Gần đến giờ G, SIM rác lừa đảo vẫn hoành hành

05/04/2024 06:36 GMT+7

"Xin chào anh T., em bên công ty chứng khoán K., liên hệ để tư vấn cho anh đầu tư, cam kết ngày nào cũng có lãi"... Mỗi ngày trôi qua, những cuộc gọi điện thoại mời chào, dẫn dụ, lừa đảo vẫn liên tục làm phiền người dùng.

Bùng nổ lừa đảo từ SIM rác

Chiều 4.4, anh T.M.Đ (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đang làm việc thì bỗng có số điện thoại lạ gọi đến. Bên kia đầu dây là nữ, xưng tên Thúy An, tự giới thiệu đến từ công ty chứng khoán B. Trao đổi qua điện thoại, Thúy An mời gọi anh Đ. tham gia đầu tư chứng khoán với mức lãi suất mỗi ngày 0,7%. 

"Công ty của em sẽ có hợp đồng cam kết cho anh ngày nào cũng lãi, nếu không đúng thì bên em sẽ bồi thường, đền bù cho anh. Anh có thể tìm hiểu thông tin đầy đủ, đến trụ sở công ty của em cho biết", Thúy An nói. Anh Đ. đồng ý kết bạn Zalo để nhận thêm các thông tin mà Thúy An gửi. Tuy nhiên, khi anh Đ. hỏi về mẫu hợp đồng thì nhân viên này từ chối với lý do bộ phận pháp lý đang chỉnh sửa một số nội dung. Thấy đáng ngờ, anh Đ. quyết định không tham gia vì trước đó đã có nhiều trường hợp bị lừa.

Gần đến giờ G, SIM rác lừa đảo vẫn hoành hành- Ảnh 1.

Các nhà mạng phải chuẩn hóa thông tin thuê bao, loại bỏ hoàn toàn SIM rác trước ngày 15.4

NHẬT THỊNH

Tương tự, chị N.K (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết hết sức phiền phức, bực bội khi thường xuyên gặp những cuộc gọi bất chợt chào mời tham gia đầu tư chứng khoán. "Tôi không có nhu cầu tham gia bất cứ sàn giao dịch nào nên từ chối, tắt máy ngay lập tức, các đối tượng này không có cơ hội để thực hiện ý đồ tiếp cận tôi. Tuy nhiên, những cuộc gọi như vậy gây cho tôi rất nhiều phiền phức khi tôi đang tập trung cho công việc. Hiện nay các cơ quan quản lý đang triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn SIM rác, cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo, nhưng không hiểu sao tình trạng này vẫn diễn ra càng lúc càng nhiều hơn", chị N.K bức xúc nói.

Ngay chính PV Thanh Niên khi thực hiện bài viết này cũng nhiều lần nhận được các cuộc gọi lừa đảo bằng hình thức hăm dọa rằng có người giả mạo thông tin để gửi hàng cấm ra nước ngoài, phải liên hệ công an để trình báo và chứng minh vô can.

Một lần khác, PV nghe cuộc gọi từ số điện thoại rác, chào mời tham gia làm cộng tác viên tăng lượng tương tác trên các nền tảng giải trí trực tuyến của Công ty Đông Tây Promotion, với mức thù lao 10.000 đồng/lượt xem video clip và không giới hạn số lượt xem trong ngày. Khi PV liên hệ Đông Tây Promotion, đại diện công ty này cho biết không hề có chương trình tuyển dụng nào như vậy; đồng thời khẳng định đây là hình thức mạo danh để lừa đảo.

Gần đến giờ G, SIM rác lừa đảo vẫn hoành hành- Ảnh 2.

Hàng loạt trường hợp bị lừa đảo bắt nguồn từ những cuộc điện thoại chào mời dịch vụ

QUANG THUẦN

Đối với các cuộc gọi chào mời tham gia đầu tư chứng khoán, đại diện cơ quan công an khẳng định đây là hình thức lừa đảo. Các đối tượng thông qua mạng viễn thông, mạng internet thực hiện nhiều cuộc gọi, tự nhận là nhân viên các công ty chứng khoán và mời người dân tham gia các nhóm chat. Các đối tượng tìm thông tin những doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc cổ phiếu cho người lao động khiến nhà đầu tư tin tưởng và mời chào mua lại suất của cán bộ, công nhân viên với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. 

