Gấu trúc có thể bị 'jet lag'?

19/09/2023 21:38 GMT+7

Những con gấu trúc khổng lồ sống trong điều kiện nuôi nhốt có thể bị "chứng jet lag" nếu đồng hồ sinh học của chúng không phù hợp với môi trường.

Dựa trên nghiên cứu mới được công bố trên chuyên san Frontiers in Psychology ngày 18.9, "jet lag" (tình trạng mệt mỏi sau chặng bay dài giữa hai vùng chênh lệch múi giờ) không được định nghĩa là việc mất ngủ do lệch múi giờ, thay vào đó, nó mô tả tình trạng thiếu khả năng thích nghi đầy đủ các điều kiện sống từ môi trường. Điều này có thể có tác động đáng kể đến sức khỏe và hành vi của các loài có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có gấu trúc.

Giống như tất cả loài động vật, gấu trúc có đồng hồ sinh học và nó được điều chỉnh bởi các tín hiệu từ môi trường sống. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy vấn đề sẽ nảy sinh khi các tín hiệu mà chúng tiếp xúc trong điều kiện nuôi nhốt không khớp với các tín hiệu trong môi trường tự nhiên của chúng.

Gấu trúc có thể bị 'jet lag'? - Ảnh 1.

Một con gấu trúc được nuôi ở sở thú Madrid, Tây Ban Nha

REUTERS

Phát hiện mới có ý nghĩa khá quan trọng trong việc cân nhắc cách chăm sóc các loài động vật quý hiếm đang được nuôi nhốt, với nhiều loài trong số đó có nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên.

Bà Kristine Gandia, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Stirling ở Scotland, nói với đài CNN: "Động vật, bao gồm con người, đã tiến hóa theo nhịp độ để đồng bộ hóa môi trường bên trong với môi trường bên ngoài".

"Khi đồng hồ bên trong không được đồng bộ hóa với các tín hiệu bên ngoài như ánh sáng và nhiệt độ, động vật sẽ gặp phải những ảnh hưởng bất lợi. Ở người, điều này có thể bao gồm từ tình trạng mệt mỏi khi đi máy bay đến các vấn đề về trao đổi chất và rối loạn cảm xúc theo mùa", bà Gandia nói.

Gấu trúc khổng lồ được chọn làm đối tượng nghiên cứu một phần vì chúng sống theo mùa. Việc di cư xảy ra vào mùa xuân vì gấu trúc chỉ ăn một số loài tre và đi tìm chồi mới. Mùa xuân cũng là mùa giao phối của loài này.

Để thực hiện nghiên cứu, nhóm nhà khoa học do bà Gandia đứng đầu đã đặt máy quay để theo dõi 11 con gấu trúc khổng lồ ở 6 sở thú khác nhau. Cách này cho phép nhóm nghiên cứu quan sát hành vi của gấu trúc trong suốt 24 giờ mỗi ngày.

Cặp gấu trúc đỏ song sinh chào đời tại vườn thú Anh

Theo bà Gandia, các yếu tố như nhân viên vườn thú đến thăm thường xuyên cũng có thể tác động đến đồng hồ sinh học của gấu trúc. Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng cũng phụ thuộc vào vĩ độ của khu vực môi trường nơi gấu trúc được nuôi nhốt, bởi đây là yếu tố quyết định lượng ánh sáng và nhiệt độ mà các con vật nhận được.

"Khi gấu trúc khổng lồ được nuôi ở vĩ độ cao hơn, nghĩa là chúng trải qua nhiều mùa khắc nghiệt hơn mức chúng tiến hóa, điều này làm thay đổi mức độ hoạt động chung và hành vi bất thường của chúng", theo nhóm nghiên cứu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.