay bốc đồng, vì vậy tỷ lệ người mất kiểm soát hành vi trong dịp tết cao hơn bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, các vụ đánh nhau đến mức nhập viện do có liên quan đến bia rượu trong dịp tết vừa qua theo thống kê là hơn 10%, nghĩa là 90% còn lại vẫn tỉnh táo. Vậy là do đâu? Đó là do giáo dục. Giáo dục trong gia đình, trong nhà trường và từ xã hội. Tôi tạm gọi đó là "căn bệnh" đánh nhau. Để triệt tiêu, chúng ta phải chờ giáo dục: giáo dục ý thức pháp luật, giáo dục văn hóa ứng xử, giáo dục kỹ năng giải quyết mâu thuẫn một cách văn minh... Tuy nhiên, chờ thì lâu lắm! Tốt nhất, chúng ta sẽ tiếp tục tự giáo dục để hoàn thiện bản thân mình, kiềm chế phần "con", ứng xử nghĩa tình, làm gương cho con cái. Hãy đọc sách nhiều hơn, nói lời tốt đẹp với nhau nhiều hơn, giúp nhau nhiều hơn. Một que diêm nhỏ sẽ thắp sáng cả căn phòng, một người sống tốt sẽ thắp sáng và "giáo dục tự nhiên" năm bảy người gần gũi. (Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trả lời Báo Thanh Niên năm 2015 sau khi có con số thống kê gần 4.500 người nhập viện vì đánh nhau trong dịp tết năm 2015)
|
Bình luận (0)