Ông giáo… mầm non
Thất bại trong việc trở thành giáo viên tiểu học, chàng trai Nguyễn Hồ Tây Phương (36 tuổi, xã Kim Thạch, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) chọn đất Sài Gòn làm nơi lập nghiệp lúc còn là một chàng trai 18 tuổi.
Thầy Phương chăm lo từng miếng ăn cho trẻ nhỏ |
Bá Cường |
Trải nghiệm cuộc sống xa nhà hơn 1 năm, nhận thấy công việc làm thuê, làm mướn không giúp cuộc sống mình khá lên, anh Phương quay về quê, quyết thi ĐH thêm lần nữa. Vào năm 2005, anh chọn cho mình một ngành nghề mới, Công tác xã hội, tuy nhiên cánh cửa đại học một lần nữa khép lại.
“Sau hai lần thất bại, tôi khá nản chí trong việc đi học ĐH. Để khăn gói vào Nam thêm một lần nữa cũng quá khó bởi điều kiện gia đình không đủ. Sau lần thi trượt thứ 2, cuộc sống của tôi rơi vào khoảng vô định, không biết nên tính toán thế nào. Ở nhà rảnh rỗi, ai kêu gì làm đó từ bốc vác cho đến phụ hồ”, thầy Phương chia sẻ.
Thầy Phương cho biết cái duyên với nghề mầm non cũng từ đây mà có. Trong một lần làm thợ hồ, xây dựng cổng cho một trường mầm non trên địa bàn, đến giờ nghỉ anh lại tìm đến tụi trẻ để đùa giỡn, vui chơi cùng chúng.
Nhờ đam mê, thầy Phương đã dám dấn thân làm thầy nuôi dạy trẻ. |
BÁ Cường |
Sau lần đó, thầy Phương được gia đình hướng cho con đường thi vào mầm non. Dù đã thất bại 2 lần trong việc thi cử nhưng lần này với đam mê có sẵn, anh xem đó là động lực để tiếp tục thử sức thêm lần nữa. Đến năm 2006, anh thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, chuyên ngành giáo viên mầm non.
“Quãng thời gian đó tôi khá may mắn vì đang còn học nhưng đã được Trường Mầm non Vĩnh Thạch nhận vào dạy hợp đồng. Hàng tuần, mình đều lên trường vừa làm, vừa học hỏi thêm ở các cô, đến cuối tuần lại về trường học. Nhờ đó, tôi thích nghi với việc chăm sóc trẻ em rất nhanh, dù ban đầu có hơi bỡ ngỡ” , thầy Phương nói.
Khát vọng xây những ngôi trường chuẩn Quốc gia
Sau 5 năm công tác tại Trường Mầm non Vĩnh Thạch, thầy Phương được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng hồi tháng 4.2011. Đây là thành quả cho việc không ngừng cố gắng, vừa học vừa làm để năm cao trình độ của anh.
“Nhận được quyết định làm Phó Hiệu trưởng, trong lòng rất vui nhưng cũng không khỏi lo lắng. Đây là thử thách mới bởi công việc quản lý khi nào cũng khó khăn hơn việc đứng lớp. Khó khăn hơn nữa là khi một mình tôi là đàn ông trong cả một ngôi trường toàn giáo viên nữ, khó tránh khỏi bất đồng trong công việc” thầy Phương chia sẻ.
Dù vậy, thầy Phương cũng luôn nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên. Thầy góp phần giúp Trường mầm non Vĩnh Giang đạt được chuẩn quốc gia ở cấp độ 1.
Thầy Phương (áo trắng) trong một lần đưa học sinh đi viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. |
Bá Cường |
Sau 5 năm công tác tại Trường Mầm non Vĩnh Giang, thầy Phương được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Hiền. Hồi tháng 9.2020, xã Vĩnh Hiền sát nhập với xã Vĩnh Thành nên hai trường mầm non cũng gộp lại thành Trường Mầm non Hiền Thành. Thầy Phương tiếp tục giữ chức Hiệu trưởng.
Sau sáp nhập, từ con số 120 học sinh, 16 cán bộ, giáo viên đã tăng lên 290 học sinh và 36 cán bộ, giáo viên. Để nhanh chóng ổn định và bắt tay xây dựng lại, thầy Phương lập tức kết nối các giáo viên trong trường nâng cao đoàn kết cũng như năng lực chuyên môn, kêu gọi được nguồn tài trợ hơn 300 triệu đồng để sơn sửa, mua sắm thiết bị học tập, tạo môi trường tốt nhất cho trẻ được phát triển.
Giữa một môi trường phụ nữ chiếm số đông, thầy Phương vẫn làm tốt công việc của mình |
Bá cường |
Đến tháng 5.2021, Trường Mầm non Hiền Thành trở thành 1 trong 5 trường trên địa bàn huyện đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt chất lượng kiểm định mức độ 3. Bản thân thầy Phương cũng nhận bằng khen Chiến sĩ thi đua cơ sở do Sở GD-ĐT trao tặng.
“Những ngày đầu đứng lớp, có lúc vẫn không nghĩ mình sẽ làm nghề mà chỉ phù hợp với phụ nữ. Tuy nhiên, đến bây giờ tôi đang dần gặt hái lại thành quả của sự nỗ lực không chỉ của bản thân mà còn của cả tập thể. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục làm tốt công việc để các em có nơi sinh hoạt, học tập và phát triển thuận lợi nhất”, thầy Phương nói.
Bình luận (0)