Gây tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm ra sao?

26/07/2022 18:45 GMT+7

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện vào năm 1958. Khi đó, 2 đợt bùng phát bệnh tương tự như thủy đậu xảy ra trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Mặc dù được đặt tên là "bệnh đậu mùa khỉ", vẫn chưa rõ nguồn gốc của bệnh này.

Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp do nhiễm virus đậu mùa khỉ. Virus đậu mùa khỉ là loại virus một phần cùng họ với virus variola - virus gây ra bệnh đậu mùa.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ tương tự như bệnh đậu mùa nhưng nhẹ hơn và bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi gây tử vong.

Nguy hiểm đến mức nào?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm nhiễm trùng da thứ phát, viêm phổi, lú lẫn và các vấn đề về mắt. Theo CDC, virus đậu mùa khỉ loại Tây Phi hiếm khi gây tử vong, hơn 99% những người mắc phải bệnh này có khả năng sống sót.

Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch yếu, trẻ dưới 8 tuổi, người có tiền sử bệnh chàm và những người đang mang thai hoặc cho con bú có thể bị bệnh nặng hoặc tử vong.

Ngoài ra, loại virus này có thể gây ra các triệu chứng đau đớn và để lại sẹo vĩnh viễn do phát ban.

Có những triệu chứng gì?

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể bao gồm:

- Sốt

- Đau đầu

- Đau cơ và đau lưng

- Sưng hạch bạch huyết

- Ớn lạnh

- Kiệt sức

- Phát ban.

Các nốt phát ban có thể trông giống như mụn nhọt hoặc mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng và trên các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Hình ảnh của một bệnh nhân bị đậu mùa khỉ

reuters

Phát ban trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trước khi được chữa lành hoàn toàn. Bệnh thường kéo dài 2-4 tuần. Nhiều người bị phát ban, sau đó có các triệu chứng khác. Một số người thì chỉ bị phát ban.

Các triệu chứng thường xuất hiện từ 1-2 tuần sau khi nhiễm virus.

Lây qua đường nào?

Bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhiều cách khác nhau. Virus có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với các nốt ban, vảy hoặc chất dịch cơ thể. Nó cũng có thể lây qua dịch tiết đường hô hấp khi tiếp xúc lâu dài, trực diện hoặc khi tiếp xúc thân mật, chẳng hạn như hôn, âu yếm hoặc quan hệ tình dục.

Ngoài ra, người mang thai có thể lây virus sang thai nhi qua nhau thai.

Bên cạnh đó, chạm vào các vật dụng mà trước đó có tiếp xúc với vết phát ban hoặc chất dịch cơ thể của người nhiễm cũng sẽ bị lây bệnh.

Virus đậu mùa khỉ có thể lây từ động vật bị nhiễm bệnh. Con người có thể bị lây do bị con vật đó cào, cắn, hoặc do sử dụng sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh.

Đặc biệt, những người không có triệu chứng đậu mùa khỉ không thể truyền virus cho người khác.

Dịch đậu mùa khỉ: Quyết định của tổng giám đốc WHO bất thường nhưng hợp lý

Điều trị ra sao?

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị dành riêng cho bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, do sự tương đồng về mặt di truyền của các loại virus, các loại thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh đậu mùa có thể được sử dụng để điều trị đậu mùa khỉ.

Có vắc xin chưa?

Vì virus đậu mùa khỉ và đậu mùa thông thường giống nhau về mặt di truyền nên các loại vaccine được phát triển để ngừa virus đậu mùa có thể sử dụng để ngừa đậu mùa khỉ.

Làm gì để phòng ngừa lây nhiễm?

- Tránh tiếp xúc gần, da kề da với những người bị phát ban trông giống như bệnh đậu mùa ở khỉ.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn.

Vì sao gọi là "đậu mùa khỉ"?

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện vào năm 1958. Khi đó, 2 đợt bùng phát bệnh tương tự như thủy đậu xảy ra trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Mặc dù được đặt tên là "bệnh đậu mùa khỉ", vẫn chưa rõ nguồn gốc của bệnh này.

Tuy nhiên, các loài gặm nhấm và các loài linh trưởng (như khỉ) ở châu Phi có thể chứa virus và lây cho người. Trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.