Gặp nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ 'đầu nung lửa sắt'

26/04/2024 16:29 GMT+7

Tại TP.Điện Biên Phủ, đoàn đại biểu tham gia Hành trình 'Sinh viên với khát vọng non sông' đã được giao lưu với các nhân chứng lịch sử của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, là những 'Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt'.

Chiều 26.4, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức chương trình Giao lưu tiếp lửa truyền thống trong khuôn khổ Hành trình "Sinh viên với khát vọng non sông". Tham dự chương trình có anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.

Hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Minh Triết đã ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc và bày tỏ: "Nhìn lại những chặng đường đã qua, chúng ta tự hào vì đất nước Việt Nam đã vươn mình vượt qua bão giông, nắng lửa từ một nước nghèo nàn, lạc hậu thuộc địa, chúng ta đã vươn lên thành nước đang phát triển có vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng cao trên trường quốc tế. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Gặp nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ 'đầu nung lửa sắt'- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Minh Triết phát biểu tại chương trình

BẢO ANH

Anh Nguyễn Minh Triết cho biết, trong chương trình giao lưu tiếp lửa truyền thống ngày hôm nay, chúng ta sẽ được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử, những người đã ngửi mùi đạn, nếm hơi bom, những "Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt/Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!" như trong thơ Tố Hữu, để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Theo anh Nguyễn Minh Triết, đây là hoạt có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc ta, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", tiếp tục xây dựng và tăng cường niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Các nhân chứng lịch sử giao lưu tại chương trình

Các nhân chứng lịch sử giao lưu tại chương trình

BẢO ANH

Tại bài phát biểu của mình, anh Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: "Ban Thư ký T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam hy vọng rằng tất cả chúng ta, những người may mắn được sinh ra và lớn lên khi đất nước ta hòa bình, độc lập, tự do được lắng nghe, chia sẻ với những chứng nhân lịch sử để có thể có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về sự hy sinh, sự quả cảm "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" và về cái giá rất đắt của độc lập, tự do.

Từ đó, có thêm nhiều hiểu biết về lịch sử, thêm tự hào về truyền thống cách mạng và thêm tình yêu với quê hương, đất nước. Cũng để thế hệ trẻ ngày hôm nay, thế hệ trí thức làm nên tương lai của đất nước xác định cho mình hành động cụ thể trong học tập, rèn luyện, cống hiến".

Gặp nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ 'đầu nung lửa sắt'- Ảnh 3.

Các bạn trẻ chụp ảnh cùng các nhân chứng lịch sử

BẢO ANH

Sứ mệnh viết tiếp những mùa xuân hòa bình

Tại buổi giao lưu, các bạn trẻ đã được gặp gỡ với các nhân chứng lịch sử: cụ Phạm Đức Cư, nguyên cán bộ thông tin Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, Đại đoàn 351; cụ Bùi Kim Điều, nguyên Tiểu đội phó Thông tin Đại đoàn 312; cụ Phạm Bá Miều, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316.

Gặp nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ 'đầu nung lửa sắt'- Ảnh 4.

Ba nhân chứng lịch sử giao lưu tại chương trình

DƯƠNG TRIỀU

Cụ Phạm Đức Cư là một nhân chứng sống cho "huyền thoại kéo pháo" ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Chia sẻ cảm xúc của mình khi nghe lại những giai điệu quen thuộc được thể hiện qua bài "Hò kéo pháo" và nhìn lại hình ảnh của những người lính kéo pháo cách đây 70 năm qua những thước phim vừa được phát, cụ Phạm Đức Cư kể lại và nhớ như in từng dấu mốc lịch sử về quá trình kéo pháo qua những dốc núi khó khăn gian khổ như thế nào.

Rồi cụ nhắn gửi các bạn trẻ: "Các bạn trẻ phải thấu hiểu rằng tinh thần quyết chiến quyết thắng của chúng ta lớn lao đến chừng nào, ý nghĩa chừng nào. Bởi khi đó đất nước ta nhỏ bé, dân ta còn ít và 95% mù chữ… nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, để 56 ngày đêm chiến đấu và giành thắng lợi. Trong đó đã xuất hiện người anh hùng Tô Vĩnh Diện, lấy thân mình chèn giá pháo…".

Gặp nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ 'đầu nung lửa sắt'- Ảnh 5.

Các nhân chứng lịch sử giao lưu tại buổi gặp gỡ

DƯƠNG TRIỀU

Không chỉ dừng lại ở kéo pháo, huyền thoại Điện Biên Phủ còn được viết nên bằng hàng chục ngàn dân công hỏa tuyến đã tải hàng ngàn tấn hàng từ dưới xuôi lên Điện Biên phục vụ chiến dịch. 

Trả lời câu hỏi về động lực nào đã giúp cho quân và dân ta làm nên kỳ tích đó, cụ Bùi Kim Điều đã kể về những khó khăn, gian khó và cả những hy sinh của quân và dân ta trong giai đoạn chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ nhớ từng con số, cái tên trong ký ức của mình. 

Cụ Phạm Bá Miều, một chiến sĩ đào hầm ở Điện Biên Phủ, đã kể về 56 ngày đêm đào hầm "mưa dầm, cơm vắt". Cụ Miều cho biết, việc đào hào, thắt chặt trận địa tấn công bao vây, triệt đường tiếp tế và tiếp viện của địch đã góp phần rất lớn vào chiến công của dân tộc ta và cũng đã giúp bảo toàn lực lượng của quân đội ta...

Gặp nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ 'đầu nung lửa sắt'- Ảnh 6.

Cụ Phạm Bá Miều chia sẻ tại buổi giao lưu

BẢO ANH

Cụ Miều cũng nhấn mạnh công lao to lớn, sự tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời kể về chiến công của anh hùng Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai.

Lắng nghe câu chuyện của các cụ, các bạn trẻ đã bày tỏ cảm xúc của mình. Ai cũng thấy tự hào và cho rằng câu chuyện của các nhân chứng lịch sử đã soi rọi chính mình, nhắc nhở thế hệ trẻ về việc mình cần làm để viết tiếp những mùa xuân hòa bình mà thế hệ cha anh đã xây dựng bằng xương máu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.