Gay cấn cuộc đua thu hút FDI

23/09/2019 06:08 GMT+7

Sau Thái Lan, Indonesia là quốc gia thứ 2 công khai cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Một bài báo mới đây trên trang Thejakartapost của Indonesia đã đặt thẳng vấn đề, tại sao FDI không vào Indonesia? Trong đó dẫn chứng, nguồn FDI vào khu vực Đông Nam Á rất mạnh, nhưng lại không đến Indonesia. Bằng chứng là 33 nhà đầu tư rời khỏi Trung Quốc kể từ tháng 6 do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhưng hầu hết đã chuyển khoản đầu tư của họ sang VN và hầu như không ai đến Indonesia. Chính tổng thống Indonesia phải lệnh các bộ liên quan thu hút FDI của nước này phải giải quyết vấn đề này lập tức.

Thái Lan, Indonesia nhập cuộc

Bài báo phân tích: Bản chất của thương chiến là ảnh hưởng nhiều nhất đến ngành sản xuất xuất khẩu. Trong khi VN luôn đi trước các nước Đông Nam Á trong chiến lược tán thành tăng trưởng theo hướng xuất khẩu. “Một chính sách thúc đẩy FDI tiến bộ đã thực sự cho thấy hiệu quả. Để vượt VN trong thu hút FDI vào sản xuất, chính phủ Indonesia cần làm nhiều, linh hoạt trong đào tạo lao động, tạo những sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng tay nghề…”, bài báo trên Thejakartapost nêu.
Câu chuyện thu hút FDI không còn đơn giản là thuế, ưu đãi đất, chính sách thông thoáng, lao động giá rẻ nữa mà phải chỉ cho nhà đầu tư thấy tương lai phát triển bền vững của họ ở đó
 
Trước đó, Thái Lan cũng tung gói hỗ trợ mới, giảm đến 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm cho các công ty có vốn đầu tư thực tế ít nhất 1 tỉ baht (khoảng 32,61 triệu USD). Trong chính sách thu hút FDI, chính phủ nước này cũng đã cung cấp cho các công ty trong hành lang kinh tế phương Đông (EEC) được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 13 năm và giảm 50% thuế tối đa 5 năm. Việc tung gói hỗ trợ thuế đến 50% được coi là một trong những động thái cạnh tranh trực tiếp với VN của Thái Lan trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang chững lại.
Có thể thấy, đang có cuộc đua thu hút vốn FDI diễn ra ngày càng gay gắt trong các nước khu vực FDI. Dù được các nước nói trên coi là đối thủ đáng gờm, nhưng số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cập nhật hết tháng 8 cho thấy, VN thu hút được 22,63 tỉ USD FDI, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 9,13 tỉ USD, giảm 32,3% so với cùng kỳ, vốn đăng ký tăng thêm gần 4 tỉ USD giảm 29,6%. Như vậy, đầu tư nước ngoài vào VN đang có xu hướng giảm. 6 tháng đầu năm nay, chỉ có 6.243 dự án FDI vào VN trong khi cùng kỳ năm trước là 8.152 dự án.

Chủ quan sẽ bị hụt hơi

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), thông tin Thái Lan đã có danh sách khoảng 100 công ty ở Trung Quốc đang tìm hiểu chính sách thu hút đầu tư của nước này. Indonesia không hề kém cạnh khi mới đây, một đối tác của Apple là Pegatron đã đầu tư 300 triệu USD vào Indonesia thay vì VN như dự định trước đó.
Ngay Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ từ Trung Quốc quay về nước đầu tư. Chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích DN Mỹ mang nhà máy về quốc gia này cũng đã được đề cập đến. “Câu chuyện thu hút FDI không còn đơn giản là thuế, ưu đãi đất, chính sách thông thoáng, lao động giá rẻ nữa mà phải chỉ cho nhà đầu tư thấy tương lai phát triển bền vững của họ ở đó.
Phải hấp dẫn lắm để họ nhìn mình và ấn tượng về mình trong “rổ” chính sách thu hút FDI của các nước. VN có một số lợi thế, các quốc gia trong khu vực ASEAN cũng có một số lợi thế. Mẫu số chung là đều có nguồn lao động dồi dào và đang khao khát thu hút FDI. Thế nên, nếu chậm chân, chủ quan, VN có thể bị chững lại trong cuộc đua này”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư thì lưu ý, các “ông lớn” vẫn chưa thực sự chọn VN. Không chỉ có Thái Lan và Indonesia, Ấn Độ cũng đang là quốc gia thu hút FDI rất tốt. Ông Doanh cũng cho rằng, thu hút FDI thế hệ mới không có chuyện “bằng mọi giá” và đừng để VN thành nơi “bán giấy phép”. Thế nên, để tận dụng được cơ hội từ làn sóng FDI, VN cần phải có sự chuẩn bị tốt từ hoàn thiện môi trường đầu tư, đầu tư hạ tầng, logistics… để thu hút đồng bộ và chính sách ưu đãi thuế không nên coi là tối ưu trong thu hút đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.