Đó là cuốn Con gái, tên tiếng Pháp là Fille của nhà văn Camille Laurens mà Phước là dịch giả, cuốn sách đã được xuất bản hồi tháng 7.2023. Gần một năm gặp lại sau ngày Phước được biết tới khắp mạng xã hội với nick name "chàng shipper nói tiếng Pháp trên đường sách", chúng tôi mừng vui vì Phước vẫn giữ được nhiều năng lượng tích cực như ngày nào. Ý chí, luôn là một ngọn lửa âm thầm trong Phước, dẫn lối cho bạn đi qua những chông gai và khó khăn trong cuộc sống.
Bắt đầu lại mọi thứ ở giảng đường
Từ sau Tết Nguyên đán 2023, Huỳnh Hữu Phước trở lại giảng đường khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ở tuổi 26, sau thời gian bảo lưu để lo toan cho cuộc sống với nhiều biến cố. Hành trình đẹp được gầy dựng bởi niềm tin, sự cố gắng của "chàng shipper nói tiếng Pháp", trái tim nhân văn của các thầy cô khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và đặc biệt là những sự giúp đỡ tài chính, tinh thần của đông đảo bạn đọc Báo Thanh Niên sau bài viết "Chàng shipper nói tiếng Pháp với Marc Levy ở đường sách: Câu chuyện cảm động phía sau".
Đặt những bước chân đầu tiên trở lại giảng đường, làm quen lại bạn bè, học hỏi những kiến thức từ thầy cô, với Phước mọi trải nghiệm đều mới mẻ, quý giá như những ngày đầu tiên. Sự giản dị, khiêm nhường lúc nào cũng thường trực trong Phước. Bạn tâm sự mình sẽ không thể nào có ngày hôm nay nếu như không có vòng tay yêu thương của những người xung quanh. Học tập một cách chăm chỉ, nỗ lực như chính bạn từ trước đến nay là một cách Phước trả ơn những người đã giúp đỡ mình.
Shipper nói tiếng Pháp đồng hành cùng sinh viên mồ côi vì Covid-19: 'Tình thương thì không có lý do'
Phước chia sẻ cho đến ngày hôm nay bạn vẫn đang phải tiếp tục điều trị trầm cảm - vấn đề sức khỏe tinh thần bạn gặp từ nhiều năm trước - khi vừa phải đi làm, vừa đi học, trang trải cho cuộc sống.
Gia đình tan vỡ, ba mẹ mỗi người một nơi, tài chính không có, không thể tiếp tục học đại học, Phước làm thêm nhiều nghề để sống và có tiền đi học. Bạn từng làm shipper suốt một thời gian dài, buổi tối thì chong đèn đọc sách, học bài. Xoay xở giữa gánh nặng cơm áo gạo tiền, Phước bị trầm cảm.
Tác dụng phụ của thuốc điều trị trầm cảm khiến gương mặt Phước như mập hơn bình thường. Nhưng chàng trai cho hay dù thế nào, bạn vẫn nỗ lực thêm mỗi ngày và không từ bỏ.
Bởi, như Phước nói: "Mỗi người đều có những vấn đề riêng, những thế mạnh và thành quả của riêng mình. Nhiều người hỏi em rằng có lời khuyên nào cho những bạn trẻ đang gặp khó khăn, thử thách. Em không muốn nói những gì đao to búa lớn và sáo rỗng, cũng không muốn trở thành người nói đạo lý cho người khác. Từ biến cố của chính mình và những khó khăn em đã bước qua, em muốn nói với các bạn, đừng quá quan tâm đến thành công rực rỡ của người bên cạnh và thấy đó là áp lực. Bạn chỉ cần nhìn vào bản thân mình, ngày hôm nay của mình tốt hơn ngày qua một chút, thế là vui và hạnh phúc rồi".
Chìa khóa để mở ra cánh cửa mới
Những ngày này, Phước vẫn đều đặn tới giảng đường và vẫn đi làm thêm. Bạn không ỷ lại sự hỗ trợ của mọi người thì ngừng vươn lên. Tuy nhiên, công việc làm thêm của Phước bây giờ đúng với năng lực, sự đam mê của bạn, đó là dịch sách từ tiếng Pháp. Công việc của người dịch sách chưa bao giờ là đơn giản, dễ dàng. Nhưng đây là chính là mơ ước của Phước bấy lâu, phù hợp với lĩnh vực mà Phước đang học tại trường đại học.
