“Dựng cờ phản chiến giữa nước Mỹ” và từ trong lòng nước này đã theo dõi suốt diễn biến của việc Washington can thiệp quân sự vào VN, GS Ngô Vĩnh Long đánh giá cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã gây sốc cho mọi giới ở Mỹ.
|
Năm 1964, ông qua Mỹ theo học Đại học Harvard được khoảng 1 năm. Vào tháng 4.1965, chỉ hơn một tháng sau khi quân Mỹ chính thức đổ bộ vào Đà Nẵng, người sinh viên trẻ Ngô Vĩnh Long nằm trong nhóm tổ chức cuộc xuống đường với sự tham gia của khoảng 25.000 người tại thủ đô Washington D.C để phản đối hành động leo thang của Nhà Trắng. Ông cùng GS Noam Chomsky tổ chức vô số hoạt động khác khơi dậy làn sóng phản chiến trên khắp nước Mỹ. Từ làn sóng này, vào tháng 10.1965, một làn sóng biểu tình diễn ra tại hơn 20 thành phố của Mỹ với sự tham dự của 70.000 người nhằm phản đối chiến tranh VN. Bởi thế, GS Ngô Vĩnh Long từng trở thành mục tiêu theo dõi của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và cơ quan này thực hiện hàng ngàn trang hồ sơ về ông.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên mới đây, GS Ngô Vĩnh Long đã chia sẻ về những gì đã xảy ra tại Mỹ sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968.
Tác động lớn đến phong trào phản chiến
Từ năm 1965, ngay khi đặt chân đến Mỹ du học, ông đã có hàng loạt hoạt động phản đối Mỹ leo thang chiến tranh ở VN. Ông có thể cho biết cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 đã tác động thế nào đến phong trào phản chiến tại Mỹ?
Tổng tiến công Mậu Thân 1968 đã có tác động rất lớn đối với phong trào phản chiến tại Mỹ. Trước đó, trong năm 1967, chính phủ Mỹ đã đưa 480.000 quân sang và đã tuyên bố là sắp có “ánh sáng cuối đường hầm”. Và nhiều nhà làm chính sách của Mỹ còn tuyên bố là sẽ có thể bắt đầu rút bớt quân ra khỏi miền Nam vào mùa Giáng sinh như khẩu hiệu “Home by Christmas”.
Nhưng tổng tiến công Mậu Thân đã gây sốc lớn cho mọi giới trên nước Mỹ và thúc đẩy nhiều người đứng lên chống chiến tranh. Lúc đó tôi có hợp tác với nhiều nhóm trong phong trào phản chiến, đặc biệt là “tổ chức dù che” (Umbrella organization) gọi là Ủy ban Toàn quốc vận động chấm dứt chiến tranh ở VN (National Mobilization Committee to End the War in Vietnam, MOBE). Tôi nhớ là sau tổng tiến công Mậu Thân, tôi đến trụ sở của tổ chức này khi gửi thư ra cho hơn 500 nhóm trên toàn nước Mỹ thúc đẩy tăng cường và phối hợp với nhau.
tin liên quan
Tác động trong lòng nước MỹTôi xin đưa ra một ví dụ, ngày 27.4.1968 có nhiều cuộc biểu tình ở nhiều bang đòi chính phủ chấm dứt chiến tranh ở VN. Ngày đó có một cuộc biểu tình rất lớn được tổ chức tại thành phố New York. Nhiều diễn giả có tiếng đã được mời từ tháng 3, trong đó có mục sư Martin Luther King, Jr. Nhưng ông ấy bị ám sát ngày 4.4.1968 nên vợ ông ấy thay chồng đến dự cuộc biểu tình và đọc bài diễn văn gọi là Ten Commandments on Vietnam (tạm dịch 10 điều răn về Việt Nam). Đây là bài diễn văn ông Martin Luther King đã viết để đọc tại cuộc biểu tình. Bài diễn văn tìm được trong túi áo của ông ấy sau khi bị bắn chết.
Cùng ngày thì phía bờ tây nước Mỹ, tại thành phố San Francisco (bang California), có một cuộc biểu tình lớn do tổ chức “Quân nhân vì hòa bình” (GIs for Peace) dẫn đầu với sự tham gia của nhiều nhóm trong phong trào phản chiến.
Johnson rút lui
Thời điểm đó, ông có quan hệ rộng khắp với giới nghị sĩ Mỹ. Vậy chính giới Mỹ đã phản ứng thế nào sau sự kiện trên?
Nhiều người trong chính giới Mỹ bắt đầu công khai phản đối chính sách của Nhà Trắng ở VN. Trong số khoảng 30 thượng nghị sĩ lên tiếng công khai, có ông Robert Kennedy (em trai của cố Tổng thống John F.Kennedy; khi đó là thượng nghị sĩ bang New York) và ông James William Fulbright, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện (Senate Foreign Relations Committee) từ đầu năm 1955 cho đến khi ông từ chức vào tháng 12.1974.
