Gặp nạn khi uống rượu ba kích: Để không bị 'bổ ngửa' khi uống rượu bổ

05/12/2020 14:22 GMT+7

Rượu thuốc nói chung và rượu ba kích nói riêng không phải ai uống cũng được và uống nhiều là bổ, ngược lại còn hại thân. Chuyên gia cảnh báo chớ nên ngâm rượu thuốc vô tội vạ và cẩn trọng kẻo 'bổ ngửa' bởi rượu thuốc.

Vào tháng 11.2020, sau khi uống rượu ngâm rượu ba kích nhằm lấy lại "bản lĩnh đàn ông", một người đàn ông trung niên (40 tuổi) bị cương dương vật hơn 30 giờ đồng hồ và phải nhập vào Bệnh viện Đại học y Hà Nội để xử lý. 

Coi chừng bổ ngửa vì rượu thuốc

Theo TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện y dược học dân tộc TP.HCM, theo lý luận của đông y, thông thường khi sử dụng thuốc, người ta không bao giờ sử dụng 1 vị mà là sử dụng 1 bài thuốc. Sai lầm của nhiều người cứ đồ ngon, đặc biệt là rượu thuốc là uống và uống mỗi người 1 xị thì... bổ quá, quá liều và dẫn đến tình trạng như bệnh nhân trên.
Theo TS-BS Lan, trong đông y có 4 nhóm thuốc bổ: Bổ khí, bổ huyết, bổ âm và bổ dương. Ba kích là vị thuốc nằm trong nhóm bổ dương, dùng cho cả nam giới và nữ giới. Nhưng trong nhóm thuốc bổ dương đa phần là bổ thận dương, có 3 nhóm nhỏ: Bổ thận sinh cốt tủy (vị thuốc nổi tiếng là lộc nhung), bổ thận tráng dương (ba kích nằm trong nhóm này nên có tác dụng trên sinh dục) và bổ thận dương mạnh gân cốt.

Rượu bổ nhưng chỉ uống mỗi ngày 1 - 2 với dung tích khoảng 30 - 40 ml là đủ

ẢNH: DUY TÍNH

Vị thuốc ba kích có tính ấm và ôn bổ thận dương làm mạnh gân cốt, đồng thời có công dụng tráng dương. Nhưng thận là tạng duy nhất chia ra thận âm và thận dương. Thận âm có công dụng tàng trữ và hỗ trợ cho thận dương. Một khi thận dương suy thì người ta điều chỉnh bồi bổ cho cả thận âm và thận dương chứ không phải chỉ bồi bổ thận dương.
Nếu chỉ bồi bổ thận dương thì công dụng rất nhanh như trường hợp uống rượu ba kích nhập viện. Tuy nhiên, điều này cũng giống như có bao nhiêu "tiền" xài cho hết, đốt hết, nhưng "tiền" thì ít (do thận yếu nên mới xài thuốc) và về lâu dài sẽ dẫn đến suy nhược sinh dục.
Do vậy, TS-BS Lan khuyến cáo, đối với những trường hợp suy nhược sinh dục thì tốt nhất nên đến các khoa nam học ở các bệnh viện y học cổ truyền vì đông y có ưu thế trong điều trị suy nhược sinh dục. Vì suy nhược nên cần bồi bổ chứ không phải chỉ làm cho cương cứng tức thời.
Người thầy thuốc y học cổ truyền sẽ chẩn đoán bệnh nhân suy nhược ở đâu, thận âm hay thận dương hay suy nhược cả 2. Lúc đó, bác sĩ sẽ quyết định bổ dưỡng như thế nào? Và giai đoạn đang bồi dưỡng thì phải tiết chế quan hệ sinh dục, nếu không sẽ dẫn đến suy nhược rất nhanh.

