Lần đầu tiên bác sĩ Phạm Thị Lý (67 tuổi, ở Hải Phòng) biết đến trái nhàu là khi bà làm nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Y Hà Nội. Lúc đó bà gặp một người con gái xứ Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Cô gái này có dáng người nhỏ nhắn, trắng trẻo, nói chuyện nhẹ nhàng, nhưng gương mặt sần sùi đến nỗi không ai muốn ở cùng. Thấy vậy, bác sĩ Lý tình nguyện ở cùng phòng với cô bạn mới.
Cùng sống xanh số 40: Tận dụng hạt trái nhàu chế biến được trà chứa Omega
Cơ duyên với trái nhàu
Trong quá trình ở chung phòng, bác sĩ Lý biết được người bạn cùng phòng bị dị ứng với mỹ phẩm và đang điều trị bằng quả nhàu khô vì nhàu có tính chất thải độc.
Mùi của trái nhàu khô khi sắc lên rất khó chịu. Nhưng ở chung với nhau, quý nhau cho nên sáng nào bác sĩ Lý cũng dậy sớm để sắc thuốc cho bạn uống. Từ chỗ sợ mùi nhàu, dần dần bà cũng không còn thấy hôi nữa.
"Đấy là lần đầu tôi bắt đầu tin vào trái nhàu", Phó giáo sư Phạm Thị Lý chia sẻ và cho biết: "Điều làm tôi tin hơn nữa, đó là cô bạn chung phòng tôi và nhóm bạn của cô đã nghiên cứu nhiều đề tài khoa học về cây nhàu". Cụ thể, cô này nghiên cứu về "Tăng cường kháng thể cho người bị ung thư vòm". Người thứ hai nghiên cứu về "Dùng nước ép trái nhàu cho uống để phục hồi tế bào gan". Người thứ ba là nghiên cứu về việc dùng trái nhàu trị xuất huyết, giảm tiểu cầu, đây là một bệnh tự miễn.
"Tôi đã cùng cô bạn tham khảo tài liệu tiếng Việt, dịch tài liệu tiếng Anh. Tôi say sưa như làm đề tài của tôi vậy. Thế rồi tôi ước ao một ngày, tôi sẽ làm được một điều gì đấy về trái nhàu", bác sĩ Lý bộc bạch.
Ra trường là tiến sĩ trẻ, vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, cộng với việc gia đình nên mãi đến năm 2007, bà mới có dịp tiếp cận lại với trái nhàu. Lúc đó bà bị huyết áp thấp, rối loạn tiền đình, đau dạ dày và được bạn bè tặng cho một thùng nước ép trái nhàu của Mỹ. Dùng được một tuần thì bà thấy ăn ngon, ngủ ngon, lên cân, dạ dày ổn định.
Tiếp đó, khi cháu của chồng bà bị lupus ban đỏ, rụng hết tóc, mặt nổi ban. Bà đã cho dùng nước trái nhàu Mỹ, 15 ngày sau tóc của cháu chồng bà mọc lại và hết ban trên mặt. "Thế là tôi càng có thêm niềm tin với trái nhàu và tôi nghĩ tại sao mình không dùng nhàu của người Việt cho người Việt?", bà Lý chia sẻ.
Vậy là bà mua nước nhàu của người Việt sản xuất để dùng và cho nhiều người dùng thử, nhưng 10 người thì chỉ có một người uống được vì mùi nó quá hôi.
Tìm được giải pháp khử mùi hôi của nhàu
"Đến năm 2021, tôi thấy người ta nuôi cấy lợi khuẩn khử được mùi. Thế là tôi bắt đầu làm và giảm mùi rất tốt, nhưng lúc này nhàu rất chua. Rất may là đề tài nghiên cứu tiến sĩ của tôi là về enzyme. Tôi mang kết quả nghiên cứu kết hợp với những điều học được từ thực tế và đã thành công. Thử nghiệm trên 30 người trong 10 ngày thì nhận được phản hồi rất tốt", bác sĩ Lý chia sẻ
Theo bác sĩ Lý, trái nhàu có khoảng 150 dưỡng chất, đủ 20 axit amin. Đặc biệt là trong trái nhàu có những chất chống oxy hóa tuyệt vời. Ngoài ra, nhàu còn có selen, coban, kẽm, vitamin, khoáng chất...
"Tại sao mình không hướng dẫn cho nhiều người làm những bài thuốc đơn giản chữa xương khớp, thiếu máu, tiểu đêm, chống táo bón… từ nước ép trái nhàu", bác sĩ Lý tâm huyết.
Tận dụng hạt nhàu làm trà
"Quá trình chế biến nước trái nhàu lên men tôi thấy có một lượng lớn hạt trái nhàu bị bỏ phí. Tiếp cận với nhiều tài liệu khoa học cho thấy hạt trái nhàu có chứa omega, nên tôi lại tìm cách đưa hạt trái nhàu vào chế biến trà", bác sĩ Lý nói.
Bác sĩ Lý thông tin, hạt nhàu có một loại tinh dầu rất tốt. Trong đó có các axit béo không bão hòa, có nhiều nối đôi mà người ta thường gọi là các omega, tức là cơ thể ta không sản xuất được mà phải bổ sung. Trà nhàu bổ sung được các phần đấy và rất tốt đối với sức khỏe con người.
Bình luận (0)