Để nhận các ưu đãi, nạn nhân được hướng dẫn truy cập vào các đường link website hoặc cài các ứng dụng (app) trên thiết bị di động do đối tượng cung cấp, thường có tên giống với một số công ty đầu tư chứng khoán, một số quỹ đầu tư có danh tiếng. Nạn nhân được hứa hẹn lãi suất cao khi đầu tư, nếu đầu tư thua lỗ thì các quỹ đầu tư sẽ bù thiệt hại và giá mua các mã cổ phiếu thông qua kênh của quỹ đầu tư thấp hơn từ 15 - 30% so với giá đang giao dịch trên các sàn chứng khoán.

Trong một vài phiên giao dịch đầu, bằng thủ đoạn tạo các giao dịch ảo trên website và ứng dụng do các đối tượng cung cấp, khi nạn nhân có một khoản tiền nạp vào ứng dụng để tiến hành giao dịch, tài khoản liên tục có lợi nhuận, thậm chí gấp nhiều lần số tiền đã nạp vào tài khoản; tuy nhiên khi muốn rút tiền thì ứng dụng báo lỗi hoặc báo chưa đủ hạn mức đối ứng của quỹ.

Các đối tượng tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc nạn nhân chuyển thêm tiền vào tài khoản của chúng để được rút tiền ra. Khi thấy các nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng vô hiệu hóa tài khoản của nạn nhân nhằm chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã nạp.

Sắp tới hạn chót, vì sao SIM rác vẫn còn ?

Cách đây nửa tháng, Bộ TT-TT đã ra "tối hậu thư" yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai, xử lý xong tất cả các SIM tồn kênh chuyển về SIM không có thông tin thuê bao (có hoặc không có gói cước), đảm bảo SIM thuê bao phải chính xác, đúng quy định, trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chỉ có thể kích hoạt, phát triển mới bởi chính các nhà mạng. 

Trước ngày 15.4.2024, các SIM đang khóa 1 chiều, có dấu hiệu kích hoạt sẵn phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao. Sau thời điểm 15.4, các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được bán ra không đúng quy định. Trường hợp phát hiện các vi phạm như SIM tồn kênh có sẵn thông tin thuê bao thì Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm với mức xử phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc kỷ luật người đứng đầu của doanh nghiệp vi phạm.

Các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi và luôn biến tướng các hình thức khác nhau. Nếu chỉ dồn trách nhiệm cho các nhà mạng thì có lẽ chưa chính xác.

Đại diện một nhà mạng

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 4.4, đại diện một nhà mạng cho biết hiện các nhà mạng vẫn đang nỗ lực để triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ TT-TT, tuy nhiên kết quả có thể không nhanh như mong đợi và thị trường khó có thể chấm dứt được tình trạng cuộc gọi lừa đảo.

"Các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi và luôn biến tướng các hình thức khác nhau. Nếu chỉ dồn trách nhiệm cho các nhà mạng thì có lẽ chưa chính xác. Có những trường hợp kẻ lừa đảo dùng SIM rác kích hoạt sẵn, nhưng cũng có thể dùng SIM đã được đăng ký thông tin chính chủ. Có khi đối tượng không dùng SIM di động mà gọi số cố định, hoặc dùng các ứng dụng OTT. Nhà mạng không biết đâu mà chặn các SIM lừa đảo, hiện nay chúng tôi cũng tạo các kênh báo cáo miễn phí những số điện thoại quấy rối hoặc quảng cáo rác, khi thu thập đủ lượt báo cáo thì nhà mạng sẽ thực hiện việc khóa SIM. Đây chính là cơ sở cụ thể để xử lý, còn để dẹp được nạn lừa đảo qua điện thoại thì cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cũng như nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân", đại diện nhà mạng này chia sẻ. 

Cơ quan công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên nghe và làm theo lời dụ dỗ về việc đầu tư tài chính trên không gian mạng, nhất là khi bản thân không có kiến thức về tài chính và chứng khoán. Khi gặp trường hợp như trên, phải nhanh chóng thông tin, tố giác với cơ quan công an gần nhất để điều tra, xử lý theo quy định.

Trao đổi với Thanh Niên chiều 4.4, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), khẳng định: "Lần này Cục sẽ làm rất cương quyết, dứt khoát để dẹp SIM rác, từ đó hạn chế tình trạng lừa đảo. Bây giờ chưa tới "deadline" nên Cục chưa thực hiện các bước tiếp theo, nếu sau ngày 15.4 trên thị trường còn xuất hiện điểm bán SIM rác thì chúng tôi sẽ xử lý mạnh tay, dù phát hiện một vài SIM rác thôi, Cục cũng sẽ xử lý".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.