Soạn giả Kiên Giang - Ảnh Thanh Dũng |
Quyết nằm cạnh bạn tâm giao
Bỏ lại bao buồn vui, thăng trầm nơi phố thị, soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà về sống trong căn nhà tĩnh lặng ở P.Bình Khánh (TP.Long Xuyên, An Giang) cùng người thân. Ông nổi tiếng với các vở tuồng như Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, Con đò Thủ Thiêm, Lưu Bình Dương Lễ... Về thơ ông có các bài đặc sắc đã được phổ nhạc và công chúng yêu mến như Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Tiền và lá.
Hơn nửa đời người gắn bó với sân khấu, thơ ca, giờ gia tài đáng giá của ông là những tấm hình của các nghệ sĩ đã ngả màu vàng úa và những quyển sổ chép tay bạc màu cùng gió bụi thời gian. Chỉ tay vào căn phòng nhỏ do con cháu xây cất, ông nói bây giờ những “tài sản” của ông mới thật sự được yên thân, không còn bôn ba theo chủ nhân hứng chịu mưa gió. Ông ngậm ngùi: “Hồi đó bạn bè tâm đầu ý hợp gồm Sơn Nam, Hà Triều, Hoa Phượng, Thái Thụy Phong, Vĩnh Điền... nay họ thành người thiên cổ. Chú đã chuẩn bị hậu sự xong hết, khi chú chết con cháu chôn chú gần mộ Sơn Nam ở Bình Dương. Hồi đó, 2 thằng cùng quê Kiên Giang, bôn ba khắp xứ rồi cũng có lúc nằm gần nhau”. Bất chợt xe bán đĩa dạo đi qua mở ngay bản nhạc văng vẳng lời ngâm khàn khàn của Thanh Thúy: Hoa tím nay thành hoa cố nhân! Kiên Giang nhỏm dậy giọng run run: “Năm nay chú phải về Cần Thơ thăm cô ấy. 2 năm rồi chú không về đó”.
Mối tình hoa trắng
Cô ấy ở đây là bà N. là người thơ trong bài Hoa trắng thôi cài trên áo tím. Nén lại xúc cảm, ông ngâm nho nhỏ: Lâu quá không về thăm xóm đạo/Từ ngày binh lửa cháy không gian/Khói bom che lấp chân trời cũ/Che cả người thương, nóc giáo đường... Đó là bài thơ ông trút cả tâm tình với một nữ sinh trên mảnh đất Tây Đô. Và khi nhạc sĩ tài hoa Huỳnh Anh phổ nhạc, bài thơ ấy đã chấp cánh cùng giọng ca tài danh Thanh Thúy, Hoàng Oanh. Thập niên 90 của thế kỷ 20, bài hát mang tên Chuyện tình hoa trắng được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc với lời bài khác làm thổn thức bao trái tim mới lớn. Ca sĩ hải ngoại Như Quỳnh với gương mặt thanh tú pha lẫn nét liêu trai cùng mái tóc xõa quá vai, khi buông lời ca làm người ta liên tưởng đến “nàng áo tím” đang hiện diện trên đời.
Nhưng hai chiếc xe cuộc đời khác nhau. Chiếc xe trong ca khúc của Hoa trắng thôi cài trên áo tím là chiếc xe oán tình do chàng trai ngơ ngẩn tiễn biệt cô gái sang ngang, rồi sau đó là chiếc xe tang đưa nàng về lòng đất lạnh. Còn chiếc xe trong ca khúc Chuyện tình hoa trắng là chiếc xe vĩnh quyết, nàng khóc than tiễn chàng về nghìn thu, từ đây nàng bơ vơ trong cõi đời... Vì sao hai bài nhạc nội dung lại khác nhau? Cũng vì một lẽ chàng thư sinh ngày xưa và chàng nhạc sĩ của mấy chục năm sau đã khác.
Nhiều người ái mộ đoán già đoán non xóm đạo: Rộn ràng từng hồi chuông xóm đạo/Tiễn nàng áo tím bước vu quy... ở đâu. Xóm đạo ấy chắc có lẽ là ở Tha La (Tây Ninh) hay đâu đó ở Đồng Nai hoặc Chợ Lách (Bến Tre) hay Sài Gòn. Nhưng thật bất ngờ, xóm đạo ấy lại ở bên bờ sông Hậu. Kể về bà, ông quay quắt trở lại năm 1944, lúc ấy ông từ Rạch Giá lên Cần Thơ trọ học ở Trường trung học tư thục Nam Hưng. Rồi tình cờ ông kết thân với nữ sinh N. nhà ở Cần Thơ. Nàng giỏi môn đại số, ông lại dở nên tới giờ kiểm tra môn này, nàng viết bài giải ghi lên bàn tay trái cho ông xem. Ngược lại, ông giỏi văn, nàng lại dở nên ông giúp nàng. Một mối tình học trò chớm nở nhưng đời lại vô thường, lúc ông thành danh, quay về thì trường xưa vẫn đấy, lối cũ còn đây, chuông nhà thờ vẫn muôn đời ngân nga nhưng người xưa đã theo chồng về xứ lạ.
Ông kể: “Rồi cổ quay lại Cần Thơ sống, làm nhiều nghề nuôi đàn con nhỏ. Năm 1989, cô ấy mất nhưng mấy năm sau, chú đến nhà thăm mới hay. Chú nhờ con cô ấy đưa ra mộ ở Mỹ Khánh (H.Phong Điền). Chú đặt cành hoa trắng trên mộ và đọc trọn bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím trước vong linh người xưa. Sau này, tới ngày giỗ hay ngày thanh minh chú lại về thăm mộ cô. 2 năm gần đây, chú đau yếu quá nên không về thăm mộ cổ được, nhớ nhung lắm”.
Nhà bà N. vẫn còn đó, nằm sâu trong con hẻm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (P.An Lạc, Q.Ninh Kiều). Bà N. mất đã lâu nhưng dư âm của bài hát và chuyện tình quá đẹp cùng những chuyến đi về của Kiên Giang đã gây xôn xao xóm nhỏ. Những người con của bà đều thành đạt và cho biết ngày giỗ bà, Kiên Giang thường về viếng mộ. Có lúc ông ngủ đêm lại trong nhà trước di ảnh người xưa.
Thanh Dũng
Bình luận (0)