Gấp rút triển khai tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bạch hầu

01/02/2023 15:26 GMT+7

Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu (Td) tại một số huyện của hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai còn thấp, trong khi thời điểm vắc xin Td hết hạn đã cận kề.

Ngày 1.2, tin từ Sở Y tế Đắk Lắk, đơn vị đã nhận được văn bản yêu cầu của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên (ký ngày 16.1) và đang có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu (Td) trên địa bàn.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, hiện một số huyện thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai có tỷ lệ tiêm vắc xin Td mũi 1 và mũi 2 vẫn còn thấp (dưới 90%), chưa đạt yêu cầu trên tổng số đối tượng cần được tiêm vắc xin. Vắc xin Td được Chính phủ cấp riêng cho các tỉnh Tây nguyên phòng chống bệnh bạch hầu, việc thực hiện thuộc trách nhiệm của các địa phương.

Đắk Lắk: Gấp rút triển khai tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bạch hầu - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân ở Đắk Lắk

SỞ Y TẾ ĐẮK LẮK

Vì vậy, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai chỉ đạo Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật khẩn trương thực hiện tiêm vắc xin Td trong tháng 1 và 2.2023. Theo đó, chỉ đạo các địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 1 và 2 dưới 90% tích cực rà soát các đối tượng chưa được tiêm và tiêm chưa đủ mũi vắc xin Td để tiêm vét, tiêm bổ sung.

Đảm bảo các đơn vị tuyến huyện, trước tháng 3.2023 phải đạt tỷ lệ tiêm 2 mũi trên hoặc bằng 90% cho các đối tượng được tiêm theo Quyết định số 3054/QĐ-BYT ngày 15.7.2020 của Bộ Y tế.

"Các tỉnh xây dựng kế hoạch rà soát đối tượng từ 49 tháng tuổi trở lên chưa được tiêm vắc xin Td thì cần tiêm 2 mũi vắc xin Td. Các địa phương chịu trách nhiệm về việc để hết hạn vắc xin Td (hạn sử dụng ngày 3.3.2023)", văn bản của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên nhấn mạnh.

Trước đó, trong năm 2020, trên địa bàn một số tỉnh Tây nguyên ghi nhận nhiều ca mắc bệnh bạch hầu. Bộ Y tế ban hành quyết định số 3054/QĐ-BYT ngày 15.7.2020 phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Tây nguyên: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan; phòng, chống hiệu quả bệnh bạch hầu trên địa bàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.