Đáng tiếc là người tiêu dùng khó có thể cảm nhận được sự sẻ chia ý nghĩa này bởi cũng từ tuần trước, thị trường đã và đang thiết lập một mặt bằng mới cao hơn do tác động của giá xăng dầu đắt đỏ nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.
Giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh. Tại các tỉnh miền Trung và Phú Quốc, dù đang là thời gian đẹp nhất của mùa đánh bắt hải sản, nhưng những ngày này hàng ngàn tàu cá đành nằm bờ vì giá xăng dầu quá đắt. Chiếm tới gần 50% chi phí đánh bắt, với giá nhiên liệu hiện nay, ra khơi là cầm chắc lỗ nên ngư dân cực chẳng đã phải neo tàu nằm nhà.
Trên bờ, các công ty vận tải cũng đứng ngồi không yên, những hợp đồng đã ký với đơn giá cũ cầm chắc lỗ. Còn hợp đồng mới thì buộc phải tăng giá. Nhưng tăng giá ở thời điểm hiện nay không đơn giản, có khi lại mất khách. Doanh nghiệp (DN) sản xuất thì than trời vì “khó khăn kép” sau khi vận hành trở lại. Đầu tiên là giá nguyên vật liệu tăng mạnh, sau là lương nhân công và giờ là chi phí vận chuyển tăng mạnh. Co kéo thế nào thì cũng phải đổ lên giá thành sản phẩm và người gánh cuối cùng chính là người tiêu dùng.
Thực ra từ tuần trước, giá thực phẩm, rau củ quả trên thị trường đã tăng mạnh. Đến hôm qua, giá gas tăng lần thứ 9 liên tiếp và đang ở mức chưa từng có, vượt 500.000 đồng/bình 12 kg. Một mặt bằng giá mới đã thiết lập ở mức cao trong khi thu nhập của người dân giảm mạnh do dịch bệnh. Trong bối cảnh này, chính sách giảm 30% thuế VAT thực sự không thấm tháp gì. Giảm thì ít mà tăng thì quá mạnh nên thực sự người dân khó cảm nhận được sự chia sẻ ý nghĩa này.
Không chỉ vậy, nó còn cho thấy đang có sự thiếu phối hợp nhịp nhàng trong điều hành chính sách. Từ ngày 1.11, chúng ta giảm nhiều loại thuế để hỗ trợ người dân, DN khó khăn vì đại dịch nhưng cũng chính thời điểm đó, chúng ta đã để giá xăng dầu tăng quá mạnh khiến hàng hóa đắt đỏ trong khi hoàn toàn có thể giảm thuế để giữ giá mặt hàng này ở mức hợp lý hơn. Như Báo Thanh Niên đã có nhiều bài phân tích, vẫn biết ngân sách đang căng thẳng nhưng đây là giai đoạn hết sức quan trọng, giai đoạn phục hồi kinh tế. Thế nên, mọi điều hành của cơ quan quản lý thiết nghĩ đều phải tập trung nhất quán vào mục tiêu làm sao để DN hoạt động hiệu quả nhất, người dân có thu nhập tốt nhất. Vì chỉ có thu nhập tốt, hàng hóa rẻ thì họ mới chi tiêu, từ đó mới có thể kích cầu tiêu dùng, từ kích cầu chuyển sang kích cung, đưa nền kinh tế trở lại đường ray tăng trưởng sau một quý sụt giảm vì giãn cách xã hội.
Còn chúng ta giảm thuế này nhưng lại để giá mặt hàng thiết yếu tăng thì chẳng khác nào trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Chính sách không phát huy tối đa hiệu quả, hàng hóa vẫn đắt đỏ, DN và người dân vẫn khó và nguy cơ ảnh hưởng tới mục tiêu lớn nhất là phục hồi kinh tế khi mở cửa trở lại.
Bình luận (0)