Trên thực tế, có những trường hợp người khuyết tật học hòa nhập bị thiệt thòi, chịu áp lực bởi nhà trường lẫn phụ huynh không nắm rõ hoặc không đôn đốc thực hiện theo quy định.
Dạy kỹ năng hòa nhập cho học sinh khuyết tật tại TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
|
Khốn khổ vì 0,2 điểm !
|
Qua sự kết nối của PV Thanh Niên, mẹ con bà K. đã gặp ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TP.HCM (trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM). Sau khi tìm hiểu câu chuyện, ông Tâm đã phổ biến cho bà K. biết những quy định liên quan đến người khuyết tật. Trong đó, việc đánh giá kết quả giáo dục của người khuyết tật được thực hiện theo nguyên tắc: động viên, khuyến khích và ghi nhận sự tiến bộ của người học. Từ cuộc làm việc này, bà K. có cơ sở để trao đổi lại với nhà trường.
“Hiện nay có rất nhiều hiệu trưởng, giáo viên chưa nắm được văn bản luật và dưới luật về việc thực thi luật Người khuyết tật. Mặt khác, có những phụ huynh vì sĩ diện nên không chấp nhận thực tế bệnh tật của con em mình. Chính những điều đó đã gây thiệt thòi và làm gia tăng áp lực lên học sinh học hòa nhập”, ông Tâm thẳng thắn nhận xét.
Ông Tâm còn cho hay, năm ngoái một phụ huynh đã khóc với ông khi phản ánh rằng họ muốn xin cho con mình học hòa nhập thêm 1 năm nữa ở trường mầm non, nhưng hiệu trưởng kiên quyết không chấp nhận vì cho rằng trẻ 7 tuổi còn học mầm non là không đúng quy định pháp luật. Ông Tâm phân tích: “Đứa trẻ đó tuy 7 tuổi nhưng tuổi trí tuệ của em chỉ ở mức 3 tuổi thôi. Vì vậy, không thể lấy quy định đối với một đứa trẻ phát triển bình thường áp dụng cứng nhắc lên trẻ khuyết tật. Trường hợp này, không cho trẻ học tiếp mới là sai quy định!”. Theo quy định, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định điều chỉnh, miễn, giảm, thay thế một số nội dung môn học hoặc một số môn học, hoạt động giáo dục cho phù hợp với học sinh khuyết tật. Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi...
Quan trọng là tình yêu thương
Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm (Q.3, TP.HCM) có con trai là H.T.A bị tự kỷ sắp lên lớp 7 chương trình hòa nhập. Ông nhớ lại: “Những ngày đầu đi học, cháu cứ nằm lăn ra hành lang. Đến khi vào lớp, cháu buộc giáo viên cho mình phát biểu và nói một bài quảng cáo về... điều trị yếu sinh lý. Thế là những học sinh khác chọc T.A bị bệnh thần kinh, rồi xa lánh cháu”. Trải qua một chặng đường dài gian truân, nhiều lần suýt “gãy gánh giữa chừng”, ông Mẫm đúc kết kinh nghiệm về việc học của con: “May mà giáo viên thương và thông cảm cho cháu. Hằng ngày các cô ghi ra sổ liên lạc để phụ huynh biết được những việc cháu cần làm. Song song đó, chúng tôi thuê gia sư hỗ trợ, kèm cặp cho cháu”. Đặc biệt, vị bác sĩ này lưu ý: “Ngay từ đầu, phụ huynh cần phải nói thật với nhà trường về bệnh trạng của con em mình, để hai bên có sự hợp tác. Càng né tránh, giấu giếm thì con em mình càng thiệt thòi”.
Theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TP.HCM Nguyễn Thanh Tâm, một trong những khó khăn, bất cập chính trong công tác giáo dục hòa nhập là nhân sự được đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt rất khan hiếm. Hằng năm, đa phần giáo viên dạy các lớp hòa nhập chỉ được bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giáo dục hòa nhập trong mấy ngày, nên không thể đi sâu vào chuyên môn.
Dù vậy, một số trường có những cách làm linh hoạt. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.3, TP.HCM cho biết trường có lập lớp hội nhập riêng dành cho những em mới hòa nhập. Lớp này giúp trẻ tập làm vệ sinh, quen dần với nền nếp trong lớp học để không ảnh hưởng đến những em khác. Khi nào trẻ có kỹ năng học đường và sự tiến bộ, nhà trường sẽ chuyển trẻ sang học các lớp bình thường. Ông Lê Thái Minh Hầu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Q.5, TP.HCM), khẳng định: “Điều quan trọng nhất để dạy được trẻ hòa nhập là tình thương yêu trẻ. Còn nếu nhận để mà đối phó, nhận cho có, nhận vì áp lực bắt dạy thì không thể nào dạy được trẻ!”.
Bình luận (0)