Gay cấn cuộc đua chiếc ghế nóng VFF

18/07/2020 08:30 GMT+7

Từ đề cử của các tổ chức thành viên, đại hội thường niên Liên đoàn Bóng đá VN vào ngày 8.8 sẽ bầu Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ - chức vụ đã để trống hơn 1 năm qua sau khi ông Cấn Văn Nghĩa xin từ chức.

Ba ứng viên xin rút

Nếu được bầu, tôi sẽ nỗ lực kiếm cho VFF nguồn tài chính dồi dào để đầu tư sâu vào đào tạo trẻ, bóng đá nam nữ sẽ được chăm lo

Ông Phạm Thanh Hùng
Sau 10 ngày Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) loan tin tìm người “biết kiếm tiền” cho bóng đá VN, 72 tổ chức thành viên VFF đã gửi danh sách giới thiệu 6 ứng viên vào chức danh Phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF khóa 8: Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn; Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) Trần Anh Tú; Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần thể thao Động Lực, Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền VN, Trưởng ban Vận động tài trợ VFF Lê Văn Thành; Trưởng ban Bóng đá nữ VFF, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng; Tổng giám đốc Công ty Berjaya kiêm Chủ tịch CLB FK Sarajevo (FKS) của Bosnia & Herzegovina Nguyễn Hoài Nam; Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần ca cao VN Trần Văn Liêng.

Tôi sẽ tham gia tranh cử và cũng đã có kế hoạch cụ thể cho công việc của mình nếu trúng cử

Ông Lê Văn Thành

Đến ngày 22.7, các ứng viên sẽ phải có văn bản gửi VFF về việc mình có chính thức tham gia tranh cử tại đại hội hay không. Nhưng đến thời điểm hiện tại, các ông Trần Quốc Tuấn, Trần Anh Tú, Nguyễn Hoài Nam đã xin rút.
Xin được giải thích rõ hơn về bối cảnh VFF phải bầu chức danh này khi nhiệm kỳ VFF khóa 8 mới chỉ đi được một nửa chặng đường. Tháng 6.2019, chỉ 8 tháng sau khi được đại hội VFF bầu giữ cương vị Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ, ông Cấn Văn Nghĩa, nguyên Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia, đã xin thôi chức vì một số lý do. Chiếc ghế này bị bỏ trống, nhưng trên thực tế một phó chủ tịch khác của VFF là ông Trần Quốc Tuấn trong hơn một năm qua đã phải gánh vác thêm cả phần việc quan trọng mà ông Nghĩa để lại. Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách của đời sống bóng đá VN, VFF đã xin phép Bộ Nội vụ để được tiến hành đại hội thường niên, chọn ra nhân vật ngồi ghế nóng.

