Gần 71% trẻ em từng bị xử phạt bằng hình thức bạo lực

08/12/2021 18:38 GMT+7

Kỷ luật trẻ em bằng phương pháp bạo lực trong gia đình là một thực trạng phổ biến ở Việt Nam. Có tới gần 71% trẻ từ 1 - 14 tuổi từng bị xử phạt bằng bạo lực.

Đây là kết quả điều tra về tình hình của trẻ em (TE) và phụ nữ tại Việt Nam năm 2020 - 2021 tại 14.000 hộ gia đình thuộc 63 tỉnh, thành được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) và Tổng cục Thống kê công bố hôm nay 8.12.

Xử phạt bằng hình thức bạo lực ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tâm lý của TE

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH KYODO

Kết quả điều tra cho biết, có tới 70,8% TE 1 - 14 tuổi đã bị xử phạt bạo lực (xử phạt tâm lý hoặc thể xác) trong 1 tháng trước khi được điều tra.

Đáng chú ý, TE càng lớn càng phải đối mặt với việc bị xử phạt bằng tinh thần. Có 64,4% TE từ 10 - 14 tuổi phải đối mặt với xử phạt gây áp lực tâm lý thì 25,4% số trẻ này bị xử phạt về thể xác. Các hình thức kỷ luật nặng về thể xác như đánh trẻ vào đầu, lưng, tai, mặt hoặc đánh mạnh và liên tiếp… thì ít phổ biến hơn, với 1,3% TE 10 - 14 tuổi bị xử phạt.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, trong phần lớn trường hợp, các thành viên trong gia đình sử dụng kết hợp các biện pháp xử phạt bạo lực để giáo dục TE.

Xét về địa bàn, vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ TE xử phạt bằng bạo lực cao nhất (78,5%) và vùng Trung du và miền núi phía bắc có tỷ lệ thấp nhất (64,3%).

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), nhìn nhận: “Con số gần 71% TE từng được giáo dục bằng hình thức xử phạt bạo lực không quá bất ngờ. Thực tế những con số về bạo lực, xâm hại TE hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng. Chính việc thiếu kiến thức, hiểu biết về chăm sóc trẻ đang dẫn tới các hành vi bạo lực với trẻ”.

Đánh giá tình trạng kỷ luật TE bằng phương pháp bạo lực trong gia đình vẫn là một thực trạng phổ biến ở Việt Nam, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bày tỏ: "Hơn 70% TE từ độ tuổi 1 - 14 đều bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Đây là một mối lo ngại lớn, bởi lẽ nó sẽ để lại hậu quả lâu dài trong suốt cuộc đời của TE, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần tâm lý cũng như dẫn đến các nguy cơ cao hơn, ví dụ như có hành vi bạo lực ở TE hoặc lạm dụng chất an thần, gây nghiện trong tương lai và từ đó nó có thể ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng một xã hội gắn kết tại Việt Nam”.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, báo cáo kết quả điều tra là cơ sở để hoạch định chính sách bức tranh tổng thể về TE. Kết quả điều tra nhằm cung cấp thông tin khoảng trống số liệu phục vụ các mục tiêu đánh giá phát triển bền vững của Việt Nam; đồng thời là bằng chứng hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách thiết lập các chương trình phục vụ đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu quốc gia phát triển bền vững của Việt Nam và cam kết toàn cầu về TE của Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.