Giá gạo ST đạt mức cao lịch sử, vì sao?
"Giá gạo ST cao lắm", "gạo ST giá cao kỷ lục", "cả tháng nay giá gạo ST lên cơn sốt"… là câu trả lời của hàng loạt doanh nghiệp (DN) từ TP.HCM đến các tỉnh, thành ĐBSCL với PV Thanh Niên chiều 8.10.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice, cho biết: Giá dòng gạo ST, đặc biệt là ST25 đã tăng tới 5.000 đồng/kg so với tháng trước và đang ở mức rất cao. Giá gạo nguyên liệu hiện tại đang ở mức 25.000 - 26.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu thị trường lại rất cao kể cả nội địa và xuất khẩu.
Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết: Đầu năm nay, giá gạo ST25 xuất khẩu chỉ khoảng 750 - 800 USD/tấn thì hiện tại đã lên tới 1.300 USD/tấn. Đây là mức giá cao chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu của ngành gạo VN. Có nhiều thị trường nhập khẩu loại gạo này nhưng tiêu thụ mạnh nhất vẫn là Trung Quốc, đặc biệt là Hồng Kông (Trung Quốc). Không chỉ xuất khẩu mà nội địa cũng tiêu thụ rất mạnh, giá gạo chất lượng cao khoảng 35.000 đồng/kg. Bên cạnh dòng ST thì các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của VN cũng đang được tiêu thụ mạnh ở các thị trường Hồng Kông, Singapore, Philippines, Trung Đông và cả một số nước châu Phi với giá tốt. Cụ thể như gạo jasmine giá 740 - 750 USD/tấn hay Đài Thơm 8 (ĐT8) giá 670 USD/tấn. "Hiện nay sản lượng của chúng ta không có nhiều trong khi nhu cầu của thị trường đang tăng. Các dòng sản phẩm này không cùng phân khúc với gạo trắng Ấn Độ nên không bị tác động khi họ mở kho", ông Trọng nói.
Tại TP.Cần Thơ, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đồng thời là thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lương thực VN (VFA), xác nhận: Dòng gạo ST giá đang ở mức rất cao, phổ biến quanh mốc 1.000 USD/tấn. Các dòng gạo thơm, gạo chất lượng cao cũng từ 600 - 700 USD/tấn. Các sản phẩm này vẫn xuất khẩu tốt và không bị ảnh hưởng bởi lệnh "mở kho" của Ấn Độ.
Tại Vĩnh Long, cơn sốt giá gạo ST cũng lên hằng ngày. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV, cho biết: Giá gạo ST loại chất lượng xấu hôm nay cũng đã 29.000 đồng/kg. Loại tốt phổ biến từ 30.000 - 31.000 đồng/kg; tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg so với 2 tuần trước. "Thị trường Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo ST, nhưng hiện tại thị trường nội địa tiêu thụ rất mạnh nên chúng tôi không có hàng để xuất, tập trung cho thị trường nội địa", ông Thành nói.
Theo ông Thành, do mưa bão kéo dài ảnh hưởng đến nguồn cung gạo ST chất lượng cao. Gạo ST từ khi thu hoạch đến khi đưa về nhà máy sấy, chế biến phải bảo đảm trong thời gian tối đa là 8 tiếng đồng hồ. Nếu ngoài khoảng thời gian ấy gạo không đạt chất lượng và nếu gặp mưa gạo sẽ bị mùi, vị chua nên càng không đạt yêu cầu. Trong thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ gạo ST tăng trong khi mưa bão khiến nguồn cung bị ảnh hưởng mạnh.
Ấn Độ khiến giá gạo thế giới lao dốc, VN vẫn đỉnh bảng
Các DN gạo VN cho biết ngay sau khi Ấn Độ tuyên bố mở kho, theo xu hướng thế giới giá gạo trắng 5% tấm của VN cũng giảm.
Tính đến ngày 8.10, giá gạo thế giới vẫn lao dốc trong khi đó gạo VN đã lấy lại "phong độ"; gạo 5% tấm phổ biến 555 - 560 USD/tấn. "Giá gạo VN lấy lại cân bằng nhanh chóng chỉ sau một tuần do nguồn cung của VN hạn chế. Khách hàng lớn là Philippines vẫn tiếp tục nhập khẩu cho nhu cầu tiêu thụ mùa Giáng sinh và dịp cuối năm. Bên cạnh đó, gần đây Philippines liên tiếp bị ảnh hưởng nặng nề của bão nên sản lượng thu hoạch giảm", ông Nguyễn Vĩnh Trọng phân tích.
