Theo CNBC, trùm viễn thông người Mexico Carlos Slim từng được gọi là “người đàn ông giàu nhất mà bạn từng biết”. Năm 2010, ông là người giàu nhất hành tinh theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes. Năm nay, ông đứng vị trí thứ tư với tài sản ròng 50 tỉ USD.
Danh mục đầu tư của tài phiệt 76 tuổi gồm hơn 200 công ty ở Mexico và nhiều hãng Mỹ, trong đó có tờ The New York Times. Sở hữu 17% cổ phần tờ báo, ông Slim là cổ đông cá nhân lớn nhất. Với cổ phần trên cộng với lịch sử đóng góp hào phóng cho Quỹ Clinton, tỉ phú Slim vừa bị ông Trump cho rằng ông đang góp phần vào chiến dịch truyền thông nhằm bôi nhọ Trump. Mới đây, Donald Trump cho hay các phóng viên The New York Times “không phải là nhà báo mà là nhà vận động hành lang công ty cho Carlos Slim và Hillary Clinton”.
Tại bang North Carolina, tỉ phú bất động sản Mỹ lên tiếng về các vụ bê bối gần đây của mình: “Đây là những lời dối trá được đăng tải bởi phương tiện truyền thông và chiến dịch vận động cho bà Clinton đang cố gắng bắt kịp. Tất cả đều là giả dối. Toàn là bịa đặt. Chúng ta sẽ để các CEO nước ngoài quyết định kết quả. Chúng ta không thể để điều này, việc họ quyết định kết quả cuộc bầu cử của chúng ta, xảy ra”.
The Wall Street Journal là tờ báo đầu tiên đăng lời cáo buộc của ông Trump đối với tỉ phú Mexico về việc hợp tác với The New York Times nhằm giúp đỡ chiến dịch vận động của bà Clinton, vài ngày sau khi tờ Times và các phương tiện truyền thông khác công bố chi tiết về những người phụ nữ tố cáo ông Trump có hành vi khiếm nhã với họ.
Phát ngôn viên của Carlos Slim, ông Arturo Elias, cho hay những cáo buộc của Donald Trump là sai lầm: “Ông ấy không biết ông Trump. Ông ấy chưa từng gặp ông Trump, không biết gì về cuộc sống của ông Trump và thực ra mà nói, ông không quan tâm cuộc sống cá nhân của ông ta. Chúng tôi không bao giờ tham gia vào chính trị ở Mexico, càng không dính dáng ở Mỹ”.
|
The New York Times cũng lên tiếng cho biết ông Slim không có ảnh hưởng gì lên tin bài của tờ báo. “Carlos Slim là cổ đông xuất sắc, người hoàn toàn tôn trọng ranh giới về sự độc lập báo chí của chúng tôi. Ông chưa từng tìm cách gây ảnh hưởng lên nội dung thông tin của chúng tôi”, chủ tịch The New York Times Arthur Sulzberger nói.
Carlos Slim hơn cả một người giàu ở Mexico. Ông chi phối tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế nước này. Theo hồ sơ New Yorker của ông vào năm 2009, gần như mỗi ngày, tất cả công dân Mexico đều góp phần vào lợi nhuận ông thu được.
Tỉ phú quốc gia Nam Mỹ đi lên từ nghèo khó khi là một trong sáu người con của những người nhập cư từ Cộng hòa Li băng đến Mexico. Ông đầu tư từ trẻ, mở tài khoản séc đầu tiên năm 10 tuổi và tham gia cuộc họp cổ đông đầu tiên ở công ty khai thác mỏ ông dự định góp vốn vào ở tuổi thiếu niên.
Sau khi tốt nghiệp với bằng kỹ sư dân sự, Slim bắt đầu mua cổ phiếu các doanh nghiệp và gầy dựng tài sản từ từ. Bước ngoặc lớn của ông đến vào năm 1982, khi nền kinh tế Mexico sụt giảm và ông đổ tiền vào hàng chục doanh nghiệp với mức giá cực thấp.
Đế chế của Carlos Slim lớn mạnh tới mức một số người gọi đây là "Slimlandia", theo tờ The Guardian năm 2010. Người Mexico được chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện của ông Slim, ăn uống tại nhà hàng của ông Slim, trò chuyện bằng điện thoại của ông Slim và thực hiện nhiều việc khác trong vòng kiểm soát của ông.
Tỉ phú giàu thứ tư thế giới quyên góp ít nhất từ 250.000 USD đến 500.000 USD cho Quỹ Clinton, theo tờ The Wall Street Journal. Căng thẳng giữa ông Trump và ông Slim đạt đỉnh năm 2015, khi mạng truyền hình Ora TV của tỉ phú Mexico bỏ dự án họ đang kết hợp với ông Trump sau bài phát biểu gây tranh cãi của ông này về việc dân Mexico chỉ đưa tội phạm, ma túy và nạn hiếp dâm sang Mỹ.
tin liên quan
Triệu đô đầu tiên của 12 tỉ phú nổi bật thế giớiÔng chủ Facebook Mark Zuckerberg có 1 triệu USD trong tài khoản ngân hàng từ năm 22 tuổi, còn CEO Oracle Larry Ellison không là tỉ phú cho đến tuổi tứ tuần.
Bình luận (0)