Hàng ngàn hộ dân của H.Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang sống khổ với cảnh “đi không được, ở chẳng xong” do những hệ lụy từ việc dự án mỏ sắt Thạch Khê bị “đắp chiếu” nhiều năm nay.
|
Dự án mỏ sắt Thạch Khê được quy hoạch trên tổng diện tích gần 3.900 ha, thuộc 6 xã của H.Thạch Hà, gồm: Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc, với gần 5.000 hộ dân (khoảng 16.900 nhân khẩu) bị ảnh hưởng. Đây được xem mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, với trữ lượng khoảng hơn 540 triệu tấn, chiếm một nửa trữ lượng quặng sắt của cả nước.
Tháng 9.2009, dự án mỏ sắt Thạch Khê (do Công ty cổ phần sắt Thạch Khê-TIC làm chủ đầu tư) bắt đầu triển khai, đi vào hoạt động, với kỳ vọng, trong tương lai gần sẽ đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh thuần nông thành một trong những trung tâm công nghiệp nặng, khai thác luyện thép lớn nhất nước, từ đó tạo “bệ phóng” đưa nền kinh tế “cất cánh”. Tuy nhiên, mới đi vào hoạt động được một thời gian ngắn, cuối năm 2010, mỏ sắt Thạch Khê ngưng hoạt động từ đó cho đến nay đã hơn 4 năm.
Trao đổi với Thanh Niên, rất đông người dân, cán bộ 6 xã của H.Thạch Hà bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án bày tỏ bức xúc trước những hệ lụy từ mỏ sắt Thạch Khê bị “đắp chiếu”.
Chị Nguyễn Thị Hồng (xóm 2, xã Thạch Đỉnh) cho biết, nhiều năm nay, gia đình chị và hàng trăm hộ dân trong xã phải è cổ chịu đựng cảnh khói bụi, ô nhiễm từ bãi thải của mỏ sắt Thạch Khê. “Nắng thì bụi cát bay phủ lút mặt, dính từng lớp lên chăn màn, quần áo, ảnh hưởng đến cả giấc ngủ và bữa ăn của người dân, còn mùa mưa thì sình lầy ngập đến đầu gối, khổ hết chỗ nói”, chị Hồng than thở.
Đứng bên cạnh mấy sào lạc mất mùa, ông Nguyễn Duy Trung (xã Thạch Đỉnh) buồn rầu nói: “Đã 11 vụ mùa sản xuất nông nghiệp, gia đình tui và nhiều gia đình khác phải chịu cảnh mất mùa vì bị ô nhiễm từ bãi thải mỏ sắt, ruộng đồng bị vùi lấp, nguồn nước ngầm bị tụt giảm. Sản xuất không có thu hoạch, đời sống lâm vào cảnh khó khăn, các hộ đói nghèo gia tăng”.
Ngoài ô nhiễm, mất mùa, thì dự án mỏ sắt Thạch Khê bị “treo” còn gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân vùng dự án. Hàng trăm gia đình phải chịu cảnh 2-3 thế hệ sống chung dưới một nếp nhà cấp 4 đã xuống cấp. “Con cái đông đúc, lập gia đình rồi nhưng chúng tôi vẫn không thể cơi nới nhà cửa hoặc tách hộ chỉ vì nằm trong vùng phải di dời. Tui không hiểu vì răng mà đất của tui, tui ở cũng không được, đi cũng không xong”, ông Nguyễn Đức Thịnh, nhà gần mỏ sắt Thạch Khê, bức xúc.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh, không riêng gì người dân mà lãnh đạo 6 xã nằm trong vùng dự án cũng đang lâm vào tình cảnh oái oăm. “Là các xã bãi ngang nhưng nhiều năm nay, chúng tôi chẳng thể kêu gọi đầu tư, không được hưởng lợi bất kể một dự án nào dành cho vùng đặc biệt khó khăn. Nay trụ sở làm việc, đường sá, điện nước… trên địa bàn cũng đã xuống cấp”, ông Hồng nói.
Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó chủ tịch UBND H.Thạch Hà cho biết, theo tính toán của các cơ quan chức năng liên quan thì đến cuối năm 2011, hơn 4.000 hộ dân trên địa bàn 6 xã nằm trong vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê sẽ được di dời đến 16 khu tái định cư nằm rải rác trên 10 xã của này. “Nhưng đến nay, vì nhiều lý do khác nhau như chủ đầu tư chưa có tiền đền bù hỗ trợ cho người dân, nhiều khu tái định cư chưa hoàn thành… nên chỉ một số ít người dân được chuyển đến các vùng tái định cư”, ông Hương nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương, Chánh văn phòng Công ty cổ phần sắt Thạch Khê cho biết, đơn vị này đang chờ Chính phủ và các cơ quan chức năng phê duyệt nội dung xin điều chỉnh dự án.
Nguyễn Dũng
>> Hàng ngàn hộ dân ngạt thở vì ô nhiễm
>> Trường em bị ô nhiễm
>> Bãi rác lộ thiên ô nhiễm môi trường
>> Cảng cá ô nhiễm
Bình luận (0)