Xướng danh đầu bảng
Chị cầm chiếc chổi cán dài quét những bông hoa mùn vàng rực trên lối đi, để bày bàn ghế ra. Dáng điệu nhẹ nhàng, chút nhọc nhằn, tần tảo như đong đưa theo cánh tay.
Cũng bàn tay ấy, gần 30 trước, ngọn roi dài đã tung hoành trên sân khấu, trên các khán đài trong Nam ngoài Bắc, sang tận Pháp, Nga, Hàn Quốc, làm trào lên những tiếng vỗ tay sau những phút giây nín thở, để rồi nghiễm nhiên được xướng danh đầu bảng, xứng đáng được xem là đại diện xuất sắc cho câu ca “Con gái Bình Định múa roi đi quyền” lúc bấy giờ, vốn không dễ dàng gì ở miền đất võ.
Tôi đi tìm chị, cũng do bỗng dưng nhớ lại cuốn “Miền đất võ” của nhà báo kiêm võ sư quá cố Đỗ Hóa. Hình như năm đó là 1988, sách ra đời. Tôi đã đọc say mê ở cái tuổi cấp 3 cũng máu me võ nghệ, vẫn còn nhớ ảnh bìa là một cô gái gọn gàng võ phục múa roi.
|
Tôi điện vào Bình Định, nhờ đồng nghiệp xác minh. Anh bảo, Nguyễn Thị Kim Thanh đấy, rồi nói đi tìm hết hơi mới biết được chỗ chị làm bây giờ. Tôi chờ từ 8 giờ đến 10 giờ sáng, mới gặp được chị.
Chỗ chị ngồi là vỉa hè đường Nguyễn Huệ - TP Qui Nhơn, sát mép biển. “Mấy hôm nay công an lập lại trật tự, nên đẩy đuổi miết. À, ngạc nhiên không em, võ sĩ gì như ục ịch, hồi còn đi biểu diễn chỉ 50 kg thôi”.
Chị cười thật tươi, nhập chuyện dứt khoát, không rào đón, đúng kiểu con nhà võ. Tôi nhắc chuyện cuốn sách bị nước lụt cuốn trôi rồi.
“Chị cũng mất nó. Khỉ khô gì, bao nhiêu huy chương vàng bạc, giấy khen, chị vứt hết, hận quá mà”. Đôi mắt sắc sảo bừng lên chút dữ dằn rồi dịu xuống ngay, da diết buồn.
Chị kể: Anh ruột là võ sư Kim Dũng, thấy cô em gái cứ thập thò đứng nhìn anh dạy võ, nghĩ chắc con bé này cũng thích học, nên cho nhập hội. Học 2 tháng là xong một bài quyền.
Bữa đầu cầm ngọn roi múa, quơ cái ào đụng ngay hàm răng, bay mất mấy chiếc. Thời đó, võ Bình Định đang lên ngôi. Những chuyến biểu diễn trong Nam ngoài Bắc cứ liên miên.
Chị học rất nhanh, học đủ 18 môn binh khí, nhưng đạt đỉnh là roi với bài “Ngũ môn phá trận” và kiếm với “Song đao phá thạch”.
Năm 18 tuổi được đưa vào biên chế của Bảo tàng Quang Trung ở huyện Tây Sơn, chuyên biểu diễn phục vụ khách tham quan.
Những lần đại hội võ thuật toàn quốc, không lúc nào vắng bóng chị đại diện cho Bình Định. Hai lần đi Nga, một lần đi Pháp khi con mới sinh chưa được 1 tuổi, một lần suýt đi Hàn Quốc nhưng bị kèn cựa nên chị bỏ.
Truân chuyên vì võ nghệ
Nhưng, chính sự say mê võ thuật ngấm vào trong máu, đã khiến cuộc đời chị liên tiếp đi qua những khúc cua bất ngờ. Vì không muốn vợ dính líu đến võ thuật, nên chồng ra sức can ngăn, gia đình bất hòa liên miên.
Chị nghỉ không biểu diễn nữa, nhưng mỗi khi có đoàn yêu cầu, là chị lén chồng, ra cầm roi. Lại bị bắt nghỉ. Phải 3-4 lần như thế. Lãnh đạo Sở TDTT lên gặp nhà chồng, khuyên răn năn nỉ đủ điều, nhưng không được.
Rồi vợ chồng chia tay, vì nghiệp võ mà duyên phận dở dang. Năm 1999, chị dắt ba đứa con về Qui Nhơn, làm việc ở Sở TDTT, lại đi thi đấu, lấy thêm 3 HCV nữa. Nhưng đâu có yên được.
Một vị thủ trưởng trực tiếp của chị, đã 60 tuổi, vợ vừa mất, mê chị, dụ dỗ mãi không được, bèn quay sang trù dập, đặt điều đủ thứ. Gia cảnh khó khăn, không có chỗ ở, chị mở hàng nước, bánh mì trước cổng Sở, thế là bị qui chụp là làm xấu mặt cơ quan, rồi bảo chị là làm gái bán thân nuôi miệng.