Còn ông Phan Văn Có bổ sung: "Các nước có lượng hàng tồn kho nhiều nên bây giờ phải tranh thủ bán ra nên giá giảm. Còn VN không có tồn kho nên giá vẫn ở mức cao từ 560 - 570 USD/tấn gạo 5% tấm. Gạo của Ấn Độ cùng phân khúc với Pakistan nên họ cạnh tranh với nhau rất gay gắt. Bên cạnh đó, Pakistan cũng như Thái Lan hay Myanmar cũng vào đợt thu hoạch vụ mới tương tự như vụ kharif của Ấn Độ nên chịu áp lực giảm giá để tăng cung".
Các chuyên gia thị trường cũng có chung nhận định Pakistan là nước bị tác động mạnh nhất khi Ấn Độ mở kho gạo vì sản phẩm của 2 quốc gia này cùng phân khúc và có thị trường tiêu thụ tương tự nhau. Theo cập nhật giá cả từ Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) và dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cũng phản ánh thực tế trên. Cụ thể, ngày 7.10, giá gạo 5% tấm của Thái Lan và Pakistan đồng loạt giảm thêm 15 USD xuống mức lần lượt là 500 và 493 USD/tấn. Đối với gạo 5% tấm của Thái Lan, mức giá hiện tại thấp hơn khoảng 60 USD so với trước khi Ấn Độ mở kho và là mức thấp nhất kể từ tháng 6.2023. Còn với gạo 5% của Pakistan, mức giá hiện tại sát với giá sàn là 490 USD mà Ấn Độ công bố. Trong khi đó, giá gạo Ấn Độ tăng 2 USD lên mức 492 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo về đích sớm
Bộ NN-PTNT cho biết: Chỉ trong 9 tháng, xuất khẩu gạo của VN đã vượt 7 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch đạt gần 4,4 tỉ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 624 USD/tấn, tăng 13%. Xét về lượng và kim ngạch, đây đều là mức cao hơn so với trung bình nhiều năm và hiện chỉ thấp hơn con số kỷ lục của năm 2023.
Số lượng lúa đã thu hoạch của VN trong 9 tháng qua khoảng 33 triệu tấn trong tổng số sản lượng ước tính của cả năm 2024 là 43 triệu tấn.
Người Philippines gọi VN là "suki" - người bán đáng tin cậy
Các quan chức và chuyên gia Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và cũng là khách mua gạo số 1 của VN, cho biết "VN vẫn sẽ là nguồn cung gạo số 1 tại thị trường này bất chấp việc Ấn Độ mở kho gạo".
Trả lời báo chí Philippines, cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp nước này Fermin D. Adriano cho biết: "Ấn Độ mở kho sẽ khiến giá gạo VN có thể được kéo xuống một chút. Tuy nhiên, VN vẫn sẽ là nhà cung cấp gạo hàng đầu của Philippines. Do đầu năm nay 2 chính phủ đã ký thỏa thuận thương mại gạo, theo đó VN bảo đảm nguồn cung gạo cho Philippines từ 1,5 - 2 triệu tấn gạo hằng năm trong thời gian 5 năm tới. Bên cạnh đó, về mặt thương mại các thương nhân của chúng ta sẽ nhập khẩu từ những "suki" (người bán đáng tin cậy) VN. Thông thường, các thương nhân sẽ nhập khẩu gạo từ VN thay vì mua từ Ấn Độ vì họ không quen thuộc với các nhà xuất khẩu ở đó".
Tương tự, ông Raul Montemayor, thuộc Liên đoàn Nông dân tự do Philippines, nhận định: Các thương nhân gạo trong nước không "ủng hộ" gạo Ấn Độ mặc dù giá thấp hơn vì nhiều lý do như chất lượng và độ tin cậy. Trước đây, chúng ta cũng nhập khẩu gạo từ Pakistan cũng nhiều hơn so với nguồn cung từ Ấn Độ.
Mỗi năm Philippines nhập khẩu từ 3 - 4 triệu tấn gạo, theo số liệu mà các cơ quan chức năng Philippines công bố, lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm sản lượng vài chục ngàn tấn còn gạo VN chiếm tỷ lệ từ 80 - 90%.
Bình luận (0)