Gần 40 binh sĩ Niger bị tấn công gần Burkina Faso, Tổng thống Putin bàn giải pháp

16/08/2023 17:23 GMT+7

Bộ Quốc phòng Niger vừa xác nhận 17 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của những thành phần thánh chiến khả nghi gần Burkina Faso.

AFP hôm nay 16.8 dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Niger cho hay một phân đội của lực lượng vũ trang nước này là "nạn nhân của một cuộc phục kích khủng bố gần thị trấn Koutougou".

Ngoài 17 binh sĩ thiệt mạng, Bộ Quốc phòng Niger cho biết thêm cuộc tấn công còn khiến 20 binh sĩ bị thương, trong đó có 6 người bị thương nặng. Quân đội Niger nói rằng hơn 100 kẻ tấn công đã bị "vô hiệu hóa" trong lúc chúng rút lui.

Chính quyền quân sự Niger nói sẵn sàng đàm phán

Cuộc tấn công trên xảy ra trong bối cảnh Niger đang trải qua cuộc khủng hoảng sau cuộc đảo chính ngày 26.7. Những cường quốc phương Tây và các chính phủ dân chủ châu Phi đã kêu gọi giới lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum, bị giam giữ từ ngày 26.7.

ECOWAS sẵn sàng can thiệp quân sự ở Niger

Các chỉ huy quân đội Tây Phi sẽ họp vào ngày 17 và 18.8 tại Ghana để chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự có thể xảy ra, sau khi Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đe dọa sẽ khởi động cuộc can thiệp như thế nếu ngoại giao thất bại.

Bất kỳ sự can thiệp quân sự nào cũng có thể gây thêm bất ổn cho các nước vùng Sahel nghèo khó, nơi mà một cuộc nổi dậy của các nhóm liên kết với mạng lưới al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã khiến hàng triệu người phải sơ tán trong thập niên qua và gây ra nạn đói.

Gần 40 binh sĩ Niger bị tấn công gần Mali, Tổng thống Putin bàn giải pháp - Ảnh 1.

Tướng Abdourahmane Tiani, được các nhà lãnh đạo đảo chính tuyên bố là nguyên thủ quốc gia mới của Niger, đến gặp các bộ trưởng ở Niamey (Niger) ngày 28.7

Reuters

Chính quyền quân sự Niger trước đó đã từ chối và bác bỏ các nỗ lực đàm phán, nhưng đến ngày 15.8 nói rằng họ sẵn sàng đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực do cuộc đảo chính gây ra, theo Reuters.

"Chúng tôi đang trong quá trình chuyển tiếp. Chúng tôi đã giải thích mọi thứ từ đầu đến cuối, nhắc lại rằng chúng tôi sẵn sàng cởi mở và nói chuyện với tất cả các bên, nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng đất nước cần được độc lập", ông Ali Mahamane Lamine Zeine, người được quân đội Niger bổ nhiệm làm thủ tướng vào tuần trước, phát biểu.

Ông Zeine có phát biểu như trên sau chuyến đi gặp Tổng thống Chad Mahamat Deby, người đã dàn dựng cuộc đảo chính của riêng mình vào năm 2021. Cuộc đảo chính ở Niger là cuộc đảo chính lần thứ 7 ở Tây và Trung Phi trong 3 năm qua, theo Reuters.

Ảnh hưởng của Nga ở Tây Phi gia tăng?

Cuộc đảo chính mới ở Niger và hậu quả của vụ này đã thu hút sự quan tâm của các cường quốc có lợi ích chiến lược trong khu vực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15.8 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống lâm thời Mali Assimi Goita về cuộc đảo chính ở Niger. Hai nhà lãnh đạo "tập trung vào tình hình ở khu vực Sahara-Sahel. Đặc biệt, họ nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tình hình xung quanh Cộng hòa Niger bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao hòa bình", theo Hãng tin TASS dẫn thông báo từ Điện Kremlin.

Cùng ngày, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho hay chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết thực hiện một giải pháp ngoại giao, nhấn mạnh Niger là một đối tác mà họ không muốn đánh mất.

Gần 40 binh sĩ Niger bị tấn công gần Mali, Tổng thống Putin bàn giải pháp - Ảnh 2.

Một binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm của Mỹ trình diễn cách bắt giữ một nghi phạm trong cuộc huấn luyện quốc tế do Mỹ dẫn đầu dành cho binh sĩ châu Phi, ở Diffa (Niger) ngày 4.3.2014

Reuters

Ảnh hưởng của Nga ở Tây Phi đã tăng lên trong khi ảnh hưởng của phương Tây đã suy yếu kể từ khi một loạt các cuộc đảo chính bắt đầu. Các nhà lãnh đạo quân sự ở Mali và Burkina Faso đã đánh đuổi binh sĩ từ Pháp và tăng cường quan hệ với Nga.

Dưới thời Tổng thống Bazoum, Niger vẫn là đồng minh của phương Tây. Mỹ, Pháp, Đức và Ý có binh sĩ đồn trú ở Niger theo các thỏa thuận với chính quyền dân sự đã bị lật đổ.

Sự ủng hộ dành cho Nga dường như đã tăng lên ở Niger kể từ sau cuộc đảo chính, với những người ủng hộ chính quyền quân sự vẫy cờ Nga tại các cuộc biểu tình và kêu gọi Pháp rút quân, theo Reuters.

Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính của Niger đã hủy bỏ một loạt thỏa thuận quân sự với Pháp, mặc dù Paris bác bỏ điều này bằng cách nói rằng họ không công nhận chính quyền quân sự Niger là chính quyền hợp pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.