Ngay sau tổng tiến công Mậu Thân, thượng nghị sĩ Fulbright đã giúp một nhóm sinh viên VN ở Mỹ và Canada sử dụng Câu lạc bộ Báo chí toàn quốc (The National Press Club) ở quốc hội Mỹ để làm cuộc họp báo yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh ở VN. Sau đó ông đã đưa bản tuyên bố của chúng tôi vào “Hồ sơ quốc hội” (Congressional Records) ngày 22.3.1968.
Cũng từ áp lực của quần chúng và chính giới đã buộc tổng thống Mỹ khi đó là Lyndon Johnson vào tháng 8.1968 tuyên bố không ra ứng cử tổng thống. Và ông Richard Nixon ra ứng cử với hứa hẹn sẽ đem lại hòa bình qua đàm phán. Lúc đó cuộc ứng cử của Nixon được gọi là “peace ticket”.
Đến cuối năm 1968, ông Nixon thắng cử, trở thành tổng thống thứ 37 của Mỹ. Nhưng tiếc là Nixon đã “lừa đảo” dân chúng Mỹ khi làm cho họ nhầm tưởng rằng “VN hóa chiến tranh” thì cuộc chiến sẽ chấm dứt (ít nhất là đối với người Mỹ), nhưng ông ấy lại lấy cơ hội làm chủ Nhà Trắng để kéo dài chiến tranh thêm 5 năm nữa. Cũng vì vậy mà về sau, chính giới Mỹ gọi Nixon là “Tricky Dick” có nghĩa là “Dick lắt léo” bởi Nixon còn có tên thường gọi là Dick.
Khánh thành Bia tưởng niệm chiến sĩ biệt động Sài Gòn
Sáng 26.1, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức lễ khánh thành Bia tưởng niệm chiến sĩ biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bia tưởng niệm đặt tại địa chỉ 108 Nguyễn Du, P.Bến Thành (Q.1) - nơi đã diễn ra cuộc chiến đấu của 15 chiến sĩ Đội 5, Biệt động Sài Gòn - Gia Định tấn công vào Dinh Độc Lập.
Sáng cùng ngày, chào mừng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2018), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM khai mạc triển lãm chủ đề “Mừng Xuân Mậu Tuất - Mừng Đảng quang vinh và Hào khí Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi sáng ngời”. Triển lãm diễn ra tại công viên 30.4, đường Đồng Khởi, Nhà văn hóa Thanh niên và Cung văn hóa Lao động, trưng bày 186 ảnh, 2 bảng trích giới thiệu sự kiện cùng các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Đình Phú
|
Nhà Trắng và việc cân nhắc dùng vũ khí hạt nhân
Theo hồ sơ do Lầu Năm Góc lưu trữ, ngày 30.1.1968 (giờ Mỹ), các quan chức quốc phòng Mỹ được triệu tập tới Nhà Trắng để dự họp đánh giá tình hình tại VN. Khi vẫn còn đang lo lắng thì Washington nhận tin Sài Gòn đang phải “chịu trận” đạn pháo và Đại sứ quán Mỹ cũng bị tấn công. Các thông tin báo về khiến cho Tổng thống Johnson lo ngại có thể phải dùng đến vũ khí hạt nhân tầm mức chiến thuật, nhưng ông cũng khẳng định rằng không hề muốn làm điều đó. Sau đó, về vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân, Đô đốc U.S.Grant Sharp Jr., Tham mưu trưởng của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, cùng đại tướng William Westmoreland, Tư lệnh Bộ Chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam VN (MACV), có báo cáo cho rằng không cần thiết, nhưng cũng không loại trừ khả năng phải dùng đến trong trường hợp tình hình căn cứ Khe Sanh (Quảng Trị) khó khăn nguy cấp.
Đến đầu tháng 2, tướng Westmoreland vẫn khẳng định mục tiêu chính của lực lượng miền Bắc VN là Khe Sanh. Ngày 2.2.1968, ông nói với đại tướng Earle Wheeler, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, rằng bộ đội VN sẽ tấn công Khe Sanh trong vài ngày tới. Đến những ngày tiếp theo, nội bộ Nhà Trắng vẫn không thể thống nhất liệu có tăng quân hay không. Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara thì đặt ra giới hạn tối đa tổng lực lượng quân đội Mỹ tại VN không vượt quá con số 525.000 như dự tính trước đó, còn tướng Westmoreland liên tục đề nghị tăng thêm khoảng 200.000 quân. Tổng thống Johnson thì không muốn tăng quân vì sợ dư luận Mỹ, và cũng ngại sẽ gánh trách nhiệm nếu không đáp ứng yêu cầu từ tướng Westmoreland. Cho đến ngày 29.2.1968, Bộ trưởng McNamara rời ghế lãnh đạo Lầu Năm Góc, mọi kế hoạch tăng quân đều bị bỏ ngỏ. Người kế vị là Clark Clifford về sau cũng chẳng còn mặn mà với giải pháp tăng quân.
|
Bình luận (0)