Gen Z chọn ngành học: Đừng đặt vận mệnh cuộc đời mình vào người khác !

04/04/2023 06:47 GMT+7

Câu chuyện "Gen Z chọn ngành học" thu hút sự quan tâm của độc giả. Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành hệ thống học tập trực tuyến Thinking School, đã có những quan điểm riêng về câu chuyện này.

"AI NÓI SAO TIN VẬY" LÀ KHÔNG NÊN !

Thưa ông, để người trẻ chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân, ông khuyên họ điều gì?

Hiện nay các công cụ tìm kiếm rất nhiều và rất dễ dàng. Bản thân mỗi người hãy tự tìm hiểu về ngành học đó, hỏi han người thân... Tự tìm nhiều nguồn thông tin để đối sánh, trong quá trình tìm hiểu đó sẽ trưởng thành lên rất nhiều và đến khi quyết định chọn ngành sẽ có quyết định chín chắn, khi vào trường sẽ tự tin với sự lựa chọn của mình. Còn hiện nay, theo tôi nhiều người trẻ không tự tin với lựa chọn của mình.

Gen Z chọn ngành học: Đừng đặt vận mệnh cuộc đời mình vào người khác ! - Ảnh 1.

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng

Có nhiều trường đại học, có hàng trăm ngành học, mà để bản thân gặp lỗi trong việc đăng ký vào một ngành học, một trường học, rồi sau đó lại bảo "trường này chán, ngành này chán quá" rồi đổi trường, đổi ngành, đồng thời cho là lỗi của người khác thì không nên.

Có ý kiến cho rằng sở dĩ gen Z gặp lỗi trong việc đăng ký vào một ngành học, một trường học nào đó, một phần là vì họ tin tưởng vào sự định hướng của người khác, trong đó có cả những "quảng cáo" quá đà từ các trường nên vô tình đổ xô vào một ngành học mà họ không yêu thích. Điều này liệu có đúng?

Ai quảng cáo thì họ cũng "chém gió", không phải riêng về giáo dục mà với hầu hết các ngành. Nên phải nói, chọn trường đại học hay các ngành học cũng giống như mua một sản phẩm, nếu không chọn đúng nhà cung cấp, tin quá đà vào quảng cáo thì sẽ bị lừa.

Thành ra, bản thân mỗi người muốn tiêu dùng được sản phẩm chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm này ảnh hưởng đến tương lai của mình trong mấy chục năm sau thì phải đầu tư vào phương pháp chọn cho ra được nhà cung cấp tốt. Nếu "ai nói sao tin vậy" thì không chỉ chọn trường tệ mà những thứ sau đó của cuộc đời cũng sẽ như thế mà thôi, cũng tệ cả. Phải có phương pháp tự học, tự tìm hiểu và phải tự chịu trách nhiệm với bản thân mình.

Hiển nhiên, một số trường cũng nên bớt "nói quá đà" khi quảng bá trường của mình mà không định hướng cho học sinh.

ĐỪNG SỢ NGÀNH NÀO SẼ LẠC HẬU VÀ CÁI BẰNG ĐẠI HỌC NÀO LÀ VÔ DỤNG

Nhân câu chuyện "Gen Z chọn ngành học" lại nhớ câu chuyện mới đây làm xôn xao dân mạng, đó là "những bằng đại học vô dụng". Ông nghĩ gì về câu chuyện đó?

Gen Z đừng sợ ngành nào sẽ lạc hậu và cái bằng đại học nào là vô dụng. Điều quan trọng là tự họ phải luôn trau dồi bản thân mọi lúc mọi nơi, để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Có thể phân biệt rằng "vô dụng" với sinh viên không chịu học còn "hữu dụng" với sinh viên khá giỏi trong lớp. Cùng môn học đó, ngành học đó, sinh viên khá giỏi hưởng thụ đến 80%, 90% giá trị của nhà trường. Trong khi sinh viên kém hơn chỉ học được vài mươi phần trăm thôi. Có đi đến Mỹ thì cũng không thể học hết cái thực tiễn đang có của những ngành marketing, quản lý nhân sự, quản trị kinh doanh… Mà chỉ cần thầy dạy 100 cái, mà sinh viên học được 120 cái, có nghĩa là tự nghiên cứu thêm 20 cái thì ra đời còn xuất sắc hơn nhiều. Đằng này dạy 100 cái thì học được vài cái thì đương nhiên ra đời sẽ gặp nhiều "vấn đề".

Gen Z chọn ngành học: Đừng đặt vận mệnh cuộc đời mình vào người khác ! - Ảnh 2.

Loạt bài gen Z chọn ngành học

NHỮNG KỸ NĂNG MÀ GEN Z CẦN CÓ

Ông có chia sẻ nào với gen Z để họ trang bị được những kỹ năng đáp ứng được cuộc sống hiện nay?

Theo tôi đó là những kỹ năng: tự học, tự nghiên cứu, tư duy phản biện. Những kỹ năng này cực kỳ quan trọng. Cũng giống như Chat GPT. Chat GPT là bộ óc. Nhưng phải biết sử dụng bộ óc đó, phải biết đặt câu hỏi cho nó. Khi sử dụng Chat GPT thì phải có phương pháp đánh giá câu trả lời của chat GPT có đủ tốt hay không?

Có bằng đại học, khả năng thành công được đảm bảo cao hơn

Theo tiến sĩ Dũng, thời nay với những người tốt nghiệp đại học thì con đường định hướng nghề nghiệp được rõ ràng hơn, có khả năng tự chủ, độc lập hơn, có kỹ năng hơn. Những người trẻ, nhất là gen Z, nên đi theo con đường học hành bài bản. Khi có bằng đại học thì khả năng thành công vẫn được đảm bảo cao hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp tuyển dụng đa số tuyển những người có bằng cấp chứ rất hiếm khi tuyển những người thiếu bằng cấp.

Gen Z chọn ngành học: Đừng đặt vận mệnh cuộc đời mình vào người khác ! - Ảnh 4.

Và quan trọng nhất vẫn là thái độ của gen Z. Gen Z đừng bao giờ đặt vận mệnh của cuộc đời mình vào tay ông thầy hay trường đại học mà mỗi gen Z phải là người làm chủ vận mệnh của bản thân. Nếu tới trường học vô tình gặp phải ông thầy dạy hơi dở mà ngành học đó hay, thì phải tìm cách để khai thác được nó, khai thác được kiến thức trong ngành đấy.

Khi tôi còn ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tôi hay nói với sinh viên trong những năm học có khả năng gặp khoảng 35 giảng viên. Lỡ may mắn gặp được 10 giảng viên xuất sắc, 20 giảng viên trung bình và 5 giảng viên dạy dở thì không lẽ vì 5 giảng viên dạy dở mà bảo là cuộc đời mình chán lắm, mình không học ư? Thế nên, kể cả khi gặp giảng viên dạy dở thì cũng phải nỗ lực học tốt. Vì mỗi sinh viên phải có trách nhiệm với chính bản thân mình.

Cần phải hiểu rằng, trường đại học cũng chỉ là xuất phát điểm, cung cấp nền tảng về mặt phương pháp để sau khi ra đời sinh viên có thể sử dụng nó để làm phương pháp phát triển cho mấy chục năm sau. Giá trị của trường đại học không chỉ nằm ở kiến thức cụ thể, vì kiến thức cụ thể sẽ mai một rất nhanh. Các sinh viên cần có phương pháp để tự học hỏi, nghiên cứu và phát triển dựa vào những kiến thức mang tính chất cốt lõi mà trường đại học đã trang bị.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.