Gặp các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19, Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn xử trí thế nào?

04/07/2022 11:56 GMT+7

Ngày 4.7, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã xây dựng những hướng dẫn tạm thời về cách xử trí các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19 cho người dân.

Theo đó, “Hướng dẫn tạm thời về xử trí các vấn đề sức khỏe sau mắc Covid-19” (phiên bản 1.0) bao gồm các hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cả người lớn và trẻ em khi có các dấu hiệu và triệu chứng mới hoặc liên tục từ 4 tuần trở lên sau mắc Covid-19 mà không giải thích được bằng chẩn đoán thông thường. Hướng dẫn xử trí các vấn đề sức khỏe sau mắc Covid-19 bao gồm các chuyên khoa khác nhau, như: Tim mạch, hô hấp, tâm thần, nhi khoa, y học cổ truyền, dược lâm sàng, phục hồi chức năng, dinh dưỡng.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân sau mắc Covid-19 được TP.HCM quan tâm

DUY TÍNH

Hướng dẫn xử trí các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19

Theo Sở Y tế TP.HCM, xác định đúng các vấn đề sức khỏe để kịp thời can thiệp điều trị theo một phác đồ thống nhất, không bỏ sót nhưng cũng tránh lạm dụng các chăm sóc tương ứng với những vấn đề sức khoẻ liên quan đến sau mắc Covid-19, đó chính là mục đích chính của hướng dẫn tạm thời này.

Do vậy, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở y tế công lập và tư nhân, từ tuyến y tế cơ sở, các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, các bệnh viện trung tâm y tế tuyến quận, huyện cho đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối căn cứ vào hướng dẫn này để áp dụng thống nhất vào thực tiễn hoạt động khám chữa bệnh trong các đơn vị.

Ngày 3.7: Cả nước 511 ca Covid-19, 9.627 ca khỏi

6 chương trình can thiệp để chăm sóc sức khỏe tinh thần

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM có đặt hàng Sở KH-CN nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ: “Các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến sức khỏe tinh thần của người dân TP.HCM và các nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần của người dân TP.HCM”.

Sở Y tế TP.HCM cũng đã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến của các chuyên gia của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học KHXH-NV, Viện nghiên cứu phát triển TP, Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, Sở KH-CN về các giải pháp can thiệp và chương trình hành động trong chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân TP.HCM giai đoạn sau Covid-19. Tại cuộc họp này, Trường Đại học Sư phạm đề xuất dự thảo các chương trình can thiệp gồm 6 nhóm can thiệp.

Ngày 18.6, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Sở Y tế đã tổ chức Hội nghị đồng thuận về các giải pháp can thiệp triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân. Tại hội nghị này, các chuyên gia trình bày dự thảo về tác động và các can thiệp triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân và thảo luận của các chuyên gia về tâm lý học, tâm lý lâm sàng, tâm thần học, đồng thuận về các can thiệp triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân.

Theo đó 6 chương trình can thiệp, gồm:

  • Thứ nhất, tăng cường thực hiện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong triển khai các chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần phục hồi và thích ứng sau đại dịch.
  • Thứ hai, tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các nhóm đối tượng tiêu điểm (học sinh, sinh viên, nhóm địa bàn dân cư…).
  • Thứ ba, củng cố mạng lưới nhân viên y tế/người hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 cho người dân thành phố và thực hiện chuỗi hành động điều trị thích ứng các di chứng hậu Covid-19.
  • Thứ tư, hỗ trợ và thực hiện trị liệu cá nhân và nhóm gặp các rối loạn tâm thần hậu Covid-19.
  • Thứ năm, nâng đỡ tinh thần chuyên biệt cho nhóm người yếu thế (trẻ em mồ côi; người lang thang, cơ nhỡ).
  • Thứ sáu, chăm sóc, phục hồi tình trạng sức khỏe tâm thần dành cho nhóm người làm việc tuyến đầu (nhân viên y tế, công an, quân đội và tình nguyện viên).

Căn cứ vào 6 nhóm giải pháp này, Sở Y tế sẽ phối hợp các chuyên gia tâm lý học, tâm lý lâm sàng, các nhà xã hội học,… sẽ sớm hoàn chỉnh và trình UBND TP.HCM đề án “Các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần của người dân TP” để triển khai công tác chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người dân TP.HCM hậu Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.