Gần 5.000 m đê sạt lở, Cà Mau xem xét quyết định tình huống khẩn cấp

19/08/2020 06:05 GMT+7

Ngày 18.8, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết Sở vừa có tờ trình kiến nghị UBND tỉnh xem xét quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây.

Qua khảo sát trên tuyến đê biển Tây, Sở NN-PTNT Cà Mau ghi nhận có 6 đoạn sạt lở rất nghiêm trọng với tổng chiều dài gần 5.000 m. Tại các vị trí bị sạt lở, có nơi không còn đai rừng phòng hộ, có nơi đai rừng còn rất mỏng và dù phía ngoài có hệ thống kè hộ đê nhưng sóng biển vẫn gây tác động rất lớn lên mái đê, nguy cơ vỡ đê rất cao, nhất là khi thời tiết xấu, cực đoan xảy ra kết hợp với triều cường dâng cao. Nếu xảy ra vỡ đê trong mùa mưa bão sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân phía trong đê, đặc biệt là hệ sinh thái vùng ngọt; ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan nhà nước, hệ thống lưới điện, trường học, trạm y tế... thuộc địa bàn các xã ven biển mà đê biển đi qua.
“Trong mùa mưa bão, có những đợt nước dâng kèm sóng lớn rất nguy hiểm cho những đoạn không còn đai rừng phòng hộ. Những cơn bão, áp thấp nhiệt đới dù không ảnh hưởng trực tiếp cũng thường xuyên gây mưa giông, sóng to, gió lớn uy hiếp trực tiếp đến thân đê, đặc biệt là các đoạn đê không còn đai rừng phòng hộ, dẫn đến nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 26.100 hộ dân sinh sống ven biển và khoảng 128.900 ha đất sản xuất nông nghiệp”, ông Nam nói và cho biết từ thực tế này,
Sở NN-PTNT đề xuất tạm ứng 10 tỉ đồng để khắc phục ngay các vị trí sạt lở, khi có chủ trương cấp bổ sung sẽ hoàn lại nguồn kinh phí theo quy định.
Theo ông Nam, việc quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây tại những vị trí cần hộ đê khẩn cấp là nhằm có cơ chế trong sử dụng phương án, huy động lực lượng, vật tư trong thực hiện giải pháp công trình tạm thời, trước mắt, lâu dài...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.