Chiều 24.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.
Xe biển xanh 80A gửi 5 tháng không ai đến nhận ở bãi giữ xe sân bay Tân Sơn Nhất hồi cuối năm 2020 |
N.V.Q |
Báo cáo bước đầu của đoàn giám sát về quản lý tài sản nhà nước đánh giá, trong giai đoạn 2016 - 2021, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công dần được hoàn thiện.
Khung khổ pháp lý quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản được điều chỉnh đầy đủ từ khi hình thành, đến sử dụng, khai thác và xử lý tài sản; cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả.
Tuy nhiên, qua kết quả kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, đoàn giám sát đánh giá, quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, báo cáo cho hay vẫn còn xảy ra hiện tượng mua sắm và sử dụng tài sản công là phương tiện đi lại; phương tiện, thiết bị làm việc, đầu tư xây dựng, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu giá khi xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Vẫn còn tình trạng đầu tư xây dựng trụ sở chưa phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát.
Việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất của các bộ, ngành, địa phương và khối doanh nghiệp còn chậm.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nêu rõ vẫn còn tình trạng mua sắm, sử dụng không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc không tuân thủ quy định của pháp luật đấu thầu việc mua sắm trang thiết bị y tế, kit test Covid-19,...
Tổng hợp số liệu báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016 - 2021, cho thấy, số lượng phương tiện đi lại (ô tô, mô tô, xe gắn máy) sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là 6.976 chiếc; số tiền xử lý vi phạm về sử dụng phương tiện đi lại là 4,8 tỉ đồng.
Số lượng tài sản khác được trang bị, sử dụng sai mục đích, sai chế độ phát hiện được là 33.608 tài sản; số tiền xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản khác là 38,234 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, diện tích trụ sở sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là 47.324,5 m2; diện tích trụ sở sử dụng sai chế độ đã xử lý là 37.317 m2; số tiền xử lý vi phạm, thanh lý trụ sở thu được là 452,7 tỉ đồng;
Diện tích nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là 147.911 m2…
Từ đó, đoàn giám sát đề nghị các bộ, ngành, địa phương bổ sung báo cáo cụ thể việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc, tài sản từ nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và tài sản khác;
Đoàn giám sát cũng đề nghị các Bộ GTVT, Công thương báo cáo cụ thể hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia thuộc lĩnh vực phụ trách.
Bộ Tài chính thống kê, kiểm đếm làm rõ việc quản lý, sử dụng tài sản công; Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước rà soát, tổng hợp, báo cáo chi tiết các vi phạm của từng bộ, ngành, địa phương theo từng năm.
Bình luận (0)