Năm 2023, gạo Việt lập nên kỳ tích chưa từng có trong lịch sử khi xuất khẩu đến 8,1 triệu tấn và đạt giá trị 4,8 tỉ USD, tăng 17,4% về lượng và 39,4% về giá trị so năm trước. Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân ở mức cao chưa từng có: 575 USD/tấn. Có thể nói, 2023 là năm gạo Việt được lượng, được giá và chính thức bước sang một chương mới.
Chương mới rực rỡ ngay trong quý 1/2024 khi hoạt động xuất khẩu tiếp tục lạc quan với sản lượng đạt gần 2,2 triệu tấn, tương đương kim ngạch 1,4 tỉ USD, tăng 17,6% về lượng và đến 45,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân đạt gần 654 USD/tấn, tăng 23,6% so cùng kỳ năm trước.
Thực tế ngay trong tháng 1, các doanh nghiệp (DN) trong nước đã trúng thầu cung cấp gạo cho Indonesia với số lượng lớn. Trong những đợt mở thầu tiếp theo, DN VN cũng tiếp tục đóng góp nguồn cung không nhỏ. Gần nhất là gói thầu 300.000 tấn ngày 19.4, VN tiếp tục trúng thầu với sản lượng khoảng 100.000 tấn. Song song đó, khách hàng lớn Philippines vẫn nhập hàng đều đặn với sản lượng vượt 1 triệu tấn, tăng trên 13%. Việc này góp phần giúp giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN duy trì quanh mốc 600 USD/tấn bất chấp quý 1 luôn là thời điểm giá lúa gạo rơi xuống mức thấp vì trùng với vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm - vụ đông xuân.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch vụ đông xuân 2024 trúng mùa trúng giá
Giá gạo duy trì ở mức cao tạo niềm hứng khởi cho nông dân ở vựa lúa ĐBSCL. Tại xã Tân Tuyến (H.Tri Tôn, An Giang), ông Nguyễn Thành An, gắn bó cả đời với cây lúa, chia sẻ: "Ngay sau tết, tôi đã thu hoạch hơn 50 ha lúa đông xuân sớm. Khoảng 20 ngày sau thì thu hoạch thêm hơn 100 ha khác. Đợt đầu, giá lúa còn trên 8.000 đồng/kg nhưng đợt sau lúa bắt đầu được thu hoạch rộ nên rớt xuống dưới mức 8.000 đồng/kg. So với mức đỉnh điểm hồi trước Tết Nguyên đán, tôi mất từ 1.000 - 1.500 đồng/kg lúa; nhưng cũng phải thừa nhận, đó là mức giá lý tưởng đối với người trồng lúa".
"Sau khi thu hoạch xong, tôi tranh thủ làm đất để xuống giống vụ tiếp theo là xuân hè. Đến nay lúa cũng đã được gần 1 tháng tuổi, rất tốt và chỉ khoảng 2 tháng nữa là lại đến kỳ thu hoạch. Hy vọng lúc đó giá lúa vẫn tốt như hiện tại. Bà con nông dân trồng lúa chúng tôi tiếp tục được hưởng niềm vui trúng mùa, trúng giá", ông An không giấu nổi kỳ vọng.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), nhận xét: Từ đầu tháng 4 đến nay thị trường vẫn ổn định ở mức cao nhờ hoạt động xuất khẩu thuận lợi, với đơn hàng ổn định từ 2 thị trường truyền thống là Philippines và Indonesia. Ngoài thị trường mở thầu Indonesia thì các hợp đồng thương mại vẫn có giá tốt. Hiện tại Việt Hưng chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng gạo thơm, chất lượng cao như ĐT8 hay OM5451 với mức giá từ 630 - 650 USD/tấn. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang tập trung mua gạo ST24 và ST25 cùng với gạo nếp, những sản phẩm rất được thị trường này ưa chuộng.
Công tác nghiên cứu phát triển giống mới chất lượng cao luôn được đầu tư, làm nền cho những kỳ tích của hạt gạo Việt Nam
"Thời tiết bất lợi ở nhiều nơi khiến nhu cầu gạo của thế giới vẫn ở mức cao. Chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ vẫn chưa có thay đổi và nước này đang bận rộn với kỳ bầu cử. VN, một trong những nguồn cung gạo lớn nhất thế giới, cũng cơ bản kết thúc vụ thu hoạch chính trong năm. Chính vì vậy, xu hướng giá nhiều khả năng tiếp tuy duy trì mức cao như hiện tại trong cả năm nay", ông Đôn dự báo.
Những nhận định của ông Đôn là có cơ sở vững chắc. Ngay đầu năm nay, Indonesia đã tuyên bố tăng nhập khẩu gạo thêm 1,6 triệu tấn, đưa tổng lượng gạo sẽ nhập năm 2024 lên con số kỷ lục 3,6 triệu tấn. Còn Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đây dự báo sản lượng gạo nhập khẩu của Philippines, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, sẽ tăng từ 3,9 triệu lên 4,1 triệu tấn. Bên cạnh đó, Trung Quốc với 1,4 tỉ dân sẽ sẵn sàng quay lại thị trường ngay khi có cơ hội giá tốt. Đây là cơ sở để ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), tin tưởng: "Giá gạo 5% tấm của VN năm 2024 xoay quanh mốc 600 USD/tấn và giá lúa ở thị trường nội địa khoảng 8.000 đồng/kg".
Một cơ sở quan trọng là các vựa lúa ở khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan, Campuchia đang trải qua mùa nắng nóng với mức nhiệt cao hơn trung bình 2 - 3 độ C, thậm chí là 5 độ C. Mối nguy về thời tiết tiếp tục đe dọa nguồn cung lương thực toàn cầu và củng cố vững chắc cho giá cũng như nhu cầu gạo trong năm nay.
