Dự án nhà ở thương mại, khu đô thị không bắt buộc dành đất làm nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng mới đây đã trình dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp (Nghị quyết) để Quốc hội xem xét phê duyệt. Trong đó gắn trách nhiệm bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho UBND cấp tỉnh.
Trong dự thảo Nghị quyết, Bộ Xây dựng đề xuất, khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.
Đối với khu vực nông thôn, UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội phải bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực nơi có dự án và phù hợp với nhu cầu sinh sống, làm việc của các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
UBND cấp tỉnh phải báo cáo từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú công nhân trên địa bàn.
Một điểm khác nữa so với quy định hiện hành được Bộ Xây dựng đề xuất là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không bắt buộc phải dành diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.
Vì sao quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thiếu?
Lý giải cho việc đề xuất nêu trên, Bộ Xây dựng cho biết, việc bắt buộc tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (tỷ lệ 20 % theo quy định của Chính phủ) chưa phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, quy định này dẫn đến việc hầu hết các địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; hầu như không bố trí các quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, việc yêu cầu tất cả các dự án phải dành quỹ đất nhà ở xã hội mà không căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị; điều kiện kinh tế - địa lý của từng vùng, miền, địa phương... có thể dẫn đến tình trạng quỹ đất này không được đưa vào đầu tư, gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực đất đai.
Một số địa phương dù là đô thị loại 2, loại 3, thậm chí là đô thị loại 1 như Hải Phòng, Cần Thơ… nhưng trên địa bàn còn quỹ đất dồi dào, giá đất nền thấp, người dân chưa có thói quen ở nhà chung cư, chưa có nhu cầu cấp thiết về nhà ở xã hội… dẫn tới tình trạng các dự án phải dành quỹ đất nhà ở xã hội nhưng không đưa vào sử dụng, làm lãng phí nguồn lực đất đai.
Một số dự án có tính chất đặc thù: về kiến trúc cảnh quan, địa hình phức tạp (đồi núi, ven biển); các dự án nhà ở thương mại cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng... nếu bố trí nhà ở xã hội trong dự án không những có thể phá vỡ quy hoạch, kiến trúc mà còn có nguy cơ không đạt được mục tiêu đầu tư của dự án...
Bên cạnh đó, trường hợp người thu nhập thấp vào ở trong các căn hộ nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại cao cấp, siêu cao cấp cũng là không phù hợp với thu nhập của họ.
Theo Bộ Xây dựng, với những bất cập nêu trên khiến quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua còn thiếu rất nhiều. Tổng hợp báo cáo của 60/63 địa phương, đến năm 2020, tổng diện tích đất ở đã bố trí để phát triển nhà ở xã hội là gần 3.360 ha, chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu đến năm 2020.
Bình luận (0)