Gặp lại 'Khổng Tử tập ngữ', 'Hàn Thi ngoại truyện'... từ 'Cổ học tinh hoa'

02/03/2023 18:48 GMT+7

Cổ học tinh hoa gồm 250 mẩu chuyện, được hai vị học giả thâu lượm và biên soạn lại chủ yếu từ các tích xưa, các sách kinh điển của Trung Hoa thời cổ. Các tác giả chọn dịch lại từ Khổng Tử tập ngữ, Ái Tử Xuân Thu, Hàn Thi ngoại truyện…, giúp người đọc tiếp cận được những tinh hoa văn hóa, đạo đức từ ngàn xưa.

Mỗi câu chuyện trong sách Cổ học tinh hoa được hai tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân kể lại ngắn gọn, súc tích, đưa tới thông điệp rõ ràng. Phần giải nghĩa nhiều giá trị, giúp bạn đọc gia tăng vốn từ tiếng Việt tưởng như đã thuần thục mà hóa ra còn nhiều điều chưa biết.

Gặp lại 'Khổng Tử tập ngữ', 'Hàn Thi ngoại truyện'...từ 'Cổ học tinh hoa' - Ảnh 1.

Sách Cổ học tinh hoa (do NXB Thế giới và Omega Plus vừa ấn hành)

Omega Plus

Phần diễn giải ý nghĩa và các góc nhìn của tác giả về những bài học có thể rút ra từ câu chuyện, khiến người đọc càng xem càng thấy thấm, những điều nghe thì đơn giản nhưng lại vô cùng hữu ích cho tới tận ngày nay. Thế mới thấy góc nhìn của các tác giả thời đó đã sớm tân tiến đến thế nào.

Cuốn sách Cổ học tinh hoa (do NXB Thế giới và Omega Plus vừa ấn hành) được in theo bản in đầu tiên, do Vĩnh Long Thư Quán xuất bản năm 1926 - 1929, có bổ sung hệ thống chú thích. Tác phẩm nằm trong mảng Triết lý Tư tưởng thuộc Tủ sách Đời Người – Tinh tuyển cho người Việt, là tủ sách cơ bản trong mọi gia đình Việt dành cho mọi thế hệ độc giả.

Với tấm lòng mong muốn giữ gìn những gì gọi là hồn cốt của dân tộc, hai tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân đã lưu lại những câu chuyện quý trong tác phẩm Cổ học tinh hoa để chúng ta soi mình và nhìn đời sáng suốt hơn.

Được biết, Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) tự Ôn Như, là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, có lòng say mê đặc biệt với văn hóa, văn học dân tộc. Ông đã cho ra đời nhiều cuốn sách bằng tiếng Hán, tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ; tham gia biên soạn các sách giáo khoa như Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Giáo khoa Văn học An Nam, xuất bản nhiều sách khảo cứu như Cổ học tinh hoa, Nam thi hợp tuyển, Đào nương ca, Truyện cổ nước Nam, Tục ngữ phong dao...

Còn Trần Lê Nhân (1887-1975) hiệu Tử An, là nhà Hán học, nhà giáo dục mẫu mực. Ông am tường triết học phương Đông và nghiên cứu cả triết học phương Tây. Ngoài dạy học, ông còn tham gia biên soạn và dịch thuật nhiều cuốn sách giá trị, trong đó tiêu biểu là Cổ học tinh hoa, Hán học danh ngôn, đều là sách được chọn dùng trong các trường trung học thời bấy giờ.

Gặp lại 'Khổng Tử tập ngữ', 'Hàn Thi ngoại truyện'...từ 'Cổ học tinh hoa' - Ảnh 2.

Những hàm ý trong chuyện tưởng như vô nghĩa vì ai cũng biết nhưng lại có giá trị sâu sắc, làm toát lên cốt cách đẹp đẽ của người phương Đông

Omega Plus

Lật mở từng trang sách, bạn sẽ nhận ra một vài câu chuyện rất quen thuộc đã được dân gian ta truyền tai nhau đời này qua đời khác. Những hàm ý trong chuyện tưởng như vô nghĩa vì ai cũng biết nhưng lại có giá trị sâu sắc, làm toát lên cốt cách đẹp đẽ của người phương Đông. Ví như chuyện mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để con thấy điều hay mà học…

Hay như tích về Tử Tang với hàm nghĩa về cách nhìn nhận cuộc đời: "Nghèo như Tử Tang, đến đói không có ăn, mà trong lòng không oán cha mẹ, không trách trời đất, chẳng cũng là người cao sĩ ru! Không bù với những kẻ mới nhỡ bước, gọi là hơi nghèo mà đã vội lên giọng oán trách cả người sống, người chết, trời đất, chực những sự muốn làm càn. Còn hỏi tự đâu mà hóa nghèo, nếu đổ cho tại số mệnh như Tử Tang đây, thì cũng hợp với câu phương ngôn: Số giàu của đến dửng dưng, số nghèo con mắt tráo trưng vẫn nghèo".

Gặp lại 'Khổng Tử tập ngữ', 'Hàn Thi ngoại truyện'...từ 'Cổ học tinh hoa' - Ảnh 3.

Tuy có tên Cổ học tinh hoa nhưng những tri thức trong sách sẽ chẳng bao giờ trở nên cũ mòn hay lạc hậu

Omega Plus

Nhiều trích đoạn hay: "Lúc đi mặc áo trắng, lúc về mặc áo thâm, chính mình không biết mình thay đổi, con chó thấy khác thì xua đuổi. Mình đánh nó, thì chẳng hóa ra nhầm lắm ru! Lỗi tại mình thay đổi, không tại con chó cắn xằng. Vậy nên, ở đời khi mình làm điều gì khác thường mà người ta không rõ thì tất nhiên người ta bàn trái bàn phải. Nếu mình không tự xét mình thay đổi hay, hay dở, chỉ biết trách người nghị luận nọ kia thì chẳng khác nào như Dương Bố đánh chó trong truyện này".

Tuy có tên Cổ học tinh hoa nhưng những tri thức trong sách sẽ chẳng bao giờ trở nên cũ mòn hay lạc hậu. Bởi sau gần 100 năm, cuốn sách vẫn được xuất bản đều đặn bởi những giá trị đã mang lại. Đây cũng có thể coi là cuốn sách của gia đình, bởi chúng ta có thể cùng mở đọc với ông bà, bố mẹ, anh chị em, con cái… Cùng một lời đọc, cùng một lần nghe, mà nếu mang ra đàm luận, có lẽ mỗi thành viên lại hiểu ra một ý khác nhau, một tầng nghĩa khác nhau…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.