Gen Z cần tìm hiểu về hợp đồng lao động trước khi nhận việc?

09/05/2023 11:00 GMT+7

Người trẻ cần tìm hiểu kỹ về hợp đồng lao động vì nếu chẳng may có xảy ra tranh chấp với bên sử dụng lao động sẽ tránh bị thiệt hại về mình.

Nên đọc kỹ hợp đồng 

Đã đi làm được hơn 5 năm nhưng Đặng Nguyễn Trúc Vy (26 tuổi) ngụ đường Gò Dưa, P.Tam Bình, TP.Thủ Đức (TP.HCM) thú nhận khi nhìn lại ngày vừa ra trường xin việc mình hoàn toàn không nghĩ gì về hợp đồng lao động. 

"Mình chỉ nghĩ đơn giản là tìm được một công việc gần nhà, mức lương hợp lý và có thể tiện di chuyển. Lúc đó mình khá ngây thơ và không chú ý đến hợp đồng lao động, cũng không tìm hiểu về nó", Vy nói. 

Bí kíp công sở: Gen Z hiểu sao về hợp đồng làm việc - Ảnh 1.

Gen Z nên tìm hiểu kỹ về hợp đồng lao động trước khi ứng tuyển vào các công ty

Dạ Thảo

Vy kể lại: "Thời điểm tôi được ký hợp đồng lao động cũng không đọc kỹ về các điều khoản được liệt kê mà chỉ xem qua về mức lương, tiền thưởng thôi. Chính vì vậy, nếu có tranh chấp xảy ra, tôi cũng không tự tin để thưa kiện vì cơ bản lúc đầu tôi không đọc kỹ hợp đồng mà đã vội ký".

Tuy nhiên, sau này khi làm việc với vai trò là nhà tuyển dụng, Vy luôn chú ý nhắc nhở ứng viên nên đọc kỹ hợp đồng cũng như tìm hiểu về luật Lao động trước khi nhận việc ở bất kỳ công ty nào.

Còn Nguyễn Hoài Phương Trinh (23 tuổi) ngụ đường Hồ Xuân Hương, P.14, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết bản thân có công việc đầu tiên ngay sau khi vừa tốt nghiệp đại học. Mục tiêu tìm việc làm lúc đó của Trinh là muốn tìm được một môi trường tốt để phát triển, quan trọng hơn là tìm được người hướng dẫn có tâm để dẫn dắt mình đi được đúng hướng.

Trước đó, khi học đại học Trinh đã được học thêm về luật Lao động, vì vậy Trinh đã đọc rất kỹ hợp đồng lao động trước khi quyết định tìm việc. "Trong quá trình trao đổi phỏng vấn mình quan tâm đến sự rõ ràng của công ty về chính sách về lương, thưởng, bảo hiểm xã hội cho nhân viên cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ khác của cả hai bên. Chính vì thế, nếu có xảy ra tranh chấp, bản thân vẫn tự tin nhận phần thắng về mình", Trinh nói.

Hợp đồng lao động là phần quan trọng trước khi làm việc

Bà Huỳnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Nhân sự RTHoldings (tiền thân là Indochina Group - Tập đoàn Phát triển giáo dục quốc tế Đông Dương), cho biết: "Thông thường mối bận tâm lớn của những bạn trẻ tìm việc ngày nay là mức lương, môi trường, đồng nghiệp, thương hiệu công ty. Tuy nhiên, có một thứ mà nhiều người trẻ thường hay bỏ qua hoặc lơ là đó là hợp đồng lao động khi làm việc ở công ty. Đây cũng là phần quan trọng với nhiều gen Z khi chuẩn bị hành trang bước vào giai đoạn làm việc".

Theo bà Hiền, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Hợp đồng lao động đó là sự ràng buộc quyền, nghĩa vụ, mức lương, việc làm, điều kiện lao động giữa các bên. Ngoài ra, trường hợp hai bên có thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện bằng việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý điều hành giám sát của một bên cũng được gọi là hợp đồng lao động. 

"Ngoài hợp đồng chính thức, thì dạng thử việc, hợp đồng thời vụ, cộng tác viên cũng là một loại hợp đồng lao động", bà Hiền nói.

Bí kíp công sở: Gen Z hiểu sao về hợp đồng làm việc - Ảnh 2.

Gen Z nên đọc kỹ, trao đổi về hợp đồng trước khi ký kết

Dạ Thảo

Bà Hiền lưu ý, trong hợp đồng lao động thường phải có các yếu tố như: tên, địa chỉ công ty, thông tin cá nhân của người đại diện ký hợp đồng. Hợp đồng cũng nhắc đến công việc, địa điểm làm việc, thời hạn hợp đồng, mức lương, hình thức trả lương và thời hạn trả lương, thời gian làm việc và thời gian được nghỉ ngơi… Về điều khoản thi hành của hợp đồng cũng có quy định hiệu lực từ ngày ký hoặc thỏa thuận giữa các bên.

Theo bà Hiền, có 2 loại hợp đồng lao động là có thời hạn và vô thời hạn. Trong hợp đồng có thời hạn sẽ được ký 2 lần và không quá 36 tháng, sau đó nếu tiếp tục làm việc nhân viên sẽ được ký tiếp hợp đồng vô thời hạn. 

"Hiện nay, có một loại hợp đồng mà nhiều gen Z hay nhất là hợp đồng thử việc. Đây là loại hợp đồng tạm thời, không ràng buộc nhiều về thời gian thử việc. Nội dung của hợp đồng này cũng sẽ thể hiện mức lương thử việc, thời gian, nơi làm việc như các loại hợp đồng thông thường khác", bà Hiền cho biết.

Cũng theo bà Hiền, trong hợp đồng cũng có nhiều phụ lục nhằm thay đổi thỏa thuận, nó là một bộ phận trong hợp đồng và có hiệu lực như hợp đồng. 

"Ví dụ như hợp đồng có thời hạn 1 năm nhưng sau 6 tháng người lao động được nâng lương thì sẽ ký tiếp một phụ lục hợp đồng. Tuy nhiên, xét về tính pháp lý thì hợp đồng là chính còn phụ lục chỉ là phụ. Người lao động và người sử dụng lao động cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được quy định trong Luật lao động hiện hành. Bên cạnh đó, người lao động cũng được hưởng trợ cấp thôi việc và mất việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động", bà Hiền chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.