Cẩn trọng với rượu thuốc tự ngâm

Cũng theo TS-BS Lan, trong dân gian có rất nhiều thuốc để bổ dương nhưng thật sự chỉ có một số vị tráng dương như dâm dương hoắc, hải cẩu, hải mã, thỏ ty tử, xà sàng tử, tục đoạn, ba kích, lộc nhung, đông trùng hạ thảo…
“Điều đầu tiên khi ngâm rượu thuốc thì phải hiểu cơ địa, thể trạng của mình như thế nào. Vì nếu mục đích ngâm rượu là để bổ thận dương nhưng người thận dương là người bị lạnh, đau lưng, mỏi gối hay tiểu đêm, suy nhược sinh dục thì mới dùng. Còn những người trong người nóng, bệnh lý thiên về huyết áp cao, mất ngủ… thì không phù hợp với những bài thuốc tráng dương", TS-BS Lan chia sẻ.
"Một người bị nhiệt mà ngâm đông trùng hạ thảo, lộc nhung, nhân sâm uống thì coi chừng ra… nhà xác. Bởi 3 vị thuốc này đều rất nóng, nếu người uống có bệnh lý tim mạch, cao huyết áp mà uống vào sẽ bị bốc hỏa, rất dễ bị tai biến”, TS-BS Lan nói thêm.
Những người có cơ thể nhiệt muốn sử dụng rượu thuốc tráng dương thì phải đi đến chuyên gia bắt mạch để kê những vị thuốc mát, thuốc nóng để ra bài thuốc trung hòa, kìm hãm tác dụng phụ. Bên cạnh đó, khi ngâm rượu thuốc phù hợp thì phải dùng phù hợp như việc uống đúng liều như uống thuốc tây. Như rượu ba kích đơn thì uống ngày 2 lần, mỗi lần 30 - 40 ml với điều kiện người có thể trạng không nóng.

Nếu muốn uống rượu ngâm thuốc bổ dương thì cần đến chuyên gia đồng y để được bắt mạch, tư vấn chứ không phải ai đồn rượu gì bổ cũng uống

ẢNH: DUY TÍNH

“Hiện nay, đa phần thuốc ngâm rượu thuốc là tự phát, người dân đọc đâu đó bài thuốc ngâm rượu tráng dương rồi cho nhiều thứ vào một bình mà không biết việc phối hợp nhiều loại này có hợp với nhau không. Điều này còn dẫn đến nhiều nguy cơ như ngộ độc rượu, ngộ độc thuốc (quá liều), không đúng bệnh. Do đó, cần có bác sĩ tư vấn, đúng liều vì càng bổ uống nhiều càng nguy hiểm”, TS-BS Trương Thị Ngọc cho biết. 

Nhập viện vì rượu ba kích

Ngày 16.11, nam bệnh nhân 40 tuổi nhập vào Bệnh viện Đại học y Hà Nội cấp cứu trong tình trạng dương vật cương liên tục trong vòng 30 giờ.
Quá trình thăm khám cho thấy bệnh nhân vốn dĩ vẫn khỏe mạnh, không mắc các bệnh mạn tính, không có tiền sử sử dụng các chất gây nghiện. Tuy nhiên, trước đó bệnh nhân cảm thấy không tự tin về "khả năng đàn ông" của mình đã tìm kiếm rượu thuốc - rượu ba kích để tự điều trị cho mình.
Sau một chầu “cơm no rượu say” với ba kích, bệnh nhân tự tin quan hệ với vợ. Cuộc yêu diễn ra êm đẹp, khiến cả hai vợ chồng đều vui. Sau khi làm xong nhiệm vụ mà “cậu nhỏ” chẳng chịu xuống, tưởng rằng đó là tác dụng của ba kích nên bệnh nhân tiếp tục chiều vợ thêm 2 lẫn nữa.
Tuy nhiên, sau ba lần xuất tinh, “cậu nhỏ” vẫn không chịu xuống mà tiếp tục cương cứng hơn. Sau hơn một ngày chờ đợi, tình hình không cải thiện, bệnh nhân đi khám và được chẩn đoán: Cương đau dương vật kéo dài thể thiếu máu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.