Không kìm được, trong một cuộc họp với đầy đủ thành phần, chị nói rằng tôi đóng góp công sức, tên tuổi ra sao, các anh đã biết, mẹ con tôi cực khổ thế nào, mọi người đã rõ.
|
Ở cơ quan này, tôi là hàng em út, các anh chị không thương đàn em thì thôi, đừng đày đọa mẹ con tôi nữa. Con trai chị cũng có năng khiếu võ thuật, vào học trường năng khiếu của tỉnh, cũng bị đẩy ra ngoài.
Chị nói thẳng với vị thủ trưởng kia, rằng thầy đáng bậc cha tôi, là thầy tôi, tôi kính trọng, nhưng thầy đừng ép tôi chuyện riêng tư. Chị khóc mãi. Họ đòi đuổi chị.
Chị bảo, tôi đồng ý nghỉ, nhưng phải nói lý do tôi sai phạm gì. Tôi đi biểu diễn, không cần huy chương, tiền bạc, chỉ cần quần chúng vỗ tay là được rồi, các anh hãy để tôi gắn bó với võ. Rồi tổ chức cũng làm rõ trắng đen.
Vị kia xấu hổ quá, bỏ Qui Nhơn ra đi. Chán nản cũng ùn lên trong chị. Năm 2004, chị tháo đai vứt lại, xin nghỉ hẳn một lần.
Bây giờ chỗ mẹ con chị sinh nhai đắp đổi qua ngày là mấy chiếc ghế giải khát ở vỉa hè này. Mùa nóng thì kiếm được chút đỉnh, chứ mùa mưa thì thúc thủ bó gối thôi. “Chị không có nhà à?”.
“Nhà trên Tây Sơn, lúc li dị, chị yêu cầu không được bán, bởi nghĩ sau này con trai lớn sẽ về ở. Về Qui Nhơn, nhiều người thương gia cảnh ngặt nghèo, bảo lãnh đạo tỉnh biết mày đó, điện mà nhờ họ giúp đi, công lao võ thuật của mày ở xứ này ai chẳng biết, người ta không làm ngơ đâu. Nhưng, chị không nhờ ai giúp. Mẹ con ở thuê, tiền nhà 1,2 triệu/tháng. Hai con trai đã có vợ, một đứa vợ chồng kéo vào Sài Gòn làm ăn, để chị nuôi thêm một đứa cháu nội. Có lần bỗng dưng người ta nhớ chị, mời đi dự họp ngày truyền thống của ngành, nghĩ lại đến ngồi nhận phong bì rồi về chứ tình cảm chi, bạc bẽo lắm, nên thôi”.
“Chị còn nhớ bài quyền nào không?”. Tôi chen một câu hỏi, như muốn ngăn giọt nước chực rơi trên khuôn mặt sạm nắng.
Chị chồm lên: “Sao không! Nhớ hết. Nhưng buồn lắm, bởi nghĩ lại Bình Định là đất võ, mà bây giờ phải xếp sau Sài Gòn kìa, bởi vì Sài Gòn biết nuôi nhân tài! Hôm kia mở ti vi xem biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, muốn điên lên. Ai đời nó đá bên phải mà mắt để bên trái, thi đấu chưa bị thúc gối đã nhảy lên, thì võ cái gì? Biểu diễn phải như thi đấu thật, dồn hết tâm lực vào đó, mới thành công được. Bây giờ thi để có huy chương, bằng cấp dễ lắm, còn thật sự sống chết với nghề, khó tìm lắm em ơi. Khổ luyện một phần, nhưng phải có khiếu thực sự, có sẵn trong máu kia, không say mê thật lòng, không chân thành thì khó thành công lắm”.
Trong hội đồng trọng tài - võ sư của Bình Định bây giờ, không có ai là nữ. Giải thích chuyện này cũng lắm nhiêu khê. Một ông nguyên là lãnh đạo Sở TDTT Bình Định, chép miệng: “Đến bây giờ, nữ võ sĩ, chẳng ai tài vượt qua được Kim Thanh đâu, nhưng số phận nó buồn quá, nghĩ mà thương, nhưng đành chịu”.
Tôi ngồi nán lại trên ghế nhựa ven đường, nhìn chị tất tả bày hàng, ngoài kia biển cồn cào sóng trắng bạc đầu, nghĩ đến những kiếp tài hoa, đến cái danh cái thực ở đời, lắm khi như trò chơi trong tay con tạo xoay vần.
Sự thành công là cộng hưởng của nhiều yếu tố như cha ông đã đúc kết “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Ngẫm nghĩ một lúc, đâm nản, cũng chép miệng thở dài, âu cũng là số rồi…
Theo Lê Trung Việt / Tiền Phong
Bình luận (0)