Chiều tối 20.10, trước khi rời thủ đô Riyadh (Ả Rập Xê Út) về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con kiều bào tại Ả Rập Xê Út.
Vượt hơn 5 tiếng lái xe, chị Nguyễn Thị Huyền, sinh sống tại Bahrain, cho biết đã cùng 3 con gái từ Bahrain sang Ả Rập Xê Út tham dự buổi gặp mặt của Thủ tướng.
Trao đổi với Thanh Niên, chị Huyền cho biết đã mở nhà hàng Việt đầu tiên tại Bahrain. Dù có một số khó khăn, chỉ có khoảng 40 người Việt, song Bahrain cũng có rất nhiều cơ hội cho người Việt tới làm ăn và sinh sống.
Tại buổi gặp mặt, Đại sứ Việt Nam tại Ả Rập Xê Út Đặng Xuân Dũng cho biết, sứ quán đã có nhiều hoạt động hỗ trợ kiều bào người Việt, đặc biệt trong thời gian dịch.
Hiện tại, Ả Rập Xê Út không có nhiều người Việt sinh sống lâu dài tại Ả Rập Xê Út mà chủ yếu sinh sống ngắn hạn theo hợp đồng. Trước dịch Covid-19, có khoảng 20.000 người Việt sinh sống tại đây, song hiện chỉ còn 5.000 người, sinh sống rải rác. Chủ yếu thực hiện các công việc lao động thủ công như thợ hàn, thợ xây và mới đây là kỹ sư công nghệ.
Theo Đại sứ Dũng, hợp tác lao động được ký mới đây giữa Việt Nam và Ả Rập Xê Út là văn kiện rất được mong chờ, nhằm tận dụng cơ hội cung ứng lao động khi Ả Rập Xê Út triển khai xây dựng các đại dự án, đặc biệt là lao động tay nghề cao.
Người lao động Việt sống rải rác khắp Ả Rập Xê Út, nên Đại sứ quán luôn phối hợp chức năng sở tại bảo vệ tối đa quyền lợi của công dân, hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Đại sứ Đặng Xuân Dũng cũng kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý như Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác về nguồn nhân lực, lao động, tận dụng thời cơ phía bạn đang triển khai nhiều dự án và bảo vệ quyền lợi chính đáng người lao động.
Chia sẻ với Thủ tướng, anh Phùng Ngọc Lâm, đại diện các kỹ sư Việt Nam làm việc tại CEER - Công ty xe điện đầu tiên của Ả Rập Xê Út, bày tỏ mong muốn hai nước có nhiều hợp tác để sản phẩm Việt Nam, món ăn Việt Nam được phổ biến rộng rãi tại Ả Rập Xê Út, giúp người Việt xa xứ đỡ nhớ quê hương.
Chị Lê Diệu Hoa, công nhân làm việc tại Công ty may thời trang Eman tại thủ đô Riyadh từ năm 2019, cho biết gặp nhiều khó khăn khi mới sang Ả Rập Xê Út do xa quê hương, không quen đồ ăn. Nhưng hiện tại cuộc sống của chị và nhiều người Việt khác đã tương đối ổn định. Lương công nhân làm việc lâu dài tại công ty này hiện khoảng 25 - 32 triệu đồng/tháng.
Anh Phạm Gia Toàn, kỹ sư của Công ty cung cấp dịch vụ dầu khí SID, có kinh nghiệm 17 năm làm việc tại nhiều nước châu Âu và nay là Ả Rập Xê Út. Theo anh Toàn, 5 năm gần đây, Ả Rập Xê Út có rất nhiều thay đổi, nhiều triển vọng tích cực. Đây là cơ hội rất lớn cho cộng đồng người Việt, Đại sứ quán mở rộng sự hiện diện của người Việt tại Ả Rập Xê Út.
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng với sự hiện diện đông đảo của bà con người Việt tại đây. Đồng thời, gửi lời chúc mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam (20.10) tới chị em phụ nữ đang sinh sống tại Ả Rập Xê Út.
Thủ tướng cho biết, sau chuyến thăm lần này quan hệ đầu tư, hợp tác lao động giữa hai nước sẽ được thúc đẩy. Ả Rập Xê Út sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, mở rộng các lĩnh vực, trong đó có thị trường lao động.
"Lao động người Việt có cơ hội việc làm tại Ả Rập Xê Út nhiều hơn, là cầu nối thúc đẩy thị trường lao động với nước bạn", Thủ tướng nhấn mạnh và mong có thêm sự đóng góp của cộng đồng người Việt lao động tại đây.
Nhắc lại các dấu ấn kinh tế phát triển tích cực của Việt Nam trong thời gian gần đây, Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn người Việt dù bất cứ đâu cũng đều cố gắng, nỗ lực vượt qua thách thức, thích nghi với cuộc sống, công việc nước sở tại và hướng về quê hương.
"Dù ở đâu cũng hướng về quê hương, đất nước. Ai làm ăn xa thì cũng sẽ trở về quê hương đất nước, quan trọng nhất là tình cảm - sợi dây gắn kết gia đình, bạn bè, đất nước", Thủ tướng nói.
Chính phủ, Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện để lao động có cơ hội học tập, nghiên cứu và làm việc tại nước sở tại. Thủ tướng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út có trách nhiệm nắm tình hình, kết nối và hỗ trợ kiều bào.
"Cán bộ Đại sứ quán phải xem bà con như người thân, giải quyết công việc không kể ngày đêm khi họ cần, làm không phải vì trách nhiệm, mà vì tình cảm "lá lành đùm lá rách'", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)