Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), nói rằng những thay đổi trong dự luật Giáo dục (sửa đổi) đã "gần như tước đoạt quyền điều hành nhà trường của các nhà đầu tư". Nếu xảy ra tình huống như vậy, ông sẽ phải "bán trường và có mặt ở cầu Thăng Long”.
Ông Nguyễn Xuân Khang đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên sau một hành trình ông và các chủ trường tư thục kiến nghị, phản biện một số nội dung liên quan đến quyền sở hữu, quyền điều hành của trường tư trong luật Giáo dục (sửa đổi).
Không bức xúc, lo lắng mới là… kỳ lạ !
Thưa ông, có phải mới đây khi phát biểu góp ý về một số nội dung liên quan đến trường tư thục trong dự luật Giáo dục (sửa đổi), ông đã nói nếu những nội dung ấy được thông qua ông sẽ phải bán trường và thậm chí muốn... nhảy cầu. Tại sao ông lại có bức xúc như vậy?
Sau khi nghiên cứu dự luật Giáo dục (sửa đổi) phiên bản ngày 12.4.2019, bức xúc lên đến đỉnh điểm đã dẫn tới những cảm xúc tiêu cực và tôi đã phát biểu rằng, nếu dự luật này được thông qua, tôi - Chủ tịch kiêm Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, sẽ rao bán trường trước khi luật có hiệu lực. 30 năm qua, từ lúc 43 tuổi, tôi rời khỏi Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, ra khỏi biên chế nhà nước để mò mẫm xây dựng trường phổ thông tư thục đầu tiên ở VN, gian nan vất vả, chìm nổi gần 30 năm để có một ngôi trường như hiện nay, được nhân dân yêu quý tin tưởng gửi con em vào học; được ngành GĐ-ĐT từ Bộ đến Sở đánh giá trân trọng, động viên… Nếu rơi vào tình huống phải rao bán trường là một điều bất đắc dĩ. Nếu bán không được hoặc bị “quốc hữu hóa” hoặc một “kiểu” gì đó chia sẻ quyền sở hữu, quyền điều hành của trường thì tôi sẽ có mặt ở dưới chân cầu Thăng Long. Tôi hy vọng điều này không xảy ra.
Tôi đã thức trắng nhiều đêm. Khi thay mặt các trường tư thục chấp bút viết bản kiến nghị gửi cơ quan chức năng, nói thật là tôi đã viết trong nước mắt. Dù tự dặn mình rằng phải thật bình tĩnh, nén lại cảm xúc để viết ra những điều lý trí nhất nhưng nước mắt cứ vô thức tuôn trào. Những người ký vào bản kiến nghị như chúng tôi, hầu hết đều đã ngoài 70 tuổi, đã dành cả cuộc đời mình, toàn tâm, toàn ý xây dựng nên ngôi trường này. Chưa kể bao nhiêu tiền của, công sức bỏ ra và chỉ mong bình an, yên ổn để làm việc, để đóng góp cho sự nghiệp GD-ĐT.
Luật hiện hành đã là tiến bộ, lẽ ra sửa luật là để phù hợp với thực tiễn và có tầm nhìn tiến bộ hơn thì những nội dung trong dự thảo luật là kéo lùi thực tiễn, kéo lùi luật pháp, chính sách xã hội đối với hệ thống các trường tư, tước quyền sở hữu, tước quyền điều hành. Các trường đã hình thành làm sao tồn tại được nữa, các nhà đầu tư khác làm sao dám đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tư thục nếu dự luật này được thông qua.
Bản kiến nghị mà những người đứng đầu các trường tư thục đã đề cập tới gồm nội dung gì, thưa ông?
Chúng tôi, những nhà đầu tư của nhiều trường phổ thông tư thục đã đồng loạt ký văn bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị về các điều 49, 56 và 100 của dự luật Giáo dục (sửa đổi). Những điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 2 quyền trụ cột nhất của các nhà đầu tư trường tư thục, đó là quyền sở hữu và quyền điều hành. Điều 49, 56 và 100 của dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) làm cho tất cả các nhà đầu tư chỉ có thể nghĩ đến một điều thảm hại nhất: Bị tước quyền sở hữu! Như vậy các nhà đầu tư không lo lắng mới kỳ lạ!
Điều 49 về nhà đầu tư, không có một câu nào thể hiện cụm từ “quyền sở hữu” của nhà đầu tư. Điều 100 về quyền sở hữu tài sản, chuyển nhượng vốn đối với trường tư thục, dự thảo luật quy định tài sản của trường dân lập, tư thục thuộc chủ sở hữu pháp nhân nhà trường. “Pháp nhân nhà trường” là ai? Có thể có nhà đầu tư và thêm các thành viên nào đó (không góp vốn); thậm chí có thể không có nhà đầu tư, chỉ có các thành viên nào đó không cần góp vốn!
Còn cách viết của điều 56 dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) loại bỏ hội đồng quản trị của trường tư hiện nay, tức là loại bỏ tổ chức đại diện của nhà đầu tư ở loại hình tư thục. Hội đồng quản trị bị thay thế bằng hội đồng trường trong tương lai với rất nhiều thành phần không có vốn góp. Nhà đầu tư có nguy cơ bị tước đoạt quyền điều hành nhà trường! Chúng tôi khẳng định: Quyền sở hữu và quyền điều hành của nhà đầu tư không thể bị chia sẻ cho bất cứ ai không có vốn góp!
