Gần 80% diện tích tỉnh Cà Mau sẽ ngập nếu nước biển dâng cao 1 mét

27/02/2022 09:44 GMT+7

Theo kịch bản biển đổi khí hậu vừa được Bộ TN-MT cập nhật công khai, nếu mực nước biển dâng lên 1 mét thì đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập lụt cao, nhất là tỉnh Cà Mau.

Phần lớn diện tích tỉnh Cà Mau sẽ ngập nếu nước biển dâng lên 1 mét

lê quân

Gây ngập trên 50% diện tích nhiều tỉnh

Theo Bộ TN-MT, so với kịch bản biến đổi khí hậu công bố năm 2016 thì kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020 cho thấy diện tích có nguy cơ ngập tại đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên đáng kể, từ 39,4% - 47,29%. Điều này ảnh hưởng đến tính bền vững của quy hoạch vùng, quy hoạch các địa phương trong thời gian tới.

Đáng chú ý, theo kịch bản biến đổi khí hậu này, tỉnh Cà Mau là địa phương có diện tích ngập lên tới gần 80%, tiếp đến là các tỉnh: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang có tỉ lệ ngập cao trên 50 - 75 %.

Ngập lụt gia tăng sẽ dẫn đến cung cấp nước sạch chỉ đảm bảo được cho 60 - 65% dân số đô thị và tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều đối với nông thôn. Bên cạnh đó, nguồn nước để cấp nước ở các khu vực nông thôn cũng phải đối mặt với hai vấn đề lớn là xâm nhập mặn và ô nhiễm.

Bộ TN-MT cho biết, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nền địa hình thấp nhất trên cả nước, nguy cơ ngập vì nước nước biển dâng do biến đổi khí hậu có thể gia tăng do cộng hưởng của các yếu tố khác như nâng hạ địa chất, thay đổi địa hình, sụt lún, thủy triều, nước dâng do bão.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu mới cập nhật, nguyên nhân tự nhiện gây ngập nhiều diện tích tại đồng bằng sông Cửu Long gồm dịch chuyển các mảng kiến tạo, quá trình nén chặt của các lớp trầm tích trẻ, hoạt động tân kiến tạo, quá trình bóc mòn, bồi tụ bề mặt địa hình… Nhóm nguyên nhân do con người tác động như khai thác nước ngầm quá mức, quá trình đô thị hóa tăng tải trọng trên nền đất yếu, rung động do các hoạt động giao thông.

Cần chủ động ứng phó thích hợp

Theo kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật năm 2020, rừng ngập mặn ở tỉnh Cà Mau có nguy cơ ngập nếu nước biển dâng lên 1 mét

lê quân

Bộ TN-MT đánh giá, thách thức lớn nhất mà đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt là từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở phía thượng nguồn sông Mê Công và nội tại của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức, sự gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa.

Bên cạnh đó, kịch bản biến đổi khí hậu mới cập nhật đã đưa ra dự tính các mức thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, các hiện tượng cực đoan trên cơ sở các kịch bản phát thải, thấp, vừa, cao. Trên cơ sở này, các nhà hoạch định chính sách thấy rõ những nguy cơ, rủi ro gây ra do biến đổi khí hậu tương ứng với các mức độ đầu tư phát triển để đưa ra những quyết sách phù hợp, hoặc đưa ra những giải pháp phù hợp.

Đồng thời, việc phát triển hệ bờ bao, khu dân cư vượt lũ… cũng làm giảm không gian chứa lũ, thoát lũ làm gia tăng nguy cơ ngập, lụt ở nhiều khu vực. Diện tích chứa lũ giảm trong khi mực nước biển dâng sẽ làm tăng mực nước lũ ở khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian dài. Tại các khu vực trung và hạ lưu, do phát triển công nghiệp và đô thị hóa cao, diện tích chứa lũ giảm và nước biển dâng cũng làm tăng nguy cơ ngập.

Những vấn đề về xung đột giữa nhu cầu nước ngọt cho nông nghiệp và nhu cầu nước mặn, nước lợ để nuôi tôm đang diễn ra ở nhiều nơi. Việc phát triển hạ tầng chống lũ, thủy lợi, giao thông đô thị, khu công nghiệp… đã làm biến đổi sâu sắc chế độ lũ như vốn có trước đây.

Theo Bộ TN-MT, từ thực trạng nêu ra trong kịch bản thì những khu vực có nguy cơ ngập cao trong kịch bản biến đổi khí hậu cần được nghiên cứu kĩ lưỡng để định hướng rõ trong đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước; cải tạo và chống lấn chiếm thu hẹp hồ ao, sông, kênh trong đô thị; nạo vét khơi thông dòng chảy; xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê bao, đê xung yếu, đường ven biển, bờ ngăn chống lũ. Mỗi cá nhân, tổ chức cần có phương án kế hoạch thích ứng cụ thể, giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo từng thời kỳ rõ ràng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.