Muốn kiếm tiền cho VFF khác với bầu Đức

Tôi không muốn bóng đá VN bị lệ thuộc vào một vài cá nhân mà cần phải xã hội hóa

Ông Trần Văn Liêng

Ngày 17.7, trả lời Thanh Niên, ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh, nói: “Tôi cho rằng Phó chủ tịch tài chính và vận động tài trợ VFF là một chức danh đòi hỏi người đảm trách nó phải đam mê bóng đá, tâm huyết và rất có uy tín. Đây là vị trí không phải ai cũng có thể gánh vác được vì không chỉ phải có kinh tế vững mạnh, nghĩa là người đó phải thực sự có tiền và biết cách kiếm tiền cho VFF. Không phải ngồi vào đó để đánh bóng tên tuổi. Tôi nghĩ rằng nếu được bầu vào chức danh này, tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, kêu gọi được các nguồn lực xã hội. Năm nay, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và bị thiệt hại rất nhiều vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên người gánh vác công tác tài chính cho VFF càng phải biết phát huy năng lực và uy tín của mình, để làm sao không chỉ năm nay mà trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ VFF khóa 8, VFF vẫn duy trì được các nguồn thu lớn. Không chỉ nói suông mà cần phải biết hành động một cách thực sự và đem lại hiệu quả cao. Nếu được bầu, tôi sẽ nỗ lực kiếm cho VFF nguồn tài chính dồi dào để đầu tư sâu vào đào tạo trẻ, bóng đá nam nữ sẽ được chăm lo, trong đó đội tuyển nữ VN sẽ mở ra cơ hội lớn dự World Cup nữ 2023. Các CLB cũng sẽ được hỗ trợ”. Theo quy định, nếu trúng cử, ông Hùng sẽ phải chuyển giao chức Chủ tịch Than Quảng Ninh cho người khác.
Năm 2020, VFF dự kiến thu 255 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ dự án là gần 33 tỉ đồng (dự án FIFA gần 20 tỉ đồng và dự án của AFC, AFF khoảng 12,4 tỉ đồng) và từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ vào khoảng gần 223 tỉ đồng. VFF dự kiến nguồn chi năm 2020 vào khoảng gần 248 tỉ đồng, trong đó chi cho tất cả các hoạt động khoảng hơn 237 tỉ đồng và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng hơn 10 tỉ đồng. Dự tính lãi năm 2020 khoảng gần 7,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nguồn thu của VFF năm 2020 dự báo sẽ bị giảm khoảng 6% và VFF đứng trước nguy cơ không có lãi.
Còn ông Trần Văn Liêng phát biểu: “Trước Đại hội nhiệm kỳ VFF khóa 8, tôi đã từng là một trong các ứng viên và cũng đã từng đưa ra đề án rất rõ ràng về việc nếu trúng cử, tôi sẽ làm gì để có lợi cho bóng đá VN. Rất tiếc là ở đại hội vào tháng 12.2018, ông Cấn Văn Nghĩa đã trúng cử, đề án của tôi đã bị VFF bỏ qua. Tôi đã được tái đề cử và một lần nữa tôi sẽ bước vào cuộc đua một cách quyết liệt. Hệ sinh thái bóng đá VN (VFEco) do tôi xây dựng là một app ứng dụng hoạt động trên nền tảng điện thoại thông minh và các thiết bị di động khác cho phép người hâm mộ dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bóng đá. Nguồn thu chính của VFEco là người dùng trả phí tải app ứng dụng theo các gói dịch vụ sản phẩm bóng đá. Trong thời kỳ công nghệ phát triển như vũ bão, VFEco càng có cơ hội đem lại nguồn tài chính lớn cho VFF, khi ai cũng có thể sử dụng và qua đó đóng góp một cách hiệu quả cho bóng đá”.
Ông Liêng cho hay: “Tôi đã từng đưa ra con số dự toán là năm 2019 VFEco sẽ mang về khoảng 125 tỉ đồng cho VFF. Nay tôi không lặp lại con số đó nữa nhưng tôi sẽ chứng minh được bằng hành động cụ thể. Tôi không nói xấu anh Đức (ông Đoàn Nguyên Đức), thậm chí ca ngợi anh Đức là một người hào hiệp, sẵn sàng bỏ tiền túi để nuôi bóng đá VN, không thể tìm ra một anh Đức thứ 2. Nhưng tôi không muốn bóng đá VN bị lệ thuộc vào một vài cá nhân mà cần phải xã hội hóa. Không chỉ làm giàu cho bóng đá VN bằng một con đường duy nhất. Đó là lý do khiến tôi quyết tâm tham gia tranh cử và tôi hy vọng VFF sẽ có cách kiếm tiền thực sự mới mẻ hơn”.
Một ứng viên khác là ông Lê Văn Thành tỏ ra khá thận trọng, chưa muốn phát biểu gì vào thời điểm này mà mới chỉ nhỏ nhẹ cho hay: “Tôi sẽ tham gia tranh cử và cũng đã có kế hoạch cụ thể cho công việc của mình nếu trúng cử”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.