Không chỉ vậy, sau khi nhận được khoản tiền ủng hộ từ những nhà hảo tâm là bạn đọc Báo Thanh Niên, Phước chỉ giữ lại một phần để lo chi phí học đại học và học lên thạc sĩ. Còn lại bạn đã dành phần lớn số tiền để bảo trợ cho một em nhỏ mồ côi cha trong dịch Covid-19 cho tới năm em 18 tuổi, trong chương trình "Cùng con đi tiếp cuộc đời" của Báo Thanh Niên.
Chàng "shipper nói tiếng Pháp" còn dành tặng các phần học bổng cho 6 sinh viên mồ côi cha, mẹ trong đại dịch. Đồng thời, Phước còn trở thành người bạn, người thân của các sinh viên này, cùng chia sẻ khó khăn và cùng nhau bước đi trong hành trình chinh phục tri thức.
Mới đây, trong buổi gặp gỡ ở tòa soạn Báo Thanh Niên, nơi Phước tặng học bổng cho các sinh viên này dịp đầu năm học mới, bạn tâm sự: "Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, quan trọng là phải có chìa khóa để mở cánh cửa mới. Với em, chìa khóa để mở mọi cánh cửa chính là chìa khóa tri thức. Mỗi người đều có những vấn đề, những khó khăn của riêng mình, chỉ cần bạn đừng bỏ cuộc, hãy giữ niềm tin trong trái tim mình".
Phước, "chàng shipper nói tiếng Pháp" từng tặng chúng tôi một cuốn sách mang tên Sống như một cái cây của tác giả Tanaka Osamu. Trong cuốn sách, tôi rất ấn tượng với bài tác giả viết về cây cà tím ở TP.Kishiwada, tỉnh Osaka (Nhật Bản).
Ông viết trong thời gian nảy mầm, cây cà tím ở Kishiwada được tưới rất ít nước. Để khi khô hạn một chút, rễ phải vươn dài ra khắp nơi. Khi bộ rễ to khỏe và dài nhờ tự thân vận động tìm nguồn sống, lúc đó việc cung cấp nước đầy đủ sẽ giúp rễ cây đồng loạt hút được nước và dinh dưỡng tốt hơn, cho ra quả chất lượng tốt. Chính những thời điểm khó khăn là sự chuẩn bị cho cơ hội mới. Hoàn cảnh khắc nghiệt là cơ hội cho bạn ươm dưỡng những khát vọng, nội lực để sẵn sàng bung nở.
Hình ảnh cây cà tím ở Kishiwada khiến chúng tôi liên tưởng tới không chỉ Huỳnh Hữu Phước - "chàng shipper nói tiếng Pháp" - mà còn rất nhiều những sinh viên khác đang gặp trở ngại, chông chênh trong hành trình lập thân, lập nghiệp của các bạn. Không có thành công nào là dễ dàng. Nhưng chính những thời điểm khó khăn, hoàn cảnh khắc nghiệt là đang ươm dưỡng cho khát vọng của các bạn, chờ ngày bung nở.
Phước và rất nhiều sinh viên từ đồng ruộng, miền núi, hải đảo và những gia đình khó khăn của các đô thị đã và đang không ngừng cố gắng để chạm được vào ước mơ của mình. Họ đang bước những bước đầu tiên trong hành trình vạn dặm chinh phục tri thức. Và trên hành trình này, tất cả đều không đơn độc...
Huỳnh Hữu Phước là cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM. Khi đang là sinh viên khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, gia đình gặp biến cố lớn, Phước phải tạm dừng việc học, làm nhiều nghề để mưu sinh. Nhưng dù vất vả tới đâu, trong túi của Phước luôn có cuốn sách bằng tiếng Pháp, từ điển, để đọc, ôn tập ngày ngày. Đầu tháng 11.2022, khi đang là shipper, Phước tới đường sách dự buổi giao lưu với nhà văn Marc Levy và đặt câu hỏi với nhà văn nổi tiếng bằng tiếng Pháp.
Nhờ sự hỗ trợ từ các thầy cô khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và bạn đọc Báo Thanh Niên, "chàng shipper nói tiếng Pháp" Huỳnh Hữu Phước đã được đi học trở lại. Bạn trở lại giảng đường sau Tết Nguyên đán 2023 học ĐH, tiếp tục nuôi ước mơ được trở thành giảng viên tiếng Pháp.
Bình luận (0)