Nghề do má chồng truyền lại
Trở về ấp Vĩnh Bắc, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre chúng tôi tìm gặp cô Đoàn Thị Bé. Người đã có thâm niên gần 45 năm với tay nghề gói bánh ở vùng này. Bánh dừa của gia đình cô đã cùng nhiều hộ dân khác gầy dựng nên thương hiệu chiếc bánh dừa Giồng Luông nức tiếng miền Tây .
‘’Tôi cũng không biết chiếc bánh dừa ra đời từ lúc nào, nhưng hồi đó má của má chồng tôi truyền lại. Sau đó khi tôi về làm dâu được nối nghiệp từ má chồng cho đến bây giờ. Tính từ lúc đó cho đến giờ này cũng gần 45 năm tôi theo nghề rồi’’, cô Đoàn Thị Bé chia sẻ.
Cờ bắp (phần đọt non của cây dừa nước) được cô mua với giá từ 2.000 - 3.000 đồng để về chẻ ra từng lá nhỏ để quấn nòng |
Mỗi ngày công việc của cô bắt đầu từ lúc 1 giờ sáng để gói bánh. Khoảng 3 giờ sáng cùng ngày thì cho bánh vào nồi để luộc trong 6 giờ tiếp theo. Trong lúc chờ bánh chín thì cô tranh thủ quấn nòng (gói) bánh từ cờ bắp.
Bánh dừa được làm nguyên liệu chủ yếu từ nếp. Ngoài ra nhân bánh thì đa dạng từ nhân chuối, đậu đen cho đến nhân đậu xanh nấu nhừ. ‘’Cứ 1 ký nếp tôi làm ra 30 chiếc bánh dừa. Nếp dùng gói bánh phải để sống mà rưới nước cốt dừa lên. Vì khi xào nếp sẽ bị dẻo rất khó bỏ vào nòng bánh và gói lại’’, cô tiếp lời.
Dây lạt được lấy từ cờ bắp và mang đi phơi khoảng 2 nắng trước khi sử dụng để cột bánh |
Mỗi công đoạn để làm ra một chiếc bánh ngon rất cần nhiều sự tỉ mẩn. Đầu tiên là ngâm nếp khoảng 3 giờ đồng hồ. Sau đó vớt ra để ráo và trộn muối, rưới nước cốt có kèm chút bã cơm dừa. Nếu chọn nhân đậu thì phải nấu cho mềm. Còn chọn nhân chuối thì phải ướp muối và đường để cho nhân bánh được thấm gia vị.
‘’Mọi bước phải theo quy trình chuẩn mà tôi học được từ má chồng và giữ cho đến bây giờ. Cứ bỏ lớp nếp vào nòng bánh tiếp theo cho nhân rồi lại tiếp tục cho nếp lên trên cùng. Riêng phần bẻ đầu bánh làm sao cho thật cứng cáp nếu không khi bỏ vào nồi luộc nước sẽ thấm vào bên trong và làm bánh bị hư hoặc bị nhảo ’’, cô nói.
Gia đình ưu tiên sử dụng bẹ dừa để làm chất đốt cho nồi bánh |
Sau khi canh đủ lửa và bánh chín thì chồng cô sẽ dùng một thanh sắt kéo từng chiếc bánh ra khỏi nồi luộc. Kế bên là một thau nước lạnh để rửa bánh vừa vớt ra cho sạch. Tiếp theo là mang lên bàn để cột chụm lại thành một chục (12 cái) và để ráo trước khi mang đi bán hay bỏ mối ngoài chợ quê.
‘’Đưa chiếc bánh dừa ra khỏi lũy tre làng’’
Mỗi ngày có nhiều bạn hàng đến lấy bánh về bán lại. Nhưng cô còn tranh thủ tự mình mang bánh ra bến phà Phú Khánh gần đó để bán cho khách qua đường. Cả gia đình cô gồm 4 người có ngày rất tất bật để làm gần 2.000 chiếc bánh dừa mới đủ giao đi khắp nơi.
Nồi luộc bánh được gia đình đặt riêng, làm từ 2 cái nồi chụp vào nhau để giữ hơi nóng tốt nhất có thể |
‘’Tôi bỏ mối ngoài chợ Giồng Luông, có khi bạn hàng đến lấy. Nhiều nơi ăn thấy thích nên nhiều khi bánh còn giao xe mang lên tới TP.HCM và cả Bình Dương. Có nhiều năm người đi làm ăn xa về quê đặt bánh của tôi để mang ra cả nước ngoài’’, cô chia sẻ.
Còn anh Ngô Phước Bình ở TP. HCM chia sẻ cứ đi ngoài đường thấy người ta rao bán bánh dừa Bến Tre nên mua về ăn cũng thấy rất ngon. Nhưng nếu có dịp thì anh muốn được xuống tận Bến Tre để thử chính gốc chiếc bánh dừa Giồng Luông vừa béo vừa dẻo.
Sau khi vớt ra từ nồi, bánh được chụm lại thành 12 cái vô một chùm. |
‘’Cách đây vài năm tôi có về Bến Tre và được thưởng thức bánh dừa. Hương vị của bánh hoàn toàn xa lạ bởi vì quê tôi không có loại bánh này. Tôi nhớ mãi là bánh rất dẻo và thơm béo mùi nước cốt dừa, khi ăn vào cảm thấy rất ngon miệng’’, bạn Quỳnh ở Nghệ An chia sẻ.
Bánh dừa Giồng Luông là món quà đặc sản cho nhiều du khách khi đến Bến Tre |
Bình luận (0)