Gấp rút chuẩn bị trạm y tế lưu động tại Hà Nội

21/11/2021 05:45 GMT+7

Sở Y tế Hà Nội dự kiến lập 508 trạm y tế lưu động; 30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án lập trạm, phân công nhân sự phụ trách.

Đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội áp dụng mô hình này. Nhiệm vụ các trạm y tế lưu động ngoài quản lý, theo dõi F0 tại nhà và cộng đồng còn khám, điều trị, cấp phát thuốc cho người mắc các bệnh khác...

Theo ông Trương Kỳ Phong, Giám đốc Trung tâm y tế Q.Hà Đông, quận này đã chuẩn bị 17 trạm y tế lưu động đặt tại 17 phường, mỗi trạm có 5 cán bộ y tế. Ngoài cán bộ y tế quận, phường sẽ huy động thêm các y bác sĩ đã nghỉ hưu, khu vực tư nhân. Q.Hà Đông cũng đã khảo sát nhà văn hóa, trường học, công sở để chọn nơi đặt trạm y tế lưu động, địa điểm dự kiến lựa chọn là Trường mầm non cơ sở 2 Phú Lương, có thể tiếp nhận từ 160 - 200 F0. Ngoài ra, Q.Hà Đông cũng đã thí điểm cách ly F1 tại nhà với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai và người dưới 18 tuổi.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế Q.Nam Từ Liêm, cho biết quận này cũng đã thiết lập 10 trạm y tế lưu động trên 10 phường và đang lên phương án tài chính để trang bị cho các trạm y tế. Về thí điểm F1, ông Tuấn cho biết theo công điện thí điểm cách ly F1 tại nhà của TP, quận đang rà soát các trường hợp đủ tiêu chí.

Covid-19 sáng 21.11: Cả nước 1.084.625 ca nhiễm | Nhiều F1 ở Hà Nội chưa được cách ly tại nhà

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bài học rút ra trong chống dịch vừa qua với cả nước cũng như Hà Nội là cần dự báo đúng, tốc độ lây lan dịch rất nhanh nhưng dự báo chưa đúng nên số ca mắc mới tăng cao, dẫn tới bị động. Khi dịch đã bùng phát lên thì rất khó xử lý. Thứ 2 là xét nghiệm, ngoài phát hiện F0, ổ dịch phải xét nghiệm đánh giá nguy cơ, xét nghiệm phải theo điều tra dịch tễ, trả luôn kết quả trong ngày, xét nghiệm đuổi kịp lây lan, phục vụ kịp thời cho truy vết, xử lý ổ dịch. Về phong tỏa, phải tránh ngoài chặt trong lỏng, cần phong tỏa theo nguy cơ, nguy cơ đến đâu phong tỏa đến đó. Tránh cách ly tập trung nhưng không đầy đủ điều kiện dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo.

Về điều trị, phải tiếp cận được với bệnh nhân, tư vấn về việc theo dõi ô xy máu, phát hiện triệu chứng chuyển nặng để đưa đi điều trị, tránh tử vong. Đồng thời, phân biệt F0 nào cho điều trị tại nhà, F0 nào điều trị tại cơ sở y tế lưu động hoặc cần thiết can thiệp. “Bài học vừa qua, tử vong nhiều do số mắc cao, nhưng sự tiếp cận ca nhiễm chưa kịp thời, do đó bệnh nhân không được tư vấn, xử lý kịp thời, can thiệp điều trị không tiếp cận được với người bệnh. Chính vì vậy, trong chống dịch, công tác dự phòng vô cùng quan trọng, dự phòng tốt mới không bị động. Để vỡ trận dự phòng sẽ vỡ trận điều trị”, ông Phu nói.

“Chúng ta đã mở cửa trở lại, phải chấp nhận có F0 trong cộng đồng, không thể “zero F0”, nhưng phải làm sao để số mắc mới và số ca nặng không được tăng cao”, PGS-TS Phu nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.