Việt Nam liên tục trúng thầu cung cấp gạo cho thị trường Indonesia với giá rất "cạnh tranh"
Đó chính là thành tích rực rỡ nhất của gạo Việt trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2023 tới nay. Đơn cử, mặt hàng gạo tiêu chuẩn 5% tấm của VN thường xuyên đứng ở mức giá cao nhất thế giới. Như thời điểm đầu tháng 11.2023, giá gạo 5% tấm của VN lên tới 663 USD/tấn, cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Pakistan 100 USD và Thái Lan đến 105 USD. Thời điểm đó, các loại gạo thơm chất lượng cao của VN có giá khoảng trên 750 USD/tấn.
Theo các chuyên gia, ở phân khúc giá 600 - 700 USD/tấn, chất lượng gạo VN là vô đối. Điều này được chính các đối tác của chúng ta thừa nhận. Trong báo cáo tham luận tại một hội nghị lúa gạo quốc tế ở Đà Nẵng đầu tháng 3 vừa rồi, ông Chan Sokheang, Chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF), nhận xét: "Nông dân nước chúng tôi đã chuyển đổi sản xuất từ các giống lúa địa phương sang những giống lúa thơm đặc sản, nổi tiếng của VN như 5451, ST và ĐT vì hiệu quả kinh tế cao hơn". Đáng nói, Campuchia là nước từng 4 lần giành giải "Gạo ngon nhất thế giới". Hay mới đây, truyền thông Thái Lan loan tin nông dân nước này đang mở rộng diện tích trồng giống gạo thơm của VN do hiệu quả kinh tế tốt hơn, dù cơ quan chuyên môn nước này ra sức khuyến cáo.
Không chỉ nâng cao chất lượng, gạo Việt đang tiến đến chiến lược xanh hóa theo xu hướng thế giới thông qua việc triển khai "Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt: Đề án). Đề án đặt mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa khoảng 9.500 tỉ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; bên cạnh đó góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải. Để đề án được triển khai hiệu quả sẽ gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa. Trong quá trình triển khai, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các cơ chế, chính sách về đầu tư hoặc tín dụng, với mục tiêu thu hút các DN trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.
3 tháng sau khi triển khai Đề án, ngày 5.4, trên cánh đồng của xã Thạnh An (H.Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), Bộ NN-PTNT phối hợp Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), TP.Cần Thơ thực hiện nghi thức xuống giống, đánh dấu khởi động thực hiện Đề án.
Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo thế giới SS Rice News, nhận định: Đây là Đề án sản xuất lúa gạo có ý nghĩa và quy mô lớn nhất thế giới hiện nay và nhận được sự quan tâm của rất nhiều DN ngành gạo từ khắp thế giới. Rất nhiều đối tác và DN ngành gạo muốn tìm hiểu thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí tham gia Đề án. Nếu thành công sẽ là một bước tiến lớn và bài học cho nhiều nước khác và cho cả ngành lúa gạo thế giới.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã chọn Đề án là một trong những dự án trọng điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dành cho VN khoản vay 500 triệu USD trên 800 triệu USD tổng nguồn vốn cần có để triển khai thực hiện. WB cũng cam kết sẽ thu mua nguồn tín chỉ carbon từ Đề án.
Theo TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trong thời gian qua, nhờ sự đầu tư bài bản của nhà nước nên công tác nghiên cứu phát triển giống lúa đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Những giống lúa như ĐT8 hay OM5451 đang đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu gieo trồng cũng như tổng sản lượng gạo xuất khẩu của VN. Đây là yếu tố nền tảng cho sự thành công của ngành lúa gạo hiện nay. Viện cũng đang phát triển rất nhiều giống có tiềm năng để sản xuất đại trà và có tính thương mại cao. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến "nghệ thuật kinh doanh" của cộng đồng DN VN trong hoạt động xuất khẩu.
47 năm gắn bó với nền nông nghiệp nước nhà, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, nhận định: Ngành lúa gạo VN gặt hái được nhiều kỳ tích quan trọng nhờ có sự đầu tư bài bản. Nhờ vậy mà chúng ta đã tận dụng được cơ hội thị trường để gia tăng xuất khẩu, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước và bà con nông dân. "Để tận dụng được thời cơ như hiện tại là nhờ chúng ta có nguồn lực mạnh được nuôi dưỡng từ trước. Đó là chính sách phát triển cho cây lúa rất tốt và chúng ta đã tạo ra được những giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, chúng ta có lực lượng nông dân rất giỏi, thậm chí có thể nói là giỏi nhất thế giới; lực lượng DN hết sức linh hoạt... Những yếu tố đó tạo nên kỳ tích như chúng ta đã thấy trong năm 2023", GS Bửu phác họa.
Theo GS Bửu, Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp là một đề án "tham vọng lớn", thực hiện không đơn giản, nên cần phải nỗ lực vượt qua vì đó là xu hướng của sự phát triển. Để thành công, có 3 trụ cột quan trọng là môi trường sinh thái, kinh tế và sự tác động của con người. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến xu hướng tiêu dùng hiện đại. "Người tiêu dùng thế giới ngày càng quan tâm đến những vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là tiểu đường và huyết áp. Nên những yếu tố thơm, dẻo sẽ dần ít quan trọng hơn, thay vào đó là những giá trị liên quan đến phẩm chất hạt gạo như hàm lượng các chất dinh dưỡng. Là người bán, chúng ta phải nắm được thị hiếu, nhu cầu thì chắc chắn gạo Việt sẽ tiếp tục viết nên những thành công", GS Bửu lưu ý.
Bình luận (0)