Thầy Khang bên cạnh học sinh trong ngôi trường tâm huyết xây dựng hơn 30 năm qua ẢNH: SƠN LÂM
“Và con tim… đã vui trở lại”
Trước bản kiến nghị này, cơ quan chức năng đã có động thái phản hồi gì, thưa ông?
Chúng tôi vui nhất, tất nhiên là vì quyền sở hữu và quyền điều hành của những người đầu tư thành lập trường đã không còn nguy cơ đe dọa. Nhưng điều cũng khiến chúng tôi vui và có niềm tin còn bởi vì nhìn thấy cách làm luật cởi mở, dân chủ, lắng nghe và tiếp thu rất hợp tình, hợp lý
Sau khi bản kiến nghị gửi đi 2 ngày, chúng tôi (hơn 20 nhà đầu tư của các trường tư thục) đã nhận được giấy mời hỏa tốc của Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội để nghe ý kiến góp ý, thảo luận về nội dung liên quan trong dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) vào sáng 11.5.
Chúng tôi đã đến và một lần nữa phát biểu lại, làm rõ hơn những nội dung đã viết trong bản kiến nghị. Tôi đã thức đến gần 5 giờ sáng 10.5 để viết nội dung phát biểu của cá nhân mình tại cuộc họp này.
Vậy kết quả là... ?
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội là người điều hành buổi làm việc và đại diện ban soạn thảo dự luật Giáo dục (sửa đổi). Rất mừng là buổi làm việc đã giúp vỡ lẽ, giải tỏa được những bức xúc căn bản nhất của các nhà đầu tư trường tư thục như chúng tôi.
Đại diện ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật Giáo dục (sửa đổi) và chúng tôi đi đến thống nhất sẽ phải sửa lại dự thảo luật rõ ràng hơn theo hướng tất cả các trường tư thục muốn thành lập trường thì trước hết phải thành lập công ty (một tổ chức kinh tế) để sở hữu và quản lý trường theo luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp hiện hành. Tuy nhiên, rất nhiều trường như Marie Curie Hà Nội đã thành lập hàng chục năm nay mà không hề có công ty sở hữu thì sau khi luật được ban hành sẽ thực hiện theo hướng dẫn của nghị định.
Chúng tôi sẽ phải thành lập công ty để sở hữu và quản lý nhà trường, chỉ có điều việc này sẽ hơi “ngược” so với những trường mới thành lập sau khi luật đi vào thực tiễn, nghĩa là có trường rồi mới có công ty. Cá nhân tôi và các trường đều thống nhất đồng tình với phương án sửa đổi này. Những gì do lịch sử để lại như mã số thuế của trường hiện nay với mã số thuế khi thành lập công ty sẽ ra sao…, thì sẽ được tháo gỡ dần bằng những văn bản hướng dẫn dưới luật.
Còn về điều 56 trong dự thảo luật khiến chúng tôi lo lắng rằng hội đồng quản trị hiện nay sẽ bị thay thế bằng hội đồng trường, thì tại buổi làm việc đại diện ban soạn thảo dự án luật đã giải thích do cách viết sai về kỹ thuật dẫn tới cách hiểu sai. Ban soạn thảo cũng hứa sẽ thay đổi về mặt kỹ thuật trong dự thảo tới.
Nhưng sau những đêm trắng, những giọt nước mắt, những bức xúc lên đến đỉnh điểm, hẳn ông và các nhà đầu tư trường tư thục khác thấy những nỗ lực của mình không uổng phí?
Vào 12 giờ trưa 11.5, sau cuộc họp, tôi về đến trường, anh em đang chờ và túm lấy hỏi han, “thành công không thầy”... và rồi họ tự trả lời câu hỏi của chính mình bằng nhận xét: Tuy sắc mặt có “bơ phờ” chút chút nhưng vẫn lộ vẻ mừng vui.
Như vậy là cuối buổi họp, các nhà lập pháp cũng như những người bị điều chỉnh bởi luật Giáo dục là chúng tôi đã “gặp nhau”. Tất nhiên sẽ phải chờ những lời hứa thay đổi thể hiện trong dự thảo luật trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới (khai mạc vào cuối tháng 5 - PV). Tôi chỉ muốn nói rất thật cảm xúc của mình lúc này đúng như câu hát của nhạc sĩ Đức Huy: “và con tim đã vui trở lại”…
Chúng tôi vui nhất, tất nhiên là vì quyền sở hữu và quyền điều hành của những người đầu tư thành lập trường đã không còn nguy cơ đe dọa. Nhưng điều cũng khiến chúng tôi vui và có niềm tin còn bởi vì nhìn thấy cách làm luật cởi mở, dân chủ, lắng nghe và tiếp thu rất hợp tình, hợp lý. Đó là một cách làm văn minh và cần thiết trước khi ban hành bất cứ văn bản chính sách nào, nhất là những chính sách có tác động lớn đến đời sống, xã hội.
Bình luận (0)