Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm cho người nghèo

12/12/2022 17:15 GMT+7

Hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo , gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), các chương trình mục tiêu quốc gia của các giai đoạn trước cũng có những nội dung liên quan đến đào tạo nghề. Trong Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn cũng xác định, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo là một trong những chỉ tiêu quan trọng.

Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, trong giai đoạn từ 2010 - 2020, đã có gần 20% người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề và có việc làm. Trong đó có trên 10% tổng số hộ nghèo khi được đào tạo nghề có việc làm, có thu nhập ổn định và giảm nghèo một cách bền vững.

Trong giai đoạn từ 2010 - 2020, đã có gần 20% người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề và có việc làm

N.T

“Khi chúng tôi khảo sát ở các vùng nông thôn, các huyện nghèo, đã có rất nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, vừa là việc làm tại chỗ, vừa là việc làm chuyển dịch cho người lao động thành công", ông Độ nói.

Ông Độ cho biết thêm, việc đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng giúp người lao động ở các huyện nghèo để đi làm việc ở nước ngoài cũng cho hiệu quả rất tốt, tạo ra sức bật để người lao động khi trở về có vốn, có kiến thức, thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh. Điều này không chỉ tác động với hộ gia đình đó, mà sẽ có tác động lan tỏa đến cả một cộng đồng.

Theo ông Đào Trọng Độ, trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững.

Đó là tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đây là điểm căn cơ nhằm giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như: thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

“Trước đây, việc đào tạo với đối tượng nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chủ yếu chỉ hướng đến đào tạo kỹ năng cơ bản, tức là đào tạo trình độ sơ cấp hay đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng. Chương trình lần này đã khác, ngoài thiết kế những hỗ trợ cho đối tượng lao động đó thì phải hỗ trợ đào tạo trình độ cao. Người lao động được đào tạo trung cấp, cao đẳng để họ có được kỹ năng cao, có năng suất, việc làm tốt hơn”, ông Độ nói.

Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm

Ông Đào Trọng Độ nhìn nhận, trong lĩnh vực đào tạo nghề, các vùng nghèo có những hạn chế nhất định. Đó là ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp hơn, ít được quan tâm hơn, khó thu hút người giỏi về dạy, cơ sở vật chất lạc hậu hơn, đi lại khó khăn hơn.

Vì vậy, Nhà nước phải có chính sách đầu tư trọng tâm vào vùng đó để thúc đẩy đào tạo, đào tạo kỹ năng, thúc đẩy khả năng, điều kiện tiếp cận tốt hơn cho người lao động ở những vùng đó.

Phải đưa các chương trình đầu tư tốt hơn về những vùng đó, để người nghèo và các đối tượng yếu thế dễ tiếp cận nhất, nhằm nâng cao điều kiện, chất lượng nhân lực; đồng thời, tạo ra cú huých, vừa nâng cao chất lượng nhân lực, vừa giúp giải quyết các vấn đề khác.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hoàng Hà, cán bộ Chương trình quốc gia, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng đầu tư nguồn ngân sách của nhà nước cần có trọng điểm, có đối tượng đích rõ rệt và tạo ra động lực phát triển cho các địa phương, bản thân người lao động và người nghèo.

Các trường nghề được tạo điều kiện để phát triển và có cả phần hỗ trợ cho chủ thể là người lao động. Chương trình chú trọng cả đối tượng được thụ hưởng, để họ làm việc có kỹ năng tốt, chủ động tham gia vào tiến trình này, tối ưu nguồn đầu tư của nhà nước.

Ông Hà đề nghị: “Mục tiêu trong ngắn hạn và trung hạn là giúp người nghèo tham gia quá trình học tập về kỹ năng, học các lớp về giáo dục nghề nghiệp để họ có thể tham gia thị trường lao động".

Về dài hạn, cần có hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, công bằng, bảo đảm cho mọi đối tượng, mọi thành phần đều được hưởng lợi từ quá trình đó. Chính sách đầu tư của nhà nước bảo đảm tính cân bằng, không chỉ vùng khó khăn, vùng nghèo, vùng miền núi… mà là tất cả các địa phương, các khu vực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.