Không gian cả trưng bày hàng và gác xép để ngơi nghỉ của ông Quang khoảng chừng 10 mét vuông. Cụ kỵ, ông bà ông Quang đã ở Hàng Quạt này, gắn bó với nghề làm khuôn bánh. Đến đời ông Quang, căn nhà được chia gọn lại nên bây giờ nhỏ xíu. Từ chiếc tivi treo sát trần nhà tới bức tường, chiếc bàn ngồi, ấm trà, viên gạch, tất cả đều toát lên mùi xưa cũ.
Gia đình ông Quang gốc gác ở huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), gia truyền với nghề làm khuôn, nhưng đến nay, các cụ đã quy tiên, cháu con trong nhà đi theo các công việc khác nhau. Chỉ còn ông Quang, từ năm ngoài 20 tuổi đến bây giờ gắn bó với nghiệp làm khôn đúc thủ công.
|
Ông Quang làm đủ các loại khuôn: bánh, xôi, oản; làm bài vị, khắc các con dấu làm lưu niệm cho du khách… tất cả hoàn toàn thủ công bằng tay. Khách nước ngoài mỗi khi đi ngang qua đều thích thú nán lại, nhìn người đàn ông tay búa tay đục, tỉ mẩn chỉnh sửa lại một chiếc khuôn bánh chưng, hay khuôn xôi, oản.
Không dùng facebook, không quảng cáo sản phẩm trên mạng internet, ông Quang vẫn bán cho khách hàng khắp miền Bắc, nhiều tỉnh miền Trung và cả Sài Gòn, nhất là các dịp lễ, tết Trung thu, tết Nguyên đán. Giải thích sự đắt khách này, ông Quang đủng đỉnh: “Làm nghề phải có cách để người ta cần đến mình, xa mấy người ta cũng tìm, chứ mình tìm người ta là thua rồi”.
tin liên quan
Làng cốm Vòng người ở đừng về... Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua... Vừa ngon, vừa lành, là nét văn hóa lâu đời nhưng cốm Hà Nội chưa thể đi xa do thiếu đường dẫn và tầm nhìn.
Bí quyết giữ nghề
Ông Quang dùng gỗ cây thị, gỗ xà cừ làm khuôn bánh, khuôn xôi, khuôn oản.
Người gắn bó với công việc này gần 40 năm qua giải thích, gỗ cây thị là tốt nhất, vì có độ cứng, rắn nhất định, làm ra khuôn vẫn giữ được nét hoa trên gỗ. Bây giờ gỗ thị hiếm, có thể dùng gỗ xà cừ, cũng cho chất lượng khá ưng ý. Tùy khối lượng chiếc bánh, chiếc oản mà khách yêu cầu, ông Quang biết chọn loại gỗ cho phù hợp.
|
Ngoài các khuôn bánh đúc các chữ phúc, thọ, bông cúc, hoa hồng, con cua, cá chép, rồng phượng… cầu kỳ, tinh tế, khách còn đặt ông Quang làm khuôn bánh có tên, logo riêng để “không đụng hàng”… Ông Quang bảo, công làm ra một chiếc khuôn mình tính 1 đồng, nhưng tiền để đầu óc sáng tạo phải 10 đồng, đó là lý do vì sao có khuôn bánh giá lên đến hàng triệu đồng mà người mua vẫn tới tấp ghé đến tiệm ông Quang.
Ông Quang tinh tế và cá tính. Nhìn mắt khách hàng, ông biết người ta có muốn mua của mình hay không. Ông bảo, “đó là nhờ ngồi ở xứ Kẻ Chợ (cách gọi Hà Nội xưa - NV) mấy chục năm ròng, tiếp xúc với đủ các kiểu người”.
Ông Quang kể lại những kỷ niệm với các vị khách đáng nhớ: “Một bà làm bánh ở Hàng Đường cầm cái khuôn tôi vừa làm xong, miệng chê bai bải rằng xấu chỗ này, xấu chỗ khác. Tôi nói thẳng với bà ấy, bà cứ làm bánh xong hết mùa trung thu đi, rồi tôi mang khuôn chẻ nát ra trước cửa hàng, không lấy tiền".
|
"Một chị khác ở Thái Bình, lấy khuôn bánh về làm rồi ăn quỵt luôn 3 triệu của tôi, không trả. Tôi cho qua, nhưng về sau cứ gặp khách Thái Bình, tôi làm mẫu đẹp hơn, rẻ hơn, nhà chị kia ế quá, buộc phải đến nhà tôi xin lỗi”, ông Quang kể lại cách “trị” khách hàng mưu mẹo.
Ông Quang còn nhiều bí quyết giữ nghề gia truyền của mình khác nữa. Cửa hàng 59 Hàng Quạt của ông chỉ để bán hàng, thi thoảng ông mang khuôn ra sửa.
Ông thuê có lúc hơn 10 người thợ, nhưng mỗi người làm chỉ một công đoạn, không ai biết mặt ai, làm ở 10 nơi khác nhau. Các con của ông Quang đều không theo nghiệp cha. Ông Quang bảo nghề nghiệp là cái duyên, nếu làm nó không có cái tâm, sớm lụi bại. Chiếc khuôn được đúc tỉ mẩn, có sự tập trung của người thợ thì từng đường nét tinh tế, người hay cáu giận, nóng nảy mà làm khuôn, đúc ra chiếc bánh hỏng như chơi.
|
Người đàn ông tuổi 61 từng tham gia chiến tranh biên giới Việt - Lào từ năm 1976 - 1980, sau xuất ngũ làm nghề tay đục, tay búa nhưng rất lãng mạn. Mỗi sáng sáng, ông Quang dậy từ 5 giờ 30 để đi bộ vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, ngắm màu lá trên cây lộc vừng mỗi mùa, lắng nghe tiếng chim trên vòm cây, thi thoảng chạy xe về quê Thường Tín, căng ngực hít hà mùi lúa chín. Đó là phút giây đầu óc ông Quang thảnh thơi nhất, trong nhiều lần, những ý tưởng cho những chiếc khuôn đã ra đời.
Ông Quang nhất định không chịu nhận mình là nghệ nhân, dù bây giờ tìm mỏi mắt khắp Hà Nội không đâu được cửa hàng làm khuôn bánh truyền thống thứ 2. Ông Quang bảo điều khiến ông gắn bó với nghề bao nhiêu năm qua dù có lúc rất khó khăn, một phần đó là nghiệp, phần khác, ông vui khi chiếc khuôn được người mua hài lòng.
Bình luận (0)