Ngày 28.11, tại trường quay tòa soạn Hà Nội - Báo Thanh Niên, kênh truyền hình Báo Thanh Niên đã tổ chức cuộc tọa đàm - giao lưu trực tuyến chủ đề “Có nghề trong tay, lập thân vững chãi”. Trong phần 2 của tọa đàm, chủ đề “Nâng tầm kỹ năng nghề Việt” là nội dung được các vị khách mời tập trung thảo luận.
Nhận thức của xã hội thay đổi, quy mô tuyển sinh tăng gấp đôi
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, nhận xét, trong 3 năm gần đây, đào tạo nghề đã có nhiều đổi mới thành công. Kết quả tuyển sinh đạt gấp 2 lần giai đoạn trước đó. Phần lớn các trường nghề, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị đã thoát được tình trạng khó khăn trong tuyển sinh để bắt đầu cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng quy mô.
Tuy nhiên, đào tạo nghề đang chịu tác động ngày càng lớn của hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Các nhân tố của cuộc cách mạng này đã, đang và sẽ tác động trực tiếp, đòi hỏi các giải pháp đột phá về đào tạo nghề.
“Chúng ta cần phải đổi mới khung pháp lý, cần phải có chính sách hỗ trợ của nhà nước đến đổi mới và hội nhập quốc tế về đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề và cả nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về lộ trình học nghề và cơ hội việc làm với nhân lực nghề”, bà Lan Anh nói.
Theo bà Lan Anh, việc mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1486/QĐ-TTg lấy ngày 4.10 hằng năm là ngày “Kỹ năng lao động Việt Nam”, đã có tác động lớn trong việc khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng, trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động. Trên thực tế, gần đây, quan niệm xã hội học sinh, phụ huynh với giáo dục nghề nghiệp đã có bước chuyển biến mạnh nên số học sinh vào trường nghề phát triển.
Phải là cho doanh nghiệp thấy được lợi ích
Nhưng bà Lan Anh cũng cho rằng, những chuyển biến trên mới chỉ là kết quả ban đầu, còn để nâng kỹ năng nghề Việt lên một tầm cao mới còn là một chặng đường dài. Hệ thống các cơ sở dạy nghề của chúng ta mới chỉ phát triển trong những năm gần đây và chất lượng đào tạo còn chưa được như mong muốn. Ngay đối với lao động phổ thông, lao động giản đơn, các doanh nghiệp cũng không tuyển được.
“Theo tôi, trong đó có nguyên nhân là vùng có đông lao động lại không nối được vùng có nhu cầu. Những điều kiện xã hội để người lao động đến sống ổn định lâu dài chưa được chuẩn bị. Một nguyên nhân nữa là sự hợp tác của doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao, cụ thể là tỉ lệ hợp tác của doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ chiếm 9,1%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, cơ chế lợi ích khi tham gia đào tạo nghề nghiệp. Để giải quyết các vấn đề này, chúng ta cần có một chính sách thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp đồng bộ và hiệu quả”, bà Lan Anh nói.
Bà Lan Anh cũng cho biết, theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2019, chỉ có 29% doanh nghiệp FDI và 27% doanh nghiệp dân doanh Việt Nam đánh giá trình độ người lao động Việt Nam tại địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động là hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Báo cáo cũng đưa ra dự báo 70% số việc làm Việt Nam đứng trước nguy cơ thay thế bởi tự động hóa, mức cao hơn so với các nước láng giềng Đông Á và kể cả Đông Nam Á. Người lao động không có kỹ năng, mới học hết tiểu học hay trung học sẽ là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao nhất. Nhưng báo cáo cũng cho thấy, doanh nghiệp rất quan tâm đến việc nâng cao trình độ lao động của doanh nghiệp. Đây là căn cứ để nhóm nghiên cứu PCI đã đưa ra khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam cần tăng cường các nỗ lực để phát huy các thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực giáo dục và quan hệ lao động.
“Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và dạy nghề nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp sẽ là một giải pháp giúp giảm nhu cầu tự động hóa hiện nay của các doanh nghiệp, đồng thời trang bị cho người lao động Việt Nam các kỹ năng tốt hơn để tiếp cận các công việc có thu nhập cao hơn, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Việc dự báo những công việc gì sẽ xuất hiện do quá trình tự động hóa là một công việc cực kỳ khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, do đó điều quan trọng cần làm là tập trung phát triển hệ thống giáo dục đào tạo có thể trang bị kỹ năng nghề cho người lao động”, bà Lan Anh góp ý.
